Saudi Arabia và Iran đối thoại trực tiếp: Tín hiệu xoa dịu căng thẳng
Sau 5 năm cắt đứt quan hệ ngoại giao, các quan chức Saudi Arabia và Iran đã có cuộc đối thoại trực tiếp đầu tiên nhằm hàn gắn quan hệ. Dù chưa có kết quả đột phá được ghi nhận, song đây là tín hiệu tích cực trong việc tìm kiếm những khả năng xoa dịu căng thẳng tại một trong những “điểm nóng” nhất của khu vực Trung Đông.
Theo truyền thông phương Tây, vòng thảo luận đầu tiên của các quan chức Saudi Arabia và Iran đã được tổ chức ngày 9-4 tại thủ đô Baghdad của Iraq, theo sáng kiến của nước chủ nhà. Căng thẳng giữa hai nước bùng phát năm 2016 khi Saudi Arabia xử tử Giáo sĩ Hồi giáo dòng Shiite Nimr al-Nimr, người có quan hệ gần gũi với Iran. Saudi Arabia cũng đã tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran sau khi Đại sứ quán nước này ở Tehran bị người biểu tình tấn công để phản đối vụ việc trên.
Mâu thuẫn càng đẩy lên cao (năm 2018) khi Mỹ – đồng minh truyền thống của Saudi Arabia – đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân ký kết năm 2015 giữa Tehran và Nhóm P5 1 (Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pháp, Anh, Đức), còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt với Iran.
Theo các nguồn tin ngoại giao, vòng thảo luận đầu tiên gồm các cuộc đối thoại về xung đột tại Yemen. Đây được cho là một cuộc chiến ủy nhiệm tại khu vực và chứng kiến cuộc cạnh tranh ảnh hưởng khốc liệt nhất giữa Saudi Arabia và Iran, khi Riyadh và Tehran ủng hộ các bên đối lập. Cuộc chiến tại Yemen đã gây ra một trong những cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất thế giới khi nó cướp đi sinh mạng của khoảng 130.000 người, đồng thời khiến hàng triệu người chịu cảnh thiếu lương thực và không được chăm sóc y tế.
Các quan chức hai bên đã đề cập đến các vụ tấn công nhằm vào Saudi Arabia do nhóm vũ trang Houthi tại Yemen thực hiện. Từ đầu năm tới nay, nhóm này đã liên tục phóng tên lửa và máy bay không người lái nhằm vào các thành phố và cơ sở hạ tầng dầu mỏ của Saudi Arabia. Riyadh nhiều lần cáo buộc Tehran hậu thuẫn lực lượng này. Cuộc gặp diễn ra trong bối cảnh Saudi Arabia được cho là đang muốn chấm dứt cuộc chiến do nước này phát động nhằm vào nhóm vũ trang Houthi. Ngoại trưởng Saudi Arabia Faisal Bin Farhan Al Saud đã bày tỏ mong muốn ngừng bắn với nhóm vũ trang được Iran hậu thuẫn, đồng thời kêu gọi Chính phủ Yemen và người Houthi chấp thuận sáng kiến ngừng bắn.
Thông tin về cuộc đối thoại giữa Saudi Arabia và Iran được đưa ra giữa lúc Iran cũng đang tham gia các cuộc đàm phán tại thủ đô Vienna (Áo) nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân lịch sử. Saudi Arabia đã kêu gọi cộng đồng quốc tế tiến tới một thỏa thuận chặt chẽ hơn với các tiêu chuẩn cao hơn, đồng thời cho biết các quốc gia Arab sẽ tham gia đàm phán một thỏa thuận nhằm bảo đảm hạn chế cả chương trình tên lửa và kiểm soát tầm ảnh hưởng của Iran trong khu vực.
Đối với Saudi Arabia, một đồng minh truyền thống và quan trọng của Mỹ tại Trung Đông, việc nối lại các cuộc tiếp xúc với Iran cũng là một cách chứng minh thiện chí và thể hiện rõ mối quan tâm của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden là giảm bớt căng thẳng giữa hai quốc gia.
Ngày 19-4, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Saeed Khatibzadeh khẳng định, quốc gia Cộng hòa Hồi giáo luôn hoan nghênh đối thoại với Vương quốc Saudi Arabia, bởi điều này mang lại lợi ích cho người dân hai nước cũng như hòa bình và ổn định tại khu vực.
Hãng tin Reuters dẫn nhiều nguồn tin ngoại giao cho biết, cuộc gặp gỡ chưa tạo ra bất kỳ bước đột phá nào, song các cuộc đàm phán đầu tiên diễn ra trong bầu không khí tích cực, làm dịu căng thẳng và tạo triển vọng hàn gắn những bất đồng trong khu vực. Trong khi đó, nguồn tin ngoại giao của Saudi Arabia nhận định, các biện pháp xây dựng lòng tin như vậy có thể mở đường cho việc mở rộng quy mô đàm phán với sự tham gia của các nước Arab vùng Vịnh.
Ý kiến ()