Sâu, bệnh hại cây lâm nghiệp: Cảnh giác trước diễn biến phức tạp
LSO-Mới đây, xuất hiện thông tin phản ánh về sâu lạ tấn công, gây hại hàng trăm ha thông ở Lộc Bình.
LSO-Mới đây, xuất hiện thông tin phản ánh về sâu lạ tấn công, gây hại hàng trăm ha thông ở Lộc Bình. Trên thực tế, theo tìm hiểu của chúng tôi thì đây không phải là loại sâu mới trên cây lâm nghiệp, đồng thời cũng chưa đến ngưỡng gây hại. Tuy nhiên, trong thời gian qua với sự phát sinh của khá nhiều loại sâu, bệnh trên cây lâm nghiệp cho thấy diễn biến đang theo chiều hướng phức tạp hơn.
Cán bộ bảo vệ thực vật huyện Văn Lãng kiểm tra, phun phòng sâu róm thông |
Loại sâu mình trơn bóng ăn lá thông như một số thông tin phản ánh, thực chất là sâu non của ong ăn lá thông, loài này chẳng lạ lẫm gì đối với các cánh rừng thông Xứ Lạng. Bà Nguyễn Thị Thông, Trưởng phòng Kỹ thuật Chi cục Bảo vệ thực vật cho biết: vào khoảng năm 2005-2006, loài ong này đã phát sinh và gây hại khoảng 10ha rừng thông ở Văn Lãng, đến năm 2007-2008 ong ăn lá thông tiếp tục phát sinh, gây hại cho 10ha thông ở Lộc Bình và mới đây nhất, năm 2012, ong xuất hiện gây hại cục bộ 15ha thông ở xã Quan Sơn, huyện Chi Lăng. Với mật độ cao, sâu non có thể ăn trụi lá thông. Thời tiết nóng ẩm như hiện nay là điều kiện thích hợp cho ong ăn lá phát sinh, phát triển. Với loài gây hại này, cơ quan chuyên môn đã có nhiều kinh nghiệm phòng trừ bằng thuốc và sử dụng thiên địch.
Quay trở lại thông tin về việc ong ăn lá thông gây hại mạnh tại xã Bằng Khánh, huyện Lộc Bình trong thời gian vừa qua. Thực tế theo tìm hiểu của chúng tôi thì ong có phát sinh, nhưng ở mật độ rất thấp. Ông Hoàng Văn Thành, Trạm trưởng trạm Bảo vệ thực vật huyện Lộc Bình cho biết: Trạm đã phối hợp với UBND xã Bằng Khánh đi kiểm tra, mật độ sâu ong chỉ ở mức 10 đến 15 con/cây, diện tích thông bị nhiễm loại sâu này cũng chỉ khoảng 20 ha, trong khi đó mật độ từ 35-50/ cây mới tới ngưỡng gây hại. Trạm bảo vệ thực vật huyện khuyến cáo người dân trồng thông chủ động bám rừng để phát hiện kịp thời những diễn biến bất thường và thông tin nhanh chóng với xã, Trạm Bảo vệ thực vật huyện. Đồng thời UBND huyện Lộc Bình cũng đã chỉ đạo cán bộ chuyên môn tiếp tục tăng cường điều tra, dự tính, dự báo để có hướng xử lý kịp thời.
Ở một diễn biến khác, theo Chi cục Bảo vệ thực vật, đến cuối tháng 5, tổng diện tích hồi nhiễm bọ ánh kim trong toàn tỉnh đã ở mức 545,5ha, tăng 44ha so với tháng trước. Trong đó diện tích nhiễm nhẹ và trung bình là 380,5ha, tăng 28,4ha; diện tích nhiễm nặng tăng 15,6ha, nâng tổng số diện tích nhiễm nặng lên 165ha. Mật độ trưởng thành từ 30-90 con/cây, mật độ cao từ 100-200 con/cây và cục bộ có nơi lên đến 300-600 con/cây. Thực chất việc xử lý bọ ánh kim còn nhiều khó khăn do vẫn đang trong quá trình nghiên cứu. Vừa qua Chi cục bảo vệ thực vật đã chủ động sử dụng khoảng 600kg thuốc trừ sâu sinh học dùng trừ sâu róm thông để thử nghiệm trên rừng hồi. Kết quả ban đầu là bọ ngừng gây hại, tuy nhiên lại không chết hẳn. Diện tích đã phun trừ vẫn chỉ dừng lại ở 327,9ha.
Cùng trong khoảng thời gian cuối tháng 3, đầu tháng 4, trên địa bàn huyện Văn Lãng, gần 40 ha rừng keo cấp tuổi 1 (trồng được 5 năm) đã xuất hiện bệnh phấn trắng. Đến nay cơ quan chuyên môn đã không chế hoàn toàn loại bệnh này. Tuy nhiên việc bệnh phấn trắng phát sinh trên diện rộng tới gần 40 ha là một yếu tố bất thường, theo Phòng kỹ thuật Chi cục Bảo vệ thực vật thì bệnh này vẫn phát sinh trên cây lâm nghiệp, nhưng ít khi lan trên diện rộng. Trong khi đó, theo dự báo của cơ quan chuyên môn, thời gian tới sâu róm thông thế hệ 2 sẽ nở rải rác, cần phải đề phòng.
Việc điều tra, dự tính, dự báo tình hình sâu, bệnh trên cây lâm nghiệp là khó khăn hơn rất nhiều so với cây trồng nông nghiệp bởi địa hình thường rất xa và phức tạp. Điều này đòi hỏi ngay từ các chủ rừng cần có ý thức cảnh giác, chủ động bám rừng và thông tin nhanh cho các cấp, ngành hữu quan để được tư vấn, hướng dẫn bảo vệ cây trồng một cách hiệu quả nhất, đảm bảo giá trị kinh tế của rừng.
VŨ NHƯ PHONG
Ý kiến ()