Sau Tháng An toàn giao thông: Cần nâng cao ý thức người tham gia giao thông
LSO- Kết thúc tháng 9 – Tháng An toàn giao thông, theo báo cáo của Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) - Công an tỉnh Lạng Sơn, trong tháng 9/2014, toàn tỉnh xảy ra 8 vụ tai nạn giao thông (TNGT), khiến 9 người chết và 5 người bị thương. So với tháng 8, số người chết và bị thương đều tăng. Thiếu tá Phương Thức Định, Đội trưởng Đội Tuyên truyền – Xử lý vi phạm, Phòng CSGT khẳng định: Nguyên nhân số tai nạn nghiêm trọng tăng là do trong tháng 9 có ngày nghỉ lễ kéo dài, phần lớn là do ý thức người tham gia giao thông chưa cao, nhiều người phóng nhanh, chạy quá tốc độ, vượt ẩu và uống rượu khi tham gia giao thông…
Nếu không tính tháng 9, chỉ tính 8 tháng đầu năm, tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh đã giảm cả 3 tiêu chí. Qua số liệu thống kê, toàn tỉnh xảy ra 63 vụ tai nạn giao thông, làm chết 61 người, bị thương 39 người. So với cùng kỳ năm 2013, giảm 15 vụ, giảm 19 người chết và giảm 19 người bị thương. Để có kết quả này, ngay từ đầu năm, các lực lượng đã ra quân và xử lý mạnh các trường hợp vi phạm. Tuy nhiên, dù đã thực hiện nhiều giải pháp nhưng cũng không thể kiểm soát triệt để và hạn chế được các vụ tai nạn giao thông bởi ý thức người tham gia giao thông là quan trọng nhất.
Cán bộ CSGT nhắc nhở người tham gia giao thông cần đội mũ bảo hiểm cho trẻ
Đánh giá của Phòng CSGT tỉnh cho thấy, nguyên nhân TNGT tập trung chủ yếu do ý thức của một bộ phận người tham gia giao thông không tự giác chấp hành các quy định về an toàn giao thông như: điều khiển phương tiện phóng nhanh vượt ẩu, sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông; một bộ phận tổ chức, cá nhân làm ăn, sinh sống dọc hai bên đường cố tình lấn chiếm hành lang, lấn chiếm lòng đường, vỉa hè để kinh doanh, họp chợ… Thực tế không khó để bắt gặp những hành vi vi phạm pháp luật an toàn giao thông đường bộ như: Người tham gia giao thông đi xe máy không đội mũ bảo hiểm, chở 3 – 4 người, vượt đèn đỏ, điều khiển xe máy một tay, một tay mang vác hàng, xe chở hàng cồng kềnh trên đường phố… Theo số liệu thống kê mới nhất, trong 9 tháng đầu năm 2014, lực lượng CSGT đã kiểm tra và xử lý gần 4.600 trường hợp chạy quá tốc độ (cả ô tô và xe máy), gần 2.100 trường hợp điểu khiển phương tiện khi có nồng độ cồn cao hơn mức cho phép, trong đó 2.016 trường hợp vi phạm là những người điều khiển mô tô. “Đây chính là những yếu tố có thể gây ra tai nạn giao thông nghiêm trọng…”, thiếu tá Định khẳng định.
Hiện nay, trên địa bàn thành phố, ở những ngã tư có gắn đèn tín hiệu giao thông đều có gắn thêm biển báo về mức phạt đối với lỗi không chấp hành tín hiệu của đèn. Nhưng do ý thức còn kém nên một số người tham gia giao thông vẫn vô tư vượt đèn đỏ, con số hơn 500 trường hợp bị xử lý trong 9 tháng qua đã minh chứng cho lỗi ý thức này. Hiện nay, tại những điểm có tín hiệu đèn giao thông, lực lượng cảnh sát giao thông thành phố thường không cắm chốt và cắt cử cán bộ trực, nên khi không thấy có lực lượng chức năng làm việc thì một số ít người tham gia giao thông đã “vô tư” vi phạm các quy định pháp luật về an toàn giao thông vì việc vi phạm đó sẽ không bị bắt, bị xử phạt. Nhiều người lý giải cho việc vi phạm của mình do đi một đoạn đường gần nhà nên ngại không đội mũ bảo hiểm, vì có việc vội nên phải lái xe tốc độ nhanh hơn với bình thường, bạn bè, anh em mời nhau đi uống bia, rượu, tuy biết quy định trong người có nồng độ cồn thì không được lái xe nhưng đó là thói quen, không lẽ ăn uống xong lại bỏ xe đi bộ về…
Lãnh đạo Phòng CSGT – Công an tỉnh cho rằng, để giảm thiểu tai nạn giao thông, cùng với công tác tuyên truyền, xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông thì quyết định cuối cùng vẫn là ý thức người tham gia giao thông. Việc nghiêm túc, tự giác chấp hành các quy định pháp luật về an toàn giao thông, đi xe đúng phần đường, làn đường, không phóng nhanh, vượt ẩu sẽ hạn chế được những tai nạn giao thông không đáng có xảy ra. Thực tế, nhiều trường hợp vi phạm nhưng lực lượng chức năng không dám đuổi bắt vì nguy cơ tai nạn cao hơn, nhiều trường hợp gây tai nạn do người điều khiển uống rượu say không làm chủ phương tiện, tình trạng này diễn ra khá phổ biến ở khu vực nông thôn… Phòng đã thành lập đội cơ động phối hợp với công an các huyện từ ngày 1/9 thực hiện tuần tra, kiểm soát tất cả các tuyến đường huyện, tăng thời gian kiểm tra, xử lý vi phạm, nhất là vào thời điểm có nguy cơ cao như sau khi ăn uống sử dụng rượu, bia vẫn điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
Việc tuyên truyền rộng rãi trong Tháng An toàn giao thông vừa qua đã phát huy tính tích cực, nhưng chưa thật sự đi vào chiều sâu, chưa tác động đến từng cá nhân, có lẽ vậy nên số vụ tai nạn trong tháng 9 tăng cao. Để hạn chế các vụ tai nạn giao thông, trước hết cần tạo chuyển biến về nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về giao thông đối với mọi tầng lớp nhân dân thông qua nhiều kênh, như qua các phương tiện truyền thông đại chúng, đưa vào giáo dục trong các bậc học phổ thông.
Bài, ảnh: TRÍ DŨNG
Ý kiến ()