Sau bình thường hóa với Maroc, Israel thiết lập quan hệ cùng Bhutan
Ngày 12/12, đại sứ của Israel và Bhutan tại Ấn Độ đã ký thỏa thuận này và nhất trí xây dựng kế hoạch làm việc chung trong các lĩnh vực quản lý nước, nông nghiệp, chăm sóc sức khỏe và các lĩnh vực.
Đại sứ Bhutan tại Ấn Độ và Đại sứ Israel tại Ấn Độ ký thỏa thuận thiết lập quan hệ song phương ngày 12/12/2020. (Nguồn: timesofisrael.com)
Bộ Ngoại giao Israel ngày 12/12 xác nhận nước này đã thiết lập quan hệ ngoại giao với Bhutan, quốc gia láng giềng của Ấn Độ có phần lớn dân số theo đạo Phật.
Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Israel cho biết thỏa thuận về việc thiết lập quan hệ song phương đạt được sau các cuộc tiếp xúc bí mật giữa nước này và Bhutan trong vài năm qua.
Một buổi lễ ký kết đã được tổ chức giữa các đại sứ của Israel và Bhutan tại Ấn Độ trong ngày 12/12. Hai nước đã nhất trí xây dựng một kế hoạch làm việc chung trong các lĩnh vực quản lý nước, nông nghiệp, chăm sóc sức khỏe và các lĩnh vực khác.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã hoan nghênh thỏa thuận trên và cho biết: “Chúng tôi đang liên hệ với các quốc gia khác muốn tham gia và thiết lập quan hệ với chúng tôi.”
Về phần mình, Bộ trưởng Ngoại giao Israel, ông Gabi Ashkenazi nhấn mạnh: “Phạm vi công nhận Israel đang được mở rộng. Việc thiết lập quan hệ với Vương quốc Bhutan sẽ mở ra một kỷ nguyên mới trong nỗ lực làm sâu sắc các mối quan hệ của Israel ở châu Á.”
Trước đó, ngày 10/12, Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo Israel và Maroc đã nhất trí bình thường hóa hoàn toàn quan hệ ngoại giao và Maroc trở thành quốc gia thứ 4 trong thế giới Arab trong năm nay có bước đi này với Nhà nước Do Thái, sau Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Bahrain và Sudan.
Tuy nhiên, mối quan hệ mới của Israel với Bhutan – quốc gia tương đối biệt lập trên dãy Himalaya – dường như không liên quan đến mối quan hệ mới chớm nở của nước này theo các hiệp định do Mỹ bảo trợ với các nước Arab và Hồi giáo ở Trung Đông và châu Phi.
Theo Bộ Ngoại giao Israel, đến nay Bhutan mới chỉ có quan hệ ngoại giao đầy đủ với 53 quốc gia./.
Ý kiến ()