Sau hơn 2 tháng nạo vét, nước hồ Gươm đã dần trong xanh trở lại
Hồ Gươm (hồ Hoàn Kiếm) có diện tích 12ha, nằm trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, là biểu tượng văn hóa tâm linh của người dân Thủ đô và cả nước.
Theo đánh giá mới đây của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Thoát nước Hà Nội, do thời gian, hồ bị ô nhiễm môi trường ở mức nghiêm trọng, độ pH luôn ở mức cao, cặn lơ lửng trong nước cao hơn tiêu chuẩn cho phép 5 lần. Hồ trong tình trạng bị ô nhiễm hữu cơ gấp 2 lần so với tiêu chuẩn.
Ngoài ra, qua khảo sát chiều dày của lớp bùn tại 14 vị trí hồ, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Thoát nước Hà Nội nhận thấy nhiều khu vực có độ dầy bùn 1,64m. Điều này khiến cho mực nước hồ rất nông, chỉ còn có mấy chục phân nước. Mặt khác, lớp bùn dầy dưới đáy hồ còn chứa nhiều kim loại nặng, chứa nhiều khí độc, làm cho môi trường sống của các loài thủy sinh trong hồ bị ảnh hưởng.
Trước thực trạng trên, Công ty đã trình Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội và các bộ, ngành liên quan, thực hiện nạo vét hồ.
Sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt, từ ngày 1/12/2017 Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Thoát nước Hà Nội đã bắt tay vào thực hiện công việc nạo vét, với sự kết hợp thi công giữa cơ giới và thủ công. Đến đầu tháng 2/2018, công việc nạo vét được hoàn thành, tổng khối lượng nạo vét khoảng 57.400m3 bùn, đất. Đây được xem là lần nạo vét có quy mô lớn nhất từ trước tới nay tại hồ Gươm. Đến nay, sau một tháng nạo vét, nước hồ Gươm đã dần trong xanh trở lại màu đặc trưng trước đây.
Ông Phạm Tùng Lâm, Trưởng Ban Quản lý khu vực hồ Gươm chia sẻ: Khi hồ được nạo vét, lớp bùn đất ô nhiễm mất đi sẽ là cơ hội tốt để các loại thủy sinh, sinh vật trong hồ sinh phát triển. Thực tế có ghi nhận cá thể rùa đã lên khu vực đền Ngọc Sơn đẻ trứng.
Khi được đề cập thời gian gần đây có một đàn vịt trời bơi lội tại hồ, ông Phạm Tùng Lâm cho biết đơn vị không nhận được bất kỳ văn bản nào của các cơ quan chức năng về việc thả vịt vào ở hồ Gươm. Còn vịt trời từ đâu đến hồ, đến nay chưa có nguồn thông tin chính xác, có thể là vịt tự nhiên hoặc cũng không ngoại trừ do người dân tự ý thả xuống. Trước đây, đơn vị có ghi nhận vịt trời và cò bay đến hồ sinh sống và sau đó lại bay đi, ông Phạm Tùng Lâm nói.
Ông Phạm Tùng Lâm cho biết thêm số lượng vịt trời trong hồ hiện nay là bao nhiêu con, sinh sống khu vực nào, đang được Ban Quản lý khu vực hồ Gươm phối hợp với các cơ quan chức năng để lên phương án xử lý một cách hợp lý nhất.
Nhìn nhận ở một góc độ khác, một số người dân Thủ đô cho rằng, nếu đàn vịt ở hồ Gươm là vịt trời tự nhiên thì đây là một tín hiệu tốt lành về điều kiện sinh thái, “đất lành chim đậu.” Vì sau khi môi trường hồ Gươm được nạo vét bùn, đất hạn chế ô nhiễm, các sinh vật tự nhiên tìm đến về trú ngụ cũng là điều bình thường. Nhưng trường hợp, đàn vịt là do người dân thả xuống, những đơn vị quản lý hồ phải chịu trách nhiệm trước các cơ quan chức năng. Bởi, theo quy định, thả bất cứ sinh vật nào xuống hồ Gươm đều phải được sự đồng ý của ngành văn hóa-thể thao-du lịch do Di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh hồ Gươm và đền Ngọc Sơn là Di tích Quốc gia đặc biệt./.
Theo VietnamPlus
Ý kiến ()