Sau hơn 3 năm thực hiện Chỉ thị 46
LSO-Trong những năm qua, Tỉnh uỷ Lạng Sơn đã lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị 46- CT/TW, ngày 27/7/2010 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hoá độc hại, gây huỷ hoại đạo đức xã hội” trong toàn Đảng bộ.
Độc giả đến thư viện tỉnh tìm đọc và tra cứu tài liệu phục vụ công tác |
Trong quá trình tổ chức thực hiện, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ đã tham mưu cho Tỉnh ủy chỉ đạo các cấp, các ngành chức năng tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành nghiêm các quy định của Đảng và Nhà nước về ngăn chặn, phê phán, bài trừ các sản phẩm văn hoá độc hại gây huỷ hoại đạo đức xã hội. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát tại các cửa khẩu, các tụ điểm văn hoá trên khắp địa bàn, phát hiện và ngăn chặn có hiệu quả sự xâm nhập của các sản phẩm văn hoá độc hại. Đặc biệt các cấp, các ngành còn thường xuyên phối hợp với các ngành hữu quan tiến hành kiểm tra, giám sát các hoạt động văn hoá, dịch vụ văn hoá, quảng cáo và các dịch vụ Internet; phối hợp chặt chẽ, đồng bộ với các đơn vị chức năng tăng cường việc kiểm soát, ngăn chặn các sản phẩm văn hoá độc hại.
Kết quả, các cơ quan chức năng đã kiểm tra trên 604 cơ sở kinh doanh hoạt động văn hoá, lưu trú du lịch, trò chơi điện tử; xử phạt hành chính 124 cơ sở, cá nhân vi phạm với tổng số tiền trên 252 triệu đồng. Phát hiện ngăn chặn 13 loại tài liệu phản động, xử lý 4 vụ kinh doanh văn hoá phẩm ngoài luồng, đấu tranh thu giữ, tiêu huỷ 3.674 đĩa Compac các loại có nội dung xấu, 4.573 đĩa CD, VCD không tem nhãn; 54 máy trò chơi điện tử; thu trên 57 cuốn kinh thánh, 300 tờ rơi có nội dung tuyên truyền phát triển đạo và 43 tài liệu tuyên truyền đạo trái phép, mê tín dị đoan. Hoạt động cấp phép, thanh tra dịch vụ karaoke được đẩy mạnh, hiện các cơ quan chức năng đã tiếp nhận và trả kết quả 597 hồ sơ xin cấp phép quảng cáo, biểu diễn nghệ thuật, karaoke, cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch và cơ sở lưu trú du lịch. Cùng với công tác tiền kiểm chặt chẽ, công tác hậu kiểm luôn được chỉ đạo sát sao, nhờ đó hoạt động karaoke trên địa bàn tỉnh thời gian qua cơ bản lành mạnh, đảm bảo các quy định của nhà nước….
Cùng với các hoạt động thanh tra, kiểm tra thì phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” được các cấp, các ngành triển khai tích cực, có sức lan toả sâu rộng, khơi dậy tinh thần tự giác của mỗi người dân, tạo môi trường văn hoá lành mạnh ở cơ sở. Tính đến cuối năm 2013, toàn tỉnh có 62% gia đình được công nhận là gia đình văn hoá, 36,5% làng văn hoá, khối phố văn hoá, 89,8% cơ quan đơn vị văn hoá. Việc giáo dục đạo đức, lối sống, thẩm mỹ, ứng xử văn hoá và kỹ năng sống cho thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên cũng được ngành giáo dục và đoàn thanh niên đẩy mạnh thực hiện, góp phần bài trừ các sản phẩm văn hoá độc hại xâm nhập vào nhà trường và thế hệ trẻ. Các phương tiện thông tin đại chúng thường xuyên tuyên truyền, phát hiện, biểu dương những điển hình tiên tiến góp phần quan trọng trong việc giữ gìn đạo đức, thuần phong mỹ tục, phòng chống, bài trừ các hủ tục lạc hậu, sản phẩm văn hoá độc hại.
Điều nhận thấy rằng, trong những năm gần đây, cùng với quá trình phát triển kinh tế, đời sống văn hoá tinh thần của nhân dân trong tỉnh đã từng bước được cải thiện và nâng lên đáng kể. Môi trường văn hoá lành mạnh, các giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc được chú trọng bảo tồn và phát huy, các giá trị mới đang hình thành và phát triển. Hợp tác giao lưu văn hoá trong và ngoài nước ngày càng mở rộng, nhiều sản phẩm văn hoá có giá trị được tiếp thu có chọn lọc, làm phong phú đời sống văn hoá, tinh thần của nhân dân.
Tuy vậy, do sự bùng nổ của công nghệ thông tin, đặc biệt là sự phát triển mạnh của mạng Internet, các trang web, nhiều sản phẩm văn hoá độc hại từ bên ngoài đã xâm nhập bằng nhiều con đường và lưu hành trên địa bàn tỉnh chưa có biện pháp ngăn chặn được triệt để. Công tác quản lý nhà nước về văn hoá ở một số nơi còn bất cập. Trên địa bàn tỉnh vẫn còn tình trạng kinh doanh không phép, trái phép, kinh doanh có biểu hiện không lành mạnh, nhất là các loại hình mua, bán băng đĩa dạo; đây cũng là nguồn gốc phát sinh văn hoá phẩm độc hại, gây phức tạp thêm cho tình hình quản lý các hoạt động văn hoá của cơ sở.
Để tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị 46 -CT/TW, đòi hỏi các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở cần phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, công tác quản lý nhà nước về văn hoá. Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức cảnh giác, năng lực nhận biết cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trước sự xâm nhập, tác động của các sản phẩm văn hoá độc hại. Phối hợp đồng bộ giữa các cấp, các ngành trong phòng, chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hoá độc hại, gây huỷ hoại đạo đức xã hội. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát ở địa bàn, cửa khẩu, biên giới, các cơ sở hoạt động kinh doanh, dịch vụ văn hoá, kịp thời ngăn chặn và xử lý các trường hợp vi phạm.
VĂN HOA
Ý kiến ()