Sâu sát đến từng cơ sở, từng giáo viên
Các giáo viên Trường Tiểu học Tràng Định tập trung nghiên cứu mô hình trường học mới VNEN |
Chỉ còn hơn 2 tuần nữa là bước vào thực học, tuy bộn bề công việc chuẩn bị cho năm học mới, song tại Trường Tiểu học xã Tri Phương (huyện Tràng Định), đội ngũ giáo viên các trường tiểu học ở 2 xã Tri Phương và Quốc Khánh của huyện Tràng Định vẫn sôi nổi trao đổi kinh nghiệm về mô hình trường học mới VNEN. Làm việc với chúng tôi, cô giáo Lương Thị Oanh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tri Phương cho biết: cùng với trường Tiểu học xã Quốc Khánh, nhà trường nằm trong 81 trường tiểu học của tỉnh thực hiện mô hình trường học mới VNEN. Với 1 trường chính và 3 phân trường, khi thực hiện VNEN cũng gặp nhiều khó khăn, song do sự ủng hộ của người dân, phương pháp giảng dạy của giáo viên có nhiều điểm mới, và nhất là được thụ hưởng kinh phí điểm trường, nên sau 2 năm thực hiện, mô hình đạt kết quả tốt. Năm nay, thực hiện kế hoạch của Phòng, 3 trường tiểu học của 2 xã Tri Phương và Quốc Khánh tiến hành trao đổi kinh nghiệm giảng dạy theo mô hình này, tạo cơ hội cho trường Tiểu học Khánh Hòa áp dụng theo mô hình nhân rộng. Cô cho biết, đây là đợt sinh hoạt mang tính chuyên môn cao, có tác dụng nâng cao trình độ đội ngũ, nhất là cách thức tổ chức, điều hành lớp học, nên các giáo viên đều có mặt và tham gia sôi nổi.
Nhằm thực hiện quy hoạch phát triển nguồn nhân lực ngành giai đoạn 2013-2015, định hướng đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh, ngay năm học 2013-2014, ngoài việc tham mưu cho UBND tỉnh cử đội ngũ cán bộ giáo viên đi đào tạo Thạc sĩ trong nước và nước ngoài, ngành đã cử 1.416 cán bộ giáo viên từ cấp học mầm non đến THCS dự các lớp đào tạo nâng chuẩn. Tổ chức 102 lớp bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, phương pháp cho 8.804 lượt cán bộ giáo viên. Xây dựng và triển khai tổ chức thực hiện nội dung bồi dưỡng thường xuyên; cung cấp tài liệu, tổ chức đánh giá kết quả bồi dưỡng thường xuyên cho đội ngũ giáo viên các cấp theo quy định của ngành. Thực hiện công tác chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra công tác đánh giá xếp loại cán bộ quản lý, giáo viên các cấp theo chuẩn và theo Quyết định số 06/2006 của Bộ Nội vụ, trong đó có nội dung đánh giá giáo viên tham gia bồi dưỡng thường xuyên.
Nội dung bồi dưỡng thường xuyên của ngành GD&ĐT tập trung vào những vấn đề mới trong nội dung sách giáo khoa, hướng dẫn giảng dạy; những cách thức mới trong tiếp cận vấn đề của phương pháp dạy học hiện đại theo hướng phát huy tính tích cực chủ động của người học, bỏ hẳn lối “ thầy đọc, trò chép”. Theo đó, phương pháp giáo dục mới như “bàn tay nặn bột” và mô hình trường học mới VNEN, dạy học tăng thời lượng; đề án dạy và học ngoại ngữ trong nhà trường; đổi mới phương pháp kiểm tra đánh giá; dạy học tích hợp ở một số bộ môn… những kiến thức này có tác dụng tức thời vì được áp dụng ngay tại các nhà trường. Trong năm học 2013-2014, toàn ngành đã có 2.559 giờ dạy theo hướng nghiên cứu bài học với sự tham gia của công nghệ thông tin. Công tác bồi dưỡng thường xuyên đã có tác dụng tích cực đến việc nâng cao tỷ lệ giáo viên khá, giỏi, tạo nền tảng cho việc nâng cao chất lượng giáo dục. Theo thống kê, năm học 2013-2014, tỷ lệ giáo viên khá, giỏi của toàn ngành đã đạt 73,8%, tăng 22,2% so với năm học 2012-2013.
Các giáo viên dự lớp bồi dưỡng tập trung |
Nhằm chuẩn bị cho năm học mới 2014-2015, ngay từ tháng 7/2014, ngành đã có kế hoạch và triển khai các đợt bồi dưỡng thường xuyên của từng bộ môn, từng cấp học, từng vấn đề và từng nội dung trong công tác đổi mới giáo dục. Trong tháng 7/2014, đã tổ chức trên 50 lớp bồi dưỡng cho cán bộ và giáo viên các cấp, thu hút trên 7.000 giáo viên tham gia; dự kiến trong tháng 8 này sẽ có trên 60 lớp bồi dưỡng chuyên môn và hàng chục lớp bồi dưỡng chính trị hè cho cán bộ giáo viên toàn ngành. Trên thực tế, mỗi một thay đổi, mỗi điểm mới trong tài liệu, sách giáo khoa; mỗi định hướng trong công tác chỉ đạo của ngành đều phải có sự triển khai bồi dưỡng cho đội ngũ. Nếu công tác bồi dưỡng chính trị nhằm tạo cho cán bộ giáo viên cơ hội cập nhật tình hình thời sự chính trị trong nước, quốc tế, đường lối chủ trương của Đảng và nhà nước, sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước và của địa phương, nhằm thống nhất cao trong ý chí và hành động; thì công tác bồi dưỡng chuyên môn không chỉ nhằm cung cấp cho cán bộ, giáo viên những kiến thức mới, cách thức làm việc mà còn là dịp để toàn ngành thống nhất phương pháp chuyên môn phù hợp với sự chỉ đạo chung. Không chỉ là bồi dưỡng tập trung, hiện nay phong trào tự bồi dưỡng cùng với phong trào “giáo viên giúp đỡ giáo viên” đang thực sự trở thành việc làm thường xuyên ở mỗi nhà trường. Riêng trong năm học 2013-2014, toàn ngành đã có 8.763 giáo viên nhận giúp đỡ cho 8.326 giáo viên còn hạn chế về một số mặt. Trong đó có 6.092 giáo viên được giúp đỡ về chuyên môn, 2.265 giáo viên được giúp đỡ về ý thức kỷ luật trong công tác và 3.592 giáo viên được giúp đỡ về các kỹ năng khác.
Nói về công tác bồi dưỡng thường xuyên, tự bồi dưỡng, đồng chí Đoàn Thị Tĩnh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho rằng: đó là “kênh” quan trọng thường xuyên để mỗi cán bộ giáo viên tự rèn mình, cập nhật kiến thức để tự “lớn lên” trong môi trường công tác. Đó cũng là biểu hiện cụ thể của cuộc vận động “ Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương sáng về đạo đức, tự học và sáng tạo”.
Ý kiến ()