LSO- Trái ngược với xu thế tăng vùn vụt của giá cả thị trường những ngày giáp Tết Nguyên đán Tân Mão, ngay từ ngày mồng 2, mồng 3 tết, khi nhiều chợ trên địa bàn các huyện, thành phố đã hoạt động nhộn nhịp trở lại, giá của hầu hết các mặt hàng thiết yếu đã giảm về mức bình thường và giữ ổn định. Áp lực tăng giá đã được giảm thiểu nhờ nguồn cung thực phẩm, rau xanh dồi dào ngay sau tết. Tuy vậy, diễn biến phức tạp mang tính quy luật trong tháng Giêng mà dân gian vẫn thường gọi là tháng “ăn chơi” này vẫn khiến cho các cơ quan quản lý nặng gánh lo toan.Tại các chợ Đông Kinh, Kỳ Lừa, Giếng Vuông, Chi Lăng (thành phố Lạng Sơn), giá thịt lợn, thịt bò và một số loại rau, củ quả gần như không tăng so với thời điểm giáp tết. Thịt nạc thăn giá 70.000 – 75.000 đồng/kg, thịt bò đùi giá từ 150.000 - 160.000 đồng/kg; các loại rau thông thường như cải bắp, su hào giá bình quân 4.000 – 5.000 đồng/kg…Chị Hoàng Thị Lưu ở phường Đông Kinh cho...
LSO- Trái ngược với xu thế tăng vùn vụt của giá cả thị trường những ngày giáp Tết Nguyên đán Tân Mão, ngay từ ngày mồng 2, mồng 3 tết, khi nhiều chợ trên địa bàn các huyện, thành phố đã hoạt động nhộn nhịp trở lại, giá của hầu hết các mặt hàng thiết yếu đã giảm về mức bình thường và giữ ổn định. Áp lực tăng giá đã được giảm thiểu nhờ nguồn cung thực phẩm, rau xanh dồi dào ngay sau tết. Tuy vậy, diễn biến phức tạp mang tính quy luật trong tháng Giêng mà dân gian vẫn thường gọi là tháng “ăn chơi” này vẫn khiến cho các cơ quan quản lý nặng gánh lo toan.
Tại các chợ Đông Kinh, Kỳ Lừa, Giếng Vuông, Chi Lăng (thành phố Lạng Sơn), giá thịt lợn, thịt bò và một số loại rau, củ quả gần như không tăng so với thời điểm giáp tết. Thịt nạc thăn giá 70.000 – 75.000 đồng/kg, thịt bò đùi giá từ 150.000 – 160.000 đồng/kg; các loại rau thông thường như cải bắp, su hào giá bình quân 4.000 – 5.000 đồng/kg…
Chị Hoàng Thị Lưu ở phường Đông Kinh cho biết: Các năm trước đây, khoảng nửa đầu tháng Giêng là giá rau và thực phẩm thường giữ ở mức cao và khó xuống. Riêng năm nay, giá các mặt hàng này giảm nhanh và gần như không tăng so với trước tết. Ngay từ sáng mùng 2, rau quả, thịt cá đã được bày bán ở các khu vực ngõ chợ, ngã ba, ngã tư. Chính vì vậy, giá các mặt hàng rau, củ, quả, thực phẩm không thể tăng lên được.
Những ngày tết đi qua cũng là khi hầu hết mọi người đã chán các món ăn nhiều chất béo, chất đạm. Giống như mọi năm, nhu cầu của người tiêu dùng chuyển sang các thực phẩm tươi sống. Tôm, cua, cá các loại được tiêu thụ mạnh với mức giá tăng 15 – 20%. Đơn cử như cá trắm sông có giá 100.000 – 120.000 đồng/kg, cua biển giá 300.000 – 450.000 đồng/kg, ngao biển giá 35.000 – 40.000 đồng/kg.
Cho đến mùng 10 tháng Giêng, các điểm họp chợ bán hàng tươi sống, rau, củ, quả trong toàn tỉnh đã hoạt động bình thường trở lại với nguồn hàng cung ứng khá đầy đủ. Các mặt hàng đã cơ bản đáp ứng và phục vụ tốt nhu cầu của người tiêu dùng. Việc tổ chức bán hàng và thực hiện chương trình bán hàng với giá bình ổn dịp trước, trong và sau tết thông qua hệ thống siêu thị trên địa bàn thành phố cũng như mạng lưới bán lẻ tại các huyện đã góp phần duy trì ổn định giá cả thị trường.
Sau tết, giá cả phần lớn hàng tiêu dùng thiết yếu ở thành phố Lạng Sơn đã trở lại ổn định
Theo quy luật hàng năm cũng như dự báo của ngành chức năng, tình hình giá cả thị trường quý I/2011 khó tránh khỏi diễn biến phức tạp. Giá một số mặt hàng thiết yếu, nhất là thực phẩm có thể còn cao và thường chỉ giảm sau thời điểm rằm tháng giêng. Cùng thời gian này,Chi cục Quản lý thị trường tỉnh cũng đã phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan, chỉ đạo các tổ, đội quản lý thị trường tại cơ sở bám sát địa bàn, phát hiện và xử lý kịp thời tình trạng tăng giá, ép giá, không xảy ra tình trạng “khan hàng, sốt giá” giả tạo, gây ảnh hưởng xấu tới đời sống người dân. Trong đó, Đội Quản lý thị trường số 1, thành phố Lạng Sơn vẫn tích cực phân công cán bộ nắm tình hình cơ sở để chủ động xử lý các vi phạm về hàng giả, hàng cấm, đầu cơ, ép giá – ông Đinh Văn Hùng, Đội trưởng cho biết.
Theo nhận định của cơ quan chức năng, giá cả thị trường các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn tỉnh trước và sau tết không có sự biến động mạnh như cùng kỳ năm trước. Lượng hàng hóa dồi dào, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng. Một số loại hàng hóa, dịch vụ cơ bản do Nhà nước định giá vẫn giữ được ổn định; nhiều loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu thuộc chương trình bình ổn giá thấp hơn giá thị trường 5 – 10%. Đây là cơ sở thuận lợi để các cấp, ngành chức năng có điều kiện kiềm chế lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội ngay từ quý I/2011 theo đúng chủ trương của Chính phủ.
Tuy vậy, trong tháng Giêng, việc kiềm chế tốc độ tăng của giá cả thị trường thường gặp nhiều khó khăn do giá dịch vụ biến động phức tạp. Hàng chục lễ hội lớn nhỏ với giá cả dịch vụ ăn uống, vui chơi, giải trí… theo kiểu tùy hứng rất khó quản lý. Giá dịch vụ tăng dễ kéo theo sự leo thang giá cả của hàng loạt mặt hàng tiêu dùng thiết yếu khác. Như vậy, trách nhiệm quản lý, bình ổn thị trường sẽ tiếp tục đòi hỏi sự nỗ lực cao hơn hết đối với các cấp, ngành chức năng.
Xuân Hoàng
Ý kiến ()