Sâu nặng nghĩa tình của Bác
Hồ Chủ tịch nói chuyện với anh hùng và chiến sĩ thi đua nông nghiệp (1957) – Ảnh: TƯ LIỆU |
Ngôi nhà của bà cùng gia đình đang ở là một căn hộ cấp bốn do Công ty nhà đất cho thuê, nằm bên đường vào khu danh thắng Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn. Bà Âu Thị Lê Thơm năm nay đã gần tám mươi tuổi nhưng còn minh mẫn, da dẻ hồng hào. Khi biết chúng tôi muốn tìm hiểu những kỷ niệm của bà thời kỳ tham gia phong trào phụ nữ Lạng Sơn, bà sôi nổi hẳn lên. Pha xong ấm trà mời khách, bà vào buồng lấy ra tờ báo và mấy bức ảnh đã cũ nhưng được ép platic rất cẩn thận. Đó là những bức ảnh và tờ báo Nhân dân có đăng ảnh bà được chụp kỷ niệm cùng với Bác Hồ và những đồng chí khác. Bà đưa cho chúng tôi xem và giải thích, chỉ dẫn từng bức ảnh, rồi bồi hồi kể lại:
– Những kỷ niệm thời kỳ tham gia công tác phụ nữ Lạng Sơn thì nhiều, nhiều lắm, khó có thể kể hết. Nhưng có những việc dẫu đã xảy ra cách đây mấy chục năm rồi, tôi vẫn nhớ như vừa mới xảy ra cách đây vài năm thôi – đó là những kỷ niệm về những lần được gặp Bác Hồ và sự quan tâm, chăm lo của Bác đối với phong trào phụ nữ, với chị em phụ nữ các dân tộc và trẻ em Lạng Sơn…
Bà chỉ cho chúng tôi xem một bức ảnh mà bà đã cất giữ lâu năm, ghi hình Bác Hồ giữa những cán bộ nam có, nữ có và ai cũng cười rất vui, rồi kể tiếp:
– Đây là bức ảnh chụp từ năm 1949, ghi lại lần đầu tôi được gặp Bác Hồ tại vùng ATK của chiến khu Việt Bắc. Lần ấy, tôi được lãnh đạo tỉnh cử về chiến khu dự hội nghị bàn về công tác phụ vận. Sau hai ngày leo đèo, vượt suối, tôi và anh Thoại (cán bộ Tuyên huấn Tỉnh ủy Lạng Sơn) đã đến địa điểm dự họp. Tham dự cuộc họp có nhiều đồng chí là cán bộ chủ chốt của các tỉnh Quảng Ninh, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Lạng Sơn… Nhiều tỉnh có Bí thư Tỉnh ủy về dự. Hội nghị bàn triển khai nhiều nhiệm vụ của trên đề ra. Nào là xây dựng Mặt trận Liên Việt đẩy mạnh kháng chiến; nào là củng cố lực lượng chuẩn bị tổng phản công… Nhưng có một việc được bàn rất kỹ, đó là quan tâm làm tốt công tác vận động phong trào phụ nữ các dân tộc tham gia kháng chiến. Buổi cuối, hội nghị rất phấn khởi được đón Bác Hồ đến nói chuyện và giao nhiệm vụ. Bác nói đại ý: Phụ nữ chiếm phần đông dân số, có khả năng rất to lớn đóng góp cho kháng chiến, kiến quốc. Muốn phát huy vai trò phụ nữ, lãnh đạo các địa phương phải quan tâm làm tốt công tác vận động phụ nữ, thực hiện nam nữ bình quyền. Phụ nữ các dân tộc miền núi ít được học hành, trình độ thấp, lại hay có tính tự ti cho nên các chú phải rất quan tâm giúp đỡ. Tỉnh nào, địa phương nào chưa có cán bộ nữ đảm đương được thì Bí thư Tỉnh ủy phải trực tiếp làm Bí thư Đảng đoàn phụ nữ. Các chú có làm được không? Bác nói dễ hiểu quá, thân mật, gần gũi quá. Mọi người đều chăm chú nghe như nuốt lấy từng lời. Khi nghe Bác hỏi vậy, mọi người nhìn nhau cười ồ vui vẻ và đồng thanh “Làm được ạ! Làm được ạ!” Bác chụp ảnh chung với hội nghị, gọi mấy chị em phụ nữ chúng tôi tới gần. Sau đó, Bác hỏi tôi rất kỹ từ phong trào phụ nữ Lạng Sơn đến hoàn cảnh gia đình của tôi. Sau hội nghị ấy trở về, tôi càng say sưa công tác, nhớ làm theo những điều Bác Hồ căn dặn.
Sau này, khi hòa bình lập lại ở miền Bắc, tôi được cử làm Chủ tịch Hội Phụ nữ Lạng Sơn, còn có dịp được gặp Bác nhiều lần. Lần nào Bác cũng quan tâm đến sự tiến bộ của chị em phụ nữ các dân tộc và Bác căn dặn, đại ý: Muốn chị em phụ nữ tham gia tốt công việc xã hội thì phải quan tâm tổ chức các nhà, nhóm trẻ, nuôi dạy các cháu để các mẹ yên tâm hoạt động, công tác. Năm 1959, Hội Phụ nữ Lạng Sơn tiến hành Đại hội lần thứ II. Đại hội đề ra 3 phong trào: Phong trào Hợp tác hóa; Phong trào 3 công trình vệ sinh (chuồng trâu, chuồng lợn, chuồng xí) và phong trào xây dựng nhà, nhóm trẻ. Ngay sau đại hội, Tỉnh Hội phụ nữ tiến hành làm điểm xây dựng trại trẻ khu vực các cơ quan tỉnh. Sau khi tìm hiểu, tôi trực tiếp đề nghị với anh La Thăng – Thường trực Tỉnh ủy và anh Bế Chấn Hưng – Chủ tịch Ủy ban hành chính tỉnh dành ngôi nhà của Vi Văn Định mà cơ quan Mặt trận Tổ quốc tỉnh đang ở để làm nhà trẻ, vì đây là ngôi nhà cấp bốn nhưng sạch đẹp, khang trang, xung quanh có hàng hiên rộng rãi, thoáng mát thuận lợi cho việc vui chơi, học tập của các cháu.
Được lãnh đạo tỉnh đồng ý, chúng tôi quyết định thành lập Trại trẻ Liên cơ quan tỉnh. Tỉnh Hội cử chị Nguyễn Thị Kim Ninh, Thường vụ Tỉnh Hội trực tiếp làm Trại trưởng và chọn bốn chị cán bộ có tinh thần trách nhiệm cao trực tiếp nuôi dạy các cháu. Trại trẻ được thành lập vào đúng ngày 8/3/1959 nên chúng tôi đặt tên là “Trại trẻ 8/3”, sau đổi thành “Nhà trẻ 8/3”. Cho đến nay Nhà trẻ 8/3 vẫn ngày càng phát triển và hoạt động tốt. Sau khi thành lập Trại trẻ 8/3, Tỉnh hội tiếp tục chỉ đạo ngành thương nghiệp – một ngành có nhiều chị em phụ nữ và ngành công an – chị em phải hoạt động cơ động, thành lập các nhà, nhóm trẻ. Có nhà trẻ, chị em cán bộ, công nhân viên được rảnh tay, tham gia công tác tốt hơn. Nhiều người ban đầu còn chưa quen, thương con, ngại không muốn gửi trẻ, nhưng sau thấy tốt đã yên tâm đưa con đến gửi. Nhà trẻ 8/3 lúc đó đã tiếp nhận tới 60, 70 cháu. Từ bài học kinh nghiệm này, năm 1960 chúng tôi tiếp tục chỉ đạo Hợp tác xã Lục Thôn (huyện Lộc Bình) làm điểm thành lập nhà trẻ ở khu vực nông thôn. Sau đó tiếp tục chỉ đạo các HTX ở xã Đề Thám (huyện Tràng Định) và nhân ra diện rộng trong toàn tỉnh. Phong trào nhà, nhóm trẻ Lạng Sơn bắt đầu phát triển từ đó.
Năm 1961, tôi được bầu làm đại biểu Quốc hội khóa II. Các cuộc họp Quốc hội, tôi thường được gặp Bác Hồ. Mỗi khi có dịp, Bác lại hỏi thăm tôi, hỏi phong trào phụ nữ Lạng Sơn và tình hình phát triển các nhà, nhóm trẻ ở Lạng Sơn. Tôi vui mừng báo cáo với Bác và Bác rất vui. Mỗi khi có dịp chụp ảnh, bao giờ Bác cũng gọi chị em phụ nữ dân tộc chúng tôi đứng gần. Có một lần, khi Bác kéo chúng tôi đứng xung quanh chuẩn bị chụp ảnh thì đoàn đại biểu Hà Nội, các chị đều mặc áo dài rất đẹp chạy ùa vào vây quanh Bác. Tôi lùi lại phía sau nhường chỗ cho đoàn Hà Nội. Khi chụp, không thấy tôi bên cạnh, Bác quay lại phía sau gọi tôi: “Cô Thơm, đại biểu Lạng Sơn lại đây!” Tôi thưa: “Thưa Bác, chật rồi, cháu đứng ở đây cũng được ạ!” Đây là bức ảnh chụp khi đó mà tôi vẫn giữ được: Bác Hồ đứng giữa các đại biểu Quốc hội, có các chị em phụ nữ mặc áo dài đứng xung quanh, nhưng Bác lại ngoảnh lại phía sau – đó là lúc Bác đang tìm gọi tôi! Bức ảnh này với tôi vô cùng quý giá và không bao giờ quên. Buổi trưa hôm đó, lúc về nhà nghỉ 37 Hùng Vương ăn cơm, Bác cho gọi các đại biểu các tỉnh miền núi: Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang… đến chụp ảnh chung. Bác nói: “Ban nãy ở Hội trường Ba Đình, Bác chưa kịp chụp ảnh với các cô, các chú, các đoàn miền núi, dân tộc. Bây giờ Bác cho chụp lại để làm kỷ niệm”. Bác lại gọi mấy chị em phụ nữ chúng tôi, mặc quần áo dân tộc được đứng gần Bác để chụp ảnh. Những bức ảnh này là những kỷ niệm vô giá đối với tôi, và cũng là thể hiện sự quan tâm chăm lo của Bác đối với phong trào phụ nữ, trẻ em, đồng bào các dân tộc chúng ta.
Ý kiến ()