Sẽ áp dụng Đánh giá năng lực để tuyển sinh
Kết quả tương đồng với “ba chung”
Đầu tháng 9 vừa qua, ĐHQGHN đã tổ chức thí điểm tuyển chọn sinh viên vào bậc đại học cho các chương trình tài năng, tiên tiến, chuẩn quốc tế, chất lượng cao bằng bài thi đánh giá năng lực (ĐGNL). Hơn 1200 sinh viên đã tham dự kỳ thi ĐGNL này. Đây là những sinh viên đã trúng tuyển vào ĐHQGHN qua kỳ thi “Ba chung” của Bộ GD-ĐT tổ chức.
Ngày 27-9, tại Hội thảo tham vấn “Đổi mới tuyển sinh đại học, sau đại học theo hướng đánh giá năng lực: thực tiễn triển khai thí điểm ở ĐHQGHN”, PGS.TS Nguyễn Kim Sơn, Phó giám đốc ĐHQGHN đã tổng kết: Kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, không xảy ra lỗi phần mềm. Qua phân tích kết quả ĐGNL và so sánh với kết quả kỳ thi “Ba chung” cho thấy đề thi có chất lượng tốt. Bài thi ĐGNL về cơ bản đã đánh giá đúng năng lực người học và có mối tương quan thuận chiều với kết quả kỳ thi “Ba chung” những thí sinh có kết quả thi ĐGNL cao cũng đồng thời là những thí sinh có kết quả thi đại học cao.
Bài thi có thang điểm 140, số thí sinh đạt từ 57 đến 98 điểm chiếm tỷ lệ cao nhất là 85,1%. Những em đạt trên 100 điểm đều có điểm thi ĐH từ 23,5 trở lên. Thí sinh đạt điểm cao nhất 130/140 cũng là thủ khoa với điểm thi ĐH là 27,5.
Ban chỉ đạo tuyển sinh đã tổ chức lấy ý kiến phản hồi của thí sinh về bài thi ĐGNL và thu được 1.061 phiếu phản hồi thông tin bậc ĐH, 547 phiếu bậc sau ĐH. Đa số các thí sinh trực tiếp tham gia kỳ thi cho rằng bài thi đánh giá đúng năng lực để học ngành đăng ký, cấu trúc và thời gian làm bài thi hợp lý…
Hơn 80% thí sinh có ý kiến đề thi đánh giá đủ kiến thức về mọi mặt của sinh viên, bám sát chương trình học. Đặc biệt các thí sinh cho rằng hình thức thi trên máy tính tiện lợi và mang lại sự khách quan, công bằng trong đánh giá.
Theo GS. Phùng Xuân Nhạ, Giám đốc ĐHQGHN, việc tuyển sinh theo hướng ĐGNL đã được ĐHQGHN nghiên cứu, khảo sát, học hỏi kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là của Hoa Kỳ. Cùng với sự tư vấn của các chuyên gia Hoa Kỳ, đến nay, ĐHQGHN đã có sự chuẩn bị chu đáo cho tuyển sinh ĐGNL từ cơ sở lý luận, kinh nghiệm thực tiễn, ngân hàng đề thi với hàng ngàn câu hỏi có chất lượng tốt, cơ sở vật chất, đường truyền, đội ngũ cán bộ làm công tác tuyển sinh…
ĐHQGHN đã xây dựng hơn 4000 câu hỏi ĐGNL theo các hợp phần. Toàn bộ bài thi của thí sinh sẽ được chấm trên máy và có thể in ngay sau khi thi.
GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban Đào tạo ĐHQGHN cho biết bài thi ĐGNL được tiếp cận theo hướng của Hoa Kỳ với hai kỳ thi chuẩn hóa đang được áp dụng là SAT và ACT, nhưng có những thay đổi để phù hợp với Việt Nam. Đội ngũ làm đề ĐGNL là những GS, TS có kinh nghiệm. Hiện nay, kiến thức được phân bổ trong bài thi ĐGNL với 70% là kiến thức lớp 12, 20% kiến thức lớp 11 và 10% kiến thức lớp 10. “Đề thi được làm rất công phu”, GS Bành Tiến Long, Nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT nhận xét.
Có thể áp dụng ĐGNL vào hai đợt ngay từ năm 2015
Từ những thành công bước đầu, trong thực tiễn triển khai ĐGNL, ĐHQGHN dự kiến sẽ tiếp tục nghiên cứu áp dụng phương án tuyển sinh này trên diện rộng cho tất cả các ngành, chuyên ngành đào tạo ở cả hai bậc đại học và sau đại học tại các cơ sở đào tạo, đồng thời xem xét đến khả năng sử dụng kết quả ĐGNL cho một nhóm các trường đại học khác.
Một trong những phương án đang được tính đến là ĐHQGHN sẽ có thể tổ chức ĐGNL để chọn các thí có nguyện vọng vào học ĐH tại ĐHQGHN vào hai đợt trong năm. Một đợt vào thời điểm tháng 4, trước kỳ thi quốc gia do Bộ GD-ĐT tổ chức, một điểm sau kỳ thi chung, vào tháng 8. Dự kiến, ĐHQGHN cũng sẽ áp dụng bài ĐGNL cùng với bài luận cho mọi ngành tuyển sinh bậc sau đại học.
Theo GS Bành Tiến Long, Nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cần làm sao phổ biến rộng cấu trúc bài ĐGNL học sinh biết vì đây mới là đối tượng chính. Quy chế cũng cần được ban hành sớm và chú ý đến những thí sinh vùng sâu vùng xa và hình thức đăng ký dự thi. Hiện nay chúng ta vẫn đang dạy và học đơn môn vì vậy, thí sinh cũng cần có thời gian làm quen với hình thức bài thi tổng hợp.
PGS.TS Nguyễn Kim Sơn cũng cho rằng, một số khó khăn của khi tiến hành ĐGNL là thí sinh chưa quen với dạng thức thi này, nội dung đánh giá lại rộng trái với thói quen học theo khối của học sinh. Đối với học sinh vùng sâu vùng xa thì vẫn là một thách thức.
Hình thức bài thi ĐGNL được cho là đã tạo ra một sự đổi mới trong lĩnh vực đánh giá, khảo thí khi đáp ứng yêu cầu cần có một hệ thống chính xác và linh hoạt để đánh giá năng lực thí sinh. Nhưng trước khi đưa vào áp dụng rộng rãi, đại diện lãnh đạo các trường đại học cho rằng cần lưu ý một số vấn đề như: lộ trình để thí sinh có thể làm quen cũng như có sự thay đổi tương ứng trong dạy và học theo hướng liên môn, vấn đề ngoại ngữ vẫn chưa được đề cập trong bài ĐGNL, tính pháp lý, chi phí thực hiện…
PGS.TS Đoàn Quang Vinh, Phó Giám đốc Đại học Đà Nẵng cho rằng: “Tương lai có thể hình thành nhóm các trường sử dụng kết quả ĐGNL. Hướng áp dụng kết quả bài thi ĐGNL để xét tốt nghiệp THPT là hoàn toàn có thể nhưng để không gây xáo trộn thì chưa nên áp dụng ngay.”
GS Phùng Xuân Nhạ tin tưởng rằng xu hướng tuyển sinh ĐH và sau ĐH dựa vào công nghệ là hợp lý và sớm muộn việc cải tiến thi cử cũng sẽ đi theo hướng này. Ông cho biết trước mắt, ĐHQGHN sẽ làm việc với một số trường đại học để có thể áp dụng phương án ĐGNL trong công tác tuyển sinh và ĐHQGHN sẽ đề xuất cơ chế để có thể tiếp tục nghiên cứu theo hướng tiếp cận về mặt chuyên môn, thí điểm tại một số sở GD-ĐT.
Ý kiến ()