Sau Tết, giá dịch vụ ăn uống và trông giữ xe ở Hà Nội tăng cao
Số lượng khách tăng tại các bến xe ở Hà Nội và TP Hồ Chí MinhTừ ngày mồng 3, mồng 4 Tết, các chợ trên địa bàn Hà Nội đều mở cửa bán hàng, không khí mua bán nhộn nhịp trở lại. Thời tiết ấm dần lên, cho nên rau xanh tại các chợ nhiều hơn, giá cao hơn một chút so với ngày thường, nhưng vẫn thấp hơn những ngày áp Tết. Sau mấy ngày Tết, nhiều gia đình chuyển sang ăn lẩu, ăn bún cho nên các mặt hàng như rau xanh, thịt bò, cá, nấm, đậu phụ bán chạy. Rau cải cúc có giá 2 nghìn đồng/mớ, rau cần 8 nghìn đồng/mớ, bắp cải 8 nghìn đồng/kg, su hào 7 nghìn đồng/củ, cà chua 20 nghìn đồng/kg... Các loại nấm tươi, giá tăng nhẹ.Giá các loại thịt tăng khoảng 10% so với trước Tết. Thịt bò thăn tăng lên 200 nghìn đồng đến 250 nghìn đồng/kg. Các loại hải sản như tôm, ngao, sò... cũng tăng 15 đến 20% so với ngày thường. Tôm sú loại to giá 380 nghìn đồng/kg, cá trắm đen 150 nghìn đồng/kg. Đặc biệt, giá bún đã tăng gấp hai lần ngày...
Từ ngày mồng 3, mồng 4 Tết, các chợ trên địa bàn Hà Nội đều mở cửa bán hàng, không khí mua bán nhộn nhịp trở lại. Thời tiết ấm dần lên, cho nên rau xanh tại các chợ nhiều hơn, giá cao hơn một chút so với ngày thường, nhưng vẫn thấp hơn những ngày áp Tết. Sau mấy ngày Tết, nhiều gia đình chuyển sang ăn lẩu, ăn bún cho nên các mặt hàng như rau xanh, thịt bò, cá, nấm, đậu phụ bán chạy. Rau cải cúc có giá 2 nghìn đồng/mớ, rau cần 8 nghìn đồng/mớ, bắp cải 8 nghìn đồng/kg, su hào 7 nghìn đồng/củ, cà chua 20 nghìn đồng/kg… Các loại nấm tươi, giá tăng nhẹ.
Giá các loại thịt tăng khoảng 10% so với trước Tết. Thịt bò thăn tăng lên 200 nghìn đồng đến 250 nghìn đồng/kg. Các loại hải sản như tôm, ngao, sò… cũng tăng 15 đến 20% so với ngày thường. Tôm sú loại to giá 380 nghìn đồng/kg, cá trắm đen 150 nghìn đồng/kg. Đặc biệt, giá bún đã tăng gấp hai lần ngày thường, lên 20 nghìn đồng/kg.
Tết năm nay, các siêu thị mở cửa sớm hơn so với mọi năm, giá ổn định hơn so với chợ, cho nên thu hút đông khách hàng. Nhiều siêu thị còn đưa ra các chương trình khuyến mãi sau Tết. Đại diện siêu thị BigC Thăng Long cho biết, từ ngày mồng 3 Tết, siêu thị đồng loạt triển khai năm chương trình giảm giá từ 5 đến 40% cho hơn 1.100 mặt hàng. Các mặt hàng thịt, thủy, hải sản giảm giá đến 15%. Siêu thị Coopmart Sài Gòn (km số 10 đường Nguyễn Trãi) giảm giá 50% một số mặt hàng thực phẩm tươi sống. Các đơn vị tham gia bình ổn giá trên địa bàn Hà Nội như Fivimart, Intimex, hệ thống siêu thị Hapro… cũng góp phần ổn định giá sau Tết. Chín mặt hàng thiết yếu như thịt, rau xanh, gạo, dầu ăn… đều được các siêu thị này trợ giá cho người tiêu dùng.
Giá thực phẩm tươi sống và rau xanh không tăng nhiều, nhưng giá các dịch vụ ăn uống lại tăng mạnh. Một tô bún, tô phở được các nhà hàng bán đắt gấp hai, gấp ba lần ngày thường, từ 30 nghìn đồng đến 50 nghìn đồng/tô. Hàng bún ốc trên phố Hòe Nhai đã lấn chiếm hè hai bên đường để bày bàn ăn, xe máy của khách xếp xuống lòng đường, khiến đoạn phố này luôn bị ùn tắc giao thông.
Những ngày đầu năm mới, các điểm trông giữ xe chung quanh các công viên, vườn hoa, đền, chùa… tự ý nâng giá trông giữ phương tiện cao gấp năm đến mười lần so với quy định. Chung quanh khu vực Văn Miếu – Quốc Tử Giám, khu vực Phủ Tây Hồ, chùa Hà, chùa Phúc Khánh… các bãi trông giữ xe đều thu 20 nghìn đồng/lần gửi xe máy. Giá trông giữ ô-tô là 40 đến 50 nghìn đồng/xe. Thậm chí, có bãi gửi xe của tư nhân còn thu từ 30 nghìn đến 40 nghìn đồng/xe máy. Trước Tết, mặc dù UBND thành phố Hà Nội đã có chỉ đạo quản lý chặt các điểm trông giữ xe trong dịp Tết nhưng hiện tượng này vẫn tiếp tục diễn ra, khiến nhiều người dân bức xúc.
* Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, ngày 7-2, nhiều người dân quay trở lại Thủ đô tiếp tục học tập, làm việc, khiến lưu lượng phương tiện giao thông trên các tuyến đường cửa ngõ dẫn vào nội thành Hà Nội tăng đột biến, phần lớn là xe ô-tô chở khách, xe ô-tô con của các gia đình đi chơi sau kỳ nghỉ, xe ta-xi, xe máy của sinh viên, người lao động ngoại tỉnh. Tại các bến xe khách liên tỉnh Giáp Bát, Gia Lâm, Mỹ Đình, Lương Yên, Nước Ngầm, xe ô-tô chở khách từ các tỉnh nối đuôi nhau xếp hàng vào bến trả khách, những chuyến xe buýt chở đầy hành khách nườm nượp xuất bến. Các tuyến buýt đường dài từ Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam về các bến xe khách chật cứng người.
Theo nhận xét của nhiều người dân, việc đi lại năm nay thuận lợi hơn. Tình trạng nhồi nhét, bắt chẹt khách, tăng giá vé dọc đường ít xảy ra. Các hãng xe lớn như Hoàng Long, Mai Linh, Hải Âu… thực hiện đúng cam kết khách được ngồi mỗi người/ghế, chạy đúng thời gian quy định. Tại các bến xe không xảy ra tình trạng quá tải, tranh giành khách, ách tắc. Công tác an ninh trật tự được củng cố, tăng cường. Các phương tiện chấp hành nghiêm chỉnh quy định, nội quy của bến, ra vào bến đúng giờ, chạy đúng tuyến. Hệ thống xe buýt được kết nối với các bến xe khách liên tỉnh phát huy hiệu quả. Hầu hết hành khách xuống xe khách được các xe buýt đưa về các khu vực trong nội thành.
* Từ chiều mồng 3 Tết (ngày 5-2), tại TP Hồ Chí Minh lượng khách từ các tỉnh đổ về các bến xe bắt đầu tăng cao. Bến xe Miền Đông, chiều mồng 3 Tết, có 1.204 lượt xe từ các tỉnh miền trung, bắc và Tây Nguyên về bến, đạt khoảng 27.112 khách, tăng 7.000 khách so với ngày thường. Đến ngày mồng 4 Tết , lượng khách bắt đầu tăng cao, có 1.403 lượt xe chở 32.133 khách về bến.
Sáng 7-2, lượng khách đổ về bến tiếp tục tăng, tính đến 11 giờ có khoảng 1.000 xe chở hơn 25.000 lượt khách đổ về bến. Do đường sá thông thoáng, nên hầu hết xe đổ khách về bến nhanh, không gây ách tắc giao thông.
Cùng thời điểm này, từ chiều mồng 3 đến mồng 5 Tết, lượng khách từ bến xe đi các tỉnh vẫn tăng so với ngày thường, chủ yếu là các tuyến đường gần đi Buôn Ma Thuột, Gia Lai, Phan Thiết, Nha Trang, Bà Rịa – Vũng Tàu… Trung bình có khoảng 23.000 lượt khách đi các tỉnh, tăng 3.000 lượt so với ngày thường. Tại Bến xe Miền Tây, lượng khách từ các tỉnh đổ về bến tăng gấp hai lần so với ngày thường, cao nhất là ngày mồng 4 Tết với 1.600 lượt xe chở hơn 35.000 khách. Dự kiến ngày mồng 6, khách qua bến sẽ tăng mạnh. Để giải tỏa khách nhanh và tránh tình trạng ùn ứ tại các đầu bến, từ mồng 1 đến mồng 10 Tết, Bến xe Miền Tây giảm 50% giá dịch vụ qua bến cho các xe quay đầu về các tỉnh giải tỏa khách. Lượng khách từ bến đi các tỉnh vẫn tiếp tục tăng đạt 22.000 – 25.000 khách so với ngày thường. Bắt đầu từ mồng 3 Tết, giá vé đã quay về mức ngày thường.
Theo Nhandan
Ý kiến ()