tle=”Sâu nặng nghĩa tình quân dân”> Bộ đội Biên phòng Đồn Ra Mai gặp gỡ, hướng dẫn đồng bào dân tộc thiểu số gieo lúa. Trong những năm qua, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Quảng Bình luôn bám sát địa bàn, bám dân để củng cố hệ thống chính trị cơ sở, phát triển kinh tế-xã hội. Nhờ vậy, bộ mặt nông thôn vùng núi dọc tuyến biên giới ngày càng đổi thay. Người Vân Kiều, người Rục ở Quảng Bình lần đầu được hưởng thành quả lao động của mình là những hạt lúa, ngôi nhà đại đoàn kết trĩu nặng tình quân, dân.
Đưa cây lúa nước lên vùng cao
Tân Ly là bản của đồng bào dân tộc Vân Kiều nằm bên nhánh tây đường Hồ Chí Minh thuộc xã Lâm Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình), vốn rất nhiều khó khăn. Hơn 95% số hộ trong bản thiếu ăn, sống nhờ vào rừng. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã lập dự án phát triển kinh tế – xã hội bản Tân Ly với kinh phí gần 900 triệu đồng. Mục tiêu của dự án là quy hoạch, sắp xếp lại khu dân cư, làm lại nhà cho các hộ dân, triển khai mô hình trồng lúa nước. 100 cán bộ, chiến sĩ đã xuống bản Tân Ly giúp dân làm đường, ngăn đập nước, làm kênh mương, bóc tách sỏi đá để lấy đất sản xuất; vừa làm vừa hướng dẫn bà con các công việc đơn giản. Sau hơn 1.000 ngày công lao động, Bộ đội Biên phòng cùng dân bản phát quang, dọn sạch được hơn 22 nghìn m2 đất để làm ruộng nước và ruộng khô; sửa chữa đập nước, nạo vét 120 m mương thủy lợi, đắp 550 m bờ ruộng, trồng 700 gốc dứa và một hàng tre chống xói lở bờ ruộng; làm mới 250 m đường từ bản dẫn vào khu vực sản xuất. Không những thế BĐBP tỉnh còn đầu tư mua máy cày, dụng cụ lao động để sản xuất. Diện tích đất sau khi khai hoang được chia cho các tổ canh tác theo nhóm gia đình. Sau hơn hai tháng triển khai dự án, cây lúa nước đã lên xanh. Đây là lần đầu cây lúa nước lên với bà con dân tộc Vân Kiều ở xã Lâm Thủy. Mồ hôi và công sức của người lính biên phòng và bà con dân bản đã mang đến luồng sinh khí mới cho vùng đất nghèo Tân Ly. Trưởng bản Tân Ly Hồ Hoạch tâm sự: “Đồng bào miềng (mình) chỉ biết làm rẫy nên đói lắm. Chừ (giờ) có BĐBP chỉ cho cách trồng lúa nước. Có hạt lúa trên ruộng không lo đói nữa, cảm ơn bộ đội lắm”.
Những ngày cuối năm 2012, có dịp trở lại Tân Ly, chúng tôi được chứng kiến sự đổi thay trong đời sống của bà con Vân Kiều nơi đây. Anh Hồ Văn Dư ở bản Tân Ly nói: biết trồng lúa nước, dân bản không phải ăn sắn thay bữa nữa. Chính trị viên Đồn biên phòng Làng Ho, Trung tá Đặng Ngọc Tiến cho biết, bản Tân Ly có hơn hai ha lúa nước, bình quân mỗi ha thu gần 4,4 tấn lúa, đủ cho bà con ăn trong cả năm. Đơn vị đang khảo sát để mở rộng diện tích trồng lúa nước của bản.
Từ thành công của mô hình lúa nước đầu tiên ở bản Tân Ly, Bộ đội Biên phòng tiếp tục đưa lúa nước lên với đồng bào Rục ở xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa. Có thể nói thắng lợi của dự án lúa nước Rục Làn, xã Thượng Hóa đã mở ra một trang mới cho tộc người Rục sau hơn nửa thế kỷ rời hang đá về sinh sống giữa bản làng bên mái Trường Sơn. Chính những người lính biên phòng Quảng Bình hơn 50 năm trước đã phát hiện ra những người Rục cuối cùng trong hang đá để động viên, đưa họ về định cư, tạo lập cuộc sống, thì giờ đây cũng những người lính quân hàm xanh ấy cầm tay, chỉ giúp người Rục biết lái máy cày, biết gieo hạt lúa.
Hôm chúng tôi trở lại Thượng Hóa, đồng bào Rục đang bước vào vụ lúa mới. Trên cánh đồng hơn 10 ha, khâu làm đất đã thực hiện xong, chờ ngày xuống giống. Tôi lại gặp người quen, anh là kỹ sư của cánh đồng lúa Rục Làn, Thượng úy Phạm Xuân Ninh, Đội trưởng Đội vận động quần chúng Đồn biên phòng Cà Xèng. Khi triển khai dự án Rục Làn, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng Quảng Bình, Đại tá Nguyễn Văn Phúc nhớ ngay đến Thượng úy Phạm Xuân Ninh bởi trước đó anh đã cùng với đồng đội làm nên cánh đồng lúa ở bản Tân Ly. Ninh vốn là một kỹ sư nông nghiệp khoác áo lính nên rất hiểu cây lúa nước. Cái khó là nói cho đồng bào nghe, làm cho đồng bào thấy để làm theo, để thay đổi tập quán sống săn bắt, trông chờ đã ăn sâu vào tiềm thức của người Rục. Thượng úy Phạm Xuân Ninh cho biết, bằng sự kiên trì, không quản ngại khó khăn theo phương châm “bộ đội làm trước, dân bản làm sau”, các anh tạo được thói quen cho người dân biết thu gom phân trâu, bò để vừa sạch bản làng, vừa có nguồn phân bón cho lúa. Vụ lúa nước đầu tiên bộ đội và dân bản thắng lớn, năng suất hơn bốn tấn/ha. Dựa trên kết quả ngày công tham gia của bà con, mỗi công được chia 10 kg lúa. Lần đầu được làm xã viên HTX nông nghiệp, người Rục ở Thượng Hóa được hưởng thành quả lao động của mình là những hạt lúa trĩu nặng tình quân, dân.
Cùng chung sức xây dựng nông thôn mới
Chính ủy BĐBP Quảng Bình, Đại tá Hồ Thái Sơn cho biết, muốn vận động, thuyết phục đồng bào dân tộc thiểu số, người lính biên phòng phải hiểu đời sống, phong tục tập quán, ngôn ngữ của họ. Muốn hiểu được thì phải “ba bám, bốn cùng”, tức là “bám địa bàn, bám dân, bám đường lối, chính sách và cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc, cùng nói tiếng dân tộc”. Những năm qua, các đồn biên phòng tuyến biên giới Việt Nam – Lào trên địa bàn Quảng Bình luôn bám sát địa bàn, bám dân để củng cố hệ thống chính trị cơ sở, xây dựng và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xóa đói, giảm nghèo và xóa các hủ tục lạc hậu. Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Bộ Chỉ huy Biên phòng Quảng Bình đã phát động phong trào thi đua “BĐBP Quảng Bình chung sức xây dựng nông thôn mới”. Các đồn biên phòng đăng ký và triển khai nhiều mô hình phát triển kinh tế giúp người dân xóa đói nghèo, như trồng cao-su, nuôi lợn bản, khảo sát để thí điểm trồng lúa nước dưới chân núi Giăng Màn, ươm cây giống trồng rừng, chuyển giao và hỗ trợ người dân miền núi nuôi gà Ai Cập…
Bên cạnh việc phát triển kinh tế để giúp đồng bào ổn định đời sống, Bộ đội Biên phòng Quảng Bình đã phối hợp với chính quyền địa phương, các doanh nghiệp và các nhà hảo tâm xây 243 nhà đại đoàn kết cho người dân nghèo nơi biên giới với tổng trị giá hơn 10 tỷ đồng. Cuối tháng 9 -2012, được sự hỗ trợ 600 triệu đồng từ Công ty Cảng dịch vụ dầu khí Việt Nam, cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng tham gia hàng trăm ngày công làm 22 ngôi nhà đại đoàn kết ở Bản Dộ, xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa. Chúng tôi đến thăm nhà Hồ Khai khi anh vừa đi rẫy về. Ôm hai đứa nhỏ mới đi học về, anh nói: “Vợ miềng (mình) mất sớm, nuôi hai đứa nhỏ chưa đủ, miềng không dám nghĩ đến chuyện dựng nhà kiên cố để ở. Ba cha con dựng mái nhà sàn tạm bợ bên một con suối ở. Chừ (giờ) được bộ đội cho ngôi nhà vững chắc, sướng cái bụng lắm”. Còn già làng Hồ Xếp nói trong cảm xúc: “Đời già đã 86 mùa rẫy rồi nhưng không làm được ngôi nhà vững chắc để ở. May có Đảng, Nhà nước và Bộ đội Biên phòng giúp đỡ mới có nhà mới hôm ni (nay)”.
Những ngày cuối năm 2012, chúng tôi có dịp lên với làng Ho, xã vùng cao Kim Thủy, huyện Lệ Thủy để chứng kiến cán bộ, chiến sĩ biên phòng Quảng Bình gấp rút hoàn thành các phần việc cuối cùng cho kịp lễ khánh thành bản làng Ho, bản kiểu mẫu đầu tiên ở Quảng Bình từ sự hỗ trợ của Chương trình “Nghĩa tình Trường Sơn” của Báo Sài Gòn giải phóng. Làng Ho, một địa danh nổi tiếng trên tuyến đường Hồ Chí Minh những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đang hồi sinh từ bàn tay và khối óc của người lính biên phòng, của cộng đồng và nhà hảo tâm nhằm tri ân sự đóng góp của đồng bào Vân Kiều trong những năm chiến tranh. 37 hộ sắp có nhà mới để vui Tết, đón Xuân. Các công trình nước sạch, trạm y tế quân, dân y kết hợp cũng vừa hoàn thành để người dân chào đón năm mới 2013.
Chúng tôi rời làng Ho khi trời ngả mầu tối sẫm. Ngoái lại nhìn, phía sau nền xanh sẫm của điệp trùng Trường Sơn là mầu sáng của 37 ngôi nhà mới khang trang. Ấm lên trong tôi niềm tin về con đường sáng của 160 con người thuộc tộc người Bru – Vân Kiều khi họ có nơi ở mới, khang trang và ấm áp.
Theo Nhandan
Ý kiến ()