SCO giữ vai trò gì trong trật tự thế giới mới?
Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) đang trở nên hấp dẫn hơn không chỉ đối với các quốc gia Á-Âu và châu Á-Thái Bình Dương mà còn đối với các quốc gia Trung Đông.
Điều này là do các quốc gia ngày càng không thoải mái với trật tự thế giới đơn cực hiện tại do Mỹ chi phối, nên thúc đẩy họ liên minh với các nước như Nga, Trung Quốc và Ấn Độ, đồng thời tận dụng lợi thế của sự hợp tác đó trong lĩnh vực an ninh và kinh tế.
Đó là nhận định của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Ilyas Kemaloglu thuộc Khoa Lịch sử tại Đại học Marmara ở Istanbul, khi phân tích tầm quan trọng của SCO, gồm Trung Quốc, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Nga, Tajikistan và Uzbekistan, đối với các nước thành viên và trật tự thế giới mới cùng những thách thức mà tổ chức này có thể gặp phải.
Theo Tiến sĩ Kemaloglu, sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc với sự sụp đổ của Liên Xô và Đông Âu vào năm 1991, các quan chức Nga bắt đầu đặt câu hỏi về sự tồn tại của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Đối với Điện Kremlin, lẽ ra sự hiện diện của NATO đã chấm dứt sau khi Hiệp ước Warsaw tan rã. Tuy nhiên, NATO vẫn tiếp tục chính sách mở rộng và Moscow cho rằng chính sách này nhắm trực tiếp vào Nga. Thực tế là các cuộc đàm phán gia nhập NATO của một số nước đã và đang gây căng thẳng trong quan hệ với Nga.
Mặt khác, ngay sau khi Liên Xô sụp đổ, Nga bắt đầu hội nhập với các nước láng giềng về chính trị, quân sự và kinh tế. Nga đã tăng cường hợp tác với các nước thuộc Liên Xô cũ thông qua việc thành lập một số tổ chức như Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG hay CIS), Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO), Liên minh Kinh tế Á-Âu (EEU). Năm 2001, SCO cũng được thành lập với mục đích ban đầu được coi là một tổ chức đối trọng với NATO. Do sự hợp tác của Nga và Trung Quốc với các nước Trung Á trong SCO, sự hiện diện quân sự của Mỹ trong khu vực đã chấm dứt và ảnh hưởng của các nước phương Tây đối với các nước Trung Á đã bị suy giảm.
Tiếp đó, Ấn Độ, Pakistan và Iran gia nhập tổ chức này, trong khi Afghanistan, Belarus và Mông Cổ nhận tư cách quan sát viên. Nhưng đến khi Saudi Arabia quyết định gia nhập vào tháng 3/2023, SCO một lần nữa thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế. Câu hỏi từng được Kremlin đặt ra với NATO: “Liên minh này tiếp tục mở rộng để chống lại ai?” hiện đang được các nước phương Tây hướng tới SCO. Việc Saudi Arabia đưa ra quyết định tham gia SCO gần như trùng với thời điểm Phần Lan trở thành thành viên NATO đã một lần nữa mang đến hình ảnh đối trọng giữa SCO và NATO với cộng đồng quốc tế.
Lãnh đạo các nước thành viên SCO luôn tuyên bố tổ chức này không phải là sự thay thế cho NATO. Nhưng sự mở rộng của SCO ngày càng được coi là trung tâm của “trật tự thế giới đa cực” mà Nga và Trung Quốc đang ủng hộ. Có một số lý do khiến Nga và Trung Quốc theo đuổi chính sách này vì trật tự thế giới đa cực: Nga và Trung Quốc có quan hệ xấu đi với Mỹ. Cả hai nước đều bất bình trước sự bá quyền của Mỹ, sự mở rộng của NATO, sự hợp tác của Mỹ và EU nhằm kiềm chế Nga và Trung Quốc, cũng như “tiêu chuẩn kép” mà một số tổ chức quốc tế chịu ảnh hưởng của Mỹ áp dụng.Mặt khác, SCO là một tổ chức quan trọng đối với mỗi thành viên hoặc quốc gia quan sát viên, đồng thời là một trong những “cánh cửa bước ra” thế giới đối với Nga.
Đối với các nước Trung Á, SCO đóng vai trò đảm bảo an ninh trước các cuộc cách mạng màu do nước ngoài hậu thuẫn có thể xảy ra. Đối với Ấn Độ và Pakistan, Mỹ đang theo đuổi một chính sách gây áp lực đi ngược lại lợi ích của họ và tư cách thành viên SCO rất quan trọng để cân bằng quyền lực với Mỹ. Trong khi Taliban ở Afghanistan tìm cách hợp pháp hóa quyền lực của mình thông qua SCO, Iran cũng tìm cách thoát khỏi sự cô lập quốc tế do phương Tây áp đặt thông qua SCO. Mông Cổ, nằm giữa Nga và Trung Quốc, đang cố gắng phát triển quan hệ kinh tế với các nước láng giềng thông qua SCO. Việc mở rộng SCO cũng củng cố hợp tác năng lượng, cũng như quan hệ thương mại giữa các nước thành viên. Do đó, việc Saudi Arabia quyết định trở thành thành viên SCO nhằm tăng cường hợp tác trong khối về năng lượng và kinh tế không khiến ai ngạc nhiên. Dự kiến, các quốc gia khác sẽ theo chân Saudi Arabia để gia nhập SCO.
SCO cho thấy rằng, họ có tiềm năng lớn về kinh tế, năng lượng và quân sự, cũng như sức mạnh chung. Tuy nhiên, có một số thách thức đối với SCO để trở thành nhân tố tích cực hơn trong khu vực và là tác nhân chính của “trật tự thế giới đa cực mới” do Nga và Trung Quốc dẫn đầu. Trung Quốc và Nga vẫn tồn tại một số bất đồng mặc dù họ đã củng cố quan hệ trong những năm gần đây.
Trong SCO, Moscow nhấn mạnh khía cạnh an ninh và quân sự nhưng Bắc Kinh tập trung vào hợp tác kinh tế. Việc SCO không có khả năng theo đuổi một chính sách thống nhất có thể là do các yếu tố như căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan và tranh chấp biên giới chưa được giải quyết giữa các nước Trung Á. Điều này đã dẫn đến việc SCO ít tham gia vào các vấn đề quan trọng của khu vực như xung đột ở Syria, chiến tranh Nagorny-Karabakh lần thứ hai và xung đột Uzbek-Kyrgyzstan. Ngoài những kết quả tích cực của việc mở rộng SCO, cũng sẽ có những hậu quả tiêu cực từ việc mở rộng của tổ chức này. Bất chấp thỏa thuận gần đây về việc thiết lập lại quan hệ ngoại giao giữa hai nước, việc Saudi Arabia gia nhập SCO sẽ đưa sự cạnh tranh giữa Iran và Saudi Arabia vào tổ chức này.
Về cơ bản, mỗi quốc gia thành viên của SCO có chương trình nghị sự riêng trong SCO, khiến việc thiết lập một chính sách thống nhất trở nên khó khăn, đặc biệt là về chính trị. Tuy nhiên, Tiến sĩ Kemaloglu kết luận, SCO đang trở nên hấp dẫn hơn không chỉ đối với các quốc gia Á-Âu và châu Á-Thái Bình Dương mà còn đối với các quốc gia Trung Đông. Điều này là do các quốc gia không thoải mái với trật tự thế giới đơn cực hiện tại do Mỹ chi phối, khiến họ tìm kiếm những cách thay thế để tăng cường sức mạnh của mình, liên minh với các nước hùng mạnh như Nga, Trung Quốc và Ấn Độ, đồng thời tận dụng lợi thế của sự hợp tác này trong lĩnh vực an ninh và kinh tế.
Nguồn:https://cand.com.vn/binh-luan-quoc-te/sco-giu-vai-tro-gi-trong-trat-tu-the-gioi-moi–i689733/
Ý kiến ()