Sau “phiên tòa mẫu” ở Lộc Bình: Cần khắc phục nhiều hạn chế để đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
LSO – Tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm (phiên tòa mẫu) là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành kiểm sát nhân dân (KSND) nhằm thực hiện chủ trương của Đảng về cải cách tư pháp theo tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị. Sau khi tổ chức các “phiên tòa mẫu”, VKS và Tòa án nhân dân (TAND) huyện Lộc Bình đã rút ra nhiều kinh nghiệm bổ ích cho hoạt động điều tra, truy tố và xét xử.
Họp rút kinh nghiệm sau ” phiên tòa mẫu” tại huyện Lộc Bình
Sau một khoảng thời gian chuẩn bị, ngày 27/11/2013, Viện KSND và TAND huyện Lộc Bình đã phối hợp mở phiên tòa hình sự (phiên tòa mẫu) xét xử sơ thẩm đối tượng Vi Văn Kiên sinh năm 1993 trú tại thôn Khòn Phạc, xã Đông Quan (Lộc Bình) về tội cố ý gây thương tích nhằm rút kinh nghiệm trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử và quy cách tổ chức một phiên tòa chất lượng, đúng pháp luật. Phiên tòa có sự tham gia đầy đủ các thành phần xét xử theo quy định. Đại biểu tham dự, chứng kiến phiên tòa là đại diện Viện KSND tỉnh, lãnh đạo và một số cán bộ các ngành: tòa án, viện kiểm sát, công an huyện cùng đông đảo người làm chứng, người thân của đối tượng phạm tội, người thân của người bị hại…
Trong quá trình diễn ra phiên tòa, các đại biểu chăm chú lắng nghe từng nội dung khi đại diện VKS đọc cáo trạng; từng câu hỏi và câu trả lời khi hội đồng xét xử thẩm vấn đối tượng, hỏi các nhân chứng; phần tranh tụng. Ngoài ra, phiên tòa còn được chú ý về thời gian tổ chức, trang phục của những cán bộ tham gia xét xử, quy trình thực hiện… Sau 3 tiếng diễn ra phiên tòa, hội đồng xét xử và các đại biểu tổ chức phiên họp rút kinh nghiệm, phân tích, làm rõ ưu điểm và khuyết điểm về tư thế, tác phong, trang phục của các thành phần tham gia xét xử, kiểm sát viên (KSV); việc xây dựng bản cáo trạng, đề cương xét hỏi, dự kiến tình huống tranh luận, kỹ năng tranh tụng đối đáp với những người tham gia tố tụng khác; kiểm sát hoạt động việc tuân theo pháp luật trong xét xử của Hội đồng xét xử và những người tham gia tố tụng. Cụ thể, phiên tòa đã có sự cố gắng của Hội đồng xét xử, KSV; tiến hành khẩn trương; biết xem xét các tình tiết để luận tội chính xác, đúng pháp luật; KSV biết chuẩn bị đề cương và những câu hỏi phụ cho phần tranh tụng. Tuy nhiên, phiên tòa còn lộ rõ nhiều thiếu sót trong quá trình điều khiển, chủ tọa còn đặt những câu hỏi tỉ mỉ, không cần thiết, mang tính áp đặt, gợi mở. Bản cáo trạng chưa thể hiện rõ một số chi tiết (địa chỉ của bố mẹ đối tượng phạm tội, tình trạng hôn nhân của đối tượng, việc thu thập và quản lý vật chứng). Phần tranh tụng chưa đạt yêu cầu như mong muốn… Sau khi nghe các ý kiến góp ý, ông Hoàng Văn Mười – Chánh án TAND huyện Lộc Bình, chủ tọa phiên tòa xét xử Vi Văn Kiên cho biết, nhờ được góp ý mới thấy được những mặt hạn chế trong quá trình điều khiển phiên tòa. Qua đây bản thân ông và các hội thẩm sẽ rút được kinh nghiệm quý báu để chủ động nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án; nâng cao hơn nữa kỹ năng thẩm vấn, xét hỏi trong những phiên tòa sau để tuyên án đúng người đúng tội, đúng quy định của pháp luật.
Ông Nông Chí Kiên – Viện trưởng Viện KSND huyện Lộc Bình cho biết, đây là một trong hai “phiên tòa mẫu” vừa được Viện và TAND huyện Lộc Bình tổ chức thành công. Các ý kiến tham gia đóng góp đã giúp KSV trực tiếp xét xử thấy được những ưu điểm, thiếu sót của mình trong công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử vụ án. Từ đó, nâng cao kiến thức pháp luật, trình độ thẩm vấn, kỹ năng tranh luận, xử lý các tình huống phát sinh và nhận thức rõ hơn vai trò, vị trí quan trọng của mình tại phiên tòa.
Các ưu điểm và thiếu sót rút ra sau những lần tổ chức “phiên tòa mẫu” này sẽ được 2 đơn vị tổng hợp và quán triệt học tập rút kinh nghiệm. Những kinh nghiệm này được áp dụng, học tập sẽ khắc phục được các mặt hạn chế trước đây về chất lượng thực hành quyền công tố của KSV như: chưa nghiên cứu kỹ hồ sơ một số vụ án; chưa chủ động xét hỏi, xét hỏi chưa làm rõ được hành vi phạm tội của bị cáo; một số bản luận tội chưa logic, lập luận thiếu sắc bén, không thuyết phục; chưa phản ứng linh hoạt khi tham gia tranh tụng; thái độ tranh luận đôi khi còn nóng nảy, thiếu bình tĩnh ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả tranh tụng.
Để phát huy tác dụng, hiệu quả từ “phiên tòa mẫu”, theo lãnh đạo Viện KSND huyện Lộc Bình thời gian tới, đơn vị sẽ giao chỉ tiêu tham gia phiên tòa mẫu cho từng KSV, yêu cầu 100% KSV thực hiện nghiêm túc việc xây dựng đề cương tranh tụng và các câu hỏi phát sinh khi tham gia phiên tòa. Cùng với đó, 2 ngành: kiểm sát và TAND huyện tiếp tục tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm nhằm nâng cao chất lượng các phiên tòa, góp phần quan trọng vào công cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm, đẩy nhanh tiến trình cải cách tư pháp do Đảng chỉ đạo.
Ý kiến ()