Vượt lên những khó khăn đó, cùng với sự trợ giúp kịp thời của trung ương và các ngành, các cấp, nông dân Nam Trung Bộ nỗ lực ổn định cuộc sống, bảo đảm sản xuất. Sau lũ lớn, giờ đây những cánh đồng đã tràn ngập mầu xanh…
Dồn sức cho vụ đông xuân
Đợt lũ giữa tháng 11-2013 ở tỉnh Bình Địnhđược coi là lũ lịch sử, lớn nhất trong vòng 50 năm qua. Mưa lũ diễn biến quá nhanh khiến cho người dân không kịp trở tay. Cả tỉnh có 40 xã bị ngập, có vùng bị ngập từ 6 đến 8 m. Toàn tỉnh có 19 người chết, 102 nghìn nhà bị ngập nước, trong đó có 292 nhà bị sập đổ hoàn toàn, 418 nhà hư hỏng nặng… tổng thiệt hại về vật chất ước tính khoảng 2.125 tỷ đồng.
Ngay trong và sau lũ, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Bình Định yêu cầu tất cả các sở, ban, ngành, các tổ chức chính trị, xã hội trong tỉnh, lấy việc khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định đời sống nhân dân làm mục tiêu hàng đầu. Các địa phương đã tổ chức thăm hỏi, động viên và hỗ trợ kịp thời đối với các gia đình có người chết, người bị thương theo quy định; tiến hành phân bổ 1.000 tấn gạo của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam và 100 tấn gạo từ nguồn Dự trữ quốc gia cứu trợ kịp thời nhân dân vùng lũ. UBND tỉnh đang tiếp nhận và phân bổ 4.900 tấn gạo cứu trợ của T.Ư; trích dự phòng ngân sách địa phương mua 2.105 tấn giống lúa thuần và 272 tấn giống lúa lai để hỗ trợ cho nông dân các địa phương kịp thời sản xuất vụ đông xuân 2013-2014, tạm ứng 15 tỷ đồng cho các địa phương để khắc phục diện tích đất bị sa bồi thủy phá, tu sửa, nạo vét, khôi phục hệ thống kênh mương, hàn khẩu đê điều. Nhờ sự hỗ trợ kịp thời của các đơn vị bộ đội, công an và lực lượng thanh niên xung kích, dân quân tự vệ nên hơn 1.000 ha bị sa bồi thủy phá nặng vẫn kịp triển khai sản xuất vụ đông xuân này.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Tố Trân, Trưởng phòng trồng trọt, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) tỉnh Bình Định cho biết: “Vụ đông xuân này, toàn tỉnh gieo sạ tổng cộng 47.500 ha. Đến nay, cả tỉnh đã cơ bản gieo sạ xong”.
Chạy đua với thời vụ
Phú Yên là vựa lúa miền trung, hằng năm duy trì ổn định 47.000 ha diện tích lúa hai vụ.
Tổng sản lượng lương thực có hạt hằng năm đạt hơn 360.000 tấn. Trong đó vụ lúa đông xuân được xem là yếu tố quyết định cho sản lượng và chất lượng lương thực toàn tỉnh, với tổng diện tích gieo trồng 26.400 ha.
Do vậy, ngành nông nghiệp và các địa phương đang tập trung cho sản xuất vụ lúa quan trọng này.
Khó khăn lớn nhất thường gặp trong vụ sản xuất đông xuân là những thiệt hại về hạ tầng nông nghiệp sau mùa mưa bão. Tại huyện miền núi Đồng Xuân, bão số 15 làm sạt lở, bồi lấp 1.258 m 3 đất, làm đổ ngã 127 m kênh mương bê-tông. Sau bão lũ, huyện chỉ đạo các địa phương khắc phục các hạng mục công trình thủy lợi hư hỏng, đồng thời vận động nhân dân cải tạo ruộng bồi lấp kịp thời gieo sạ đúng lịch thời vụ. Những ngày này bà con nông dân ở các xã Xuân Quang 3, Xuân Long, Xuân Sơn, thị trấn La Hai, huyện Đồng Xuân dồn sức cải tạo ruộng bị sạt lở, bồi lấp. Nhà bà Nguyễn Thị Hương (xã Xuân Quang) có 2,5 sào ruộng bị đợt lũ vừa rồi làm sạt lở, bồi lấp nặng nên phải bỏ công đào đất, nạo vét. Bà Hương cho biết, hiện nay đang vào vụ thu hoạch mía đường, công lao động địa phương khan hiếm, không thuê được người làm, do vậy gia đình phải dốc sức làm nhiều ngày mới xong.
Tại thành phố Tuy Hòa, bão số 15 làm cho khoảng 200 m 3 kênh mương bồi lấp, sạt lở, gần 50 ha ruộng trũng ở các xã, phường Phú Lâm, Phú Thạnh, Phú Đông, Bình Kiến và Bình Ngọc rất khó khăn trong việc sản xuất vụ đông xuân 2013-2014. UBND TP Tuy Hòa chỉ đạo các địa phương, hướng dẫn nông dân thu dọn rác, cải tạo đồng ruộng bị bồi lấp, xói lở; cày dầm, vùi lấp gốc rạ, cỏ dại, lúa chét… nhằm tiêu diệt mầm bệnh để hạn chế đến mức thấp nhất sâu bệnh gây hại cho cây trồng. Huyện Phú Hòa, mưa lũ cũng làm 321 m 3 đất ruộng bị sạt lở. Bí thư Huyện ủy, đồng thời là Chủ tịch UBND huyện Phú Hòa cho biết, để chủ động cho sản xuất vụ đông xuân huyện chỉ đạo các HTX nắm bắt lại nhu cầu giống trong dân, trong đó chú ý việc sử dụng giống lúa thuần chủng, sạch bệnh. Vận động nhân dân sử dụng giống đạt hiệu quả, giống kháng sâu rầy, không nên sử dụng giống bị nhiễm bệnh đạo ôn, rầy nâu để gieo sạ; tuyên truyền cho nông dân tận dụng tối đa nguồn phân hữu cơ để bón ruộng kết hợp với việc sử dụng phân đơn như đạm, lân, ka-li thay cho các loại phân ngoại nhập như DAP, NPK để giảm chi phí sản xuất.
Theo lịch thời vụ của Sở NN và PTNT Phú Yên, vụ lúa đông xuân 2013-2014, thời điểm xuống giống tập trung từ ngày 20-12-2013 đến 10-1-2014, để lúa trổ sau tiết Kinh Trập (5-3-2014). Khuyến khích sử dụng các giống lúa lai đã được khảo nghiệm cho kết quả tốt, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng từng địa phương; đồng thời mở rộng diện tích lúa sạ hàng, sạ thưa hợp lý với lượng giống từ 100 đến 120 kg/ha.
Ý kiến ()