Sau 5 năm thực hiện Quyết định 217, 218 của Bộ Chính trị
(LSO) – 5 năm qua, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) các cấp trong tỉnh đã tổ chức thực hiện có hiệu quả Quyết định 217, 218 của Bộ Chính trị, góp phần thực hiện tốt công tác giám sát và phản biện xã hội và góp phần xây dựng Đảng, chính quyền các cấp.
Quyết định số 217, 218 ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị – xã hội; Quy định MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị – xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.
Sau khi các quyết định được ban hành, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã xây dựng kế hoạch, tổ chức phổ biến, quán triệt sâu rộng đến toàn thể lãnh đạo, cán bộ MTTQ các cấp, các ủy viên ủy ban MTTQ tỉnh, huyện, thành phố và cơ sở; lãnh đạo các tổ chức chính trị – xã hội. Nhờ vậy, các mặt công tác này dần đi vào nền nếp, chất lượng được nâng lên.
Hằng năm, ban thường trực ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh đã làm tốt vai trò nòng cốt, chủ trì hiệp thương với các tổ chức chính trị – xã hội cùng cấp, lựa chọn những vấn đề mà nhân dân quan tâm để tổ chức giám sát và phản biện xã hội.
Ủy ban MTTQ tỉnh tổ chức hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Quy định quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích trên địa bàn tỉnh
Đối với công tác giám sát, 5 năm qua, Ủy ban MTTQ tỉnh đã chủ trì tổ chức 15 cuộc, phối hợp tổ chức được gần 60 cuộc; MTTQ cấp huyện chủ trì, phối hợp tổ chức được trên 200 cuộc, với nhiều nội dung khác nhau. Trong đó, tập trung vào việc thực hiện dân chủ ở cơ sở; việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; giám sát việc thực hiện pháp luật về quản lý, sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật tư nông nghiệp… Qua giám sát đã chỉ ra những hạn chế, thiếu sót, kiến nghị các đơn vị, cơ quan chức năng tiếp thu, giải quyết.
Đơn cử, trong tháng 8/2018, qua giám sát, Hội Nông dân huyện Tràng Định phát hiện một số hộ kinh doanh vật tư nông nghiệp ở xã Quốc Khánh để lẫn lộn các mặt hàng trong kho chứa, bao gồm: thuốc bảo vệ thực vật, phân bón và cả thực phẩm cho con người. Cùng đó là chưa niêm yết công khai các loại giấy tờ; không có kệ giá hàng đúng quy định, gây mất an toàn. Đoàn giám sát đã đề nghị chủ hộ chấn chỉnh ngay; đồng thời, đề nghị UBND xã tăng cường tuyên truyền, khuyến cáo nông dân sử dụng vật tư nông nghiệp đúng cách, nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường.
Về phản biện xã hội, từ năm 2013 đến nay, Ủy ban MTTQ các cấp trong tỉnh đã tổ chức phản biện đối với 21 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền cùng cấp. Những cuộc phản biện đã có nhiều ý kiến đóng góp tích cực của đội ngũ chuyên gia, hội đồng tư vấn, giúp các cấp, ngành hoàn chỉnh các dự thảo trước khi ban hành.
Điển hình như: tại hội nghị phản biện về dự thảo Quyết định của UBND tỉnh về ban hành quy định cụ thể phạm vi vùng phụ cận đối với một số công trình thủy lợi trên địa bàn, do Ủy ban MTTQ tỉnh tổ chức tháng 7/2018, đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến thiết thực xoay quanh sửa đổi, bổ sung phần trách nhiệm của các sở, ngành liên quan, các tổ chức, cá nhân quản lý, khai thác công trình thủy lợi; khoảng cách và diện tích vùng phụ cận phải được tính toán kỹ lưỡng, mang tính tổng thể, đầy đủ cơ sở khoa học…
Đối với việc tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, một trong những nội dung quan trọng là MTTQ các cấp thường xuyên phối hợp tổ chức đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân. Qua đó, trả lời và giải quyết những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Ngoài ra, ủy ban MTTQ các cấp còn thường xuyên lắng nghe, tập hợp các kiến nghị của cử tri, tình hình dư luận xã hội, đề xuất với các cấp, ngành xem xét, giải quyết.
Ông Nguyễn Sơn Lâm, Trưởng Ban Dân chủ – Pháp luật, Ủy ban MTTQ tỉnh cho biết: Công tác giám sát, phản biện xã hội và công tác tham gia xây dựng Đảng, chính quyền đã được thực hiện từ trước năm 2013, nhưng lúc đó chỉ là phối hợp, chất lượng chưa cao. Từ khi có Quyết định 217, 218 của Bộ Chính trị, hoạt động này được Ủy ban MTTQ các cấp chủ động triển khai, đi vào thực chất, sâu rộng và hiệu quả hơn, trở thành một công tác thường xuyên, trọng tâm và có tác động thực tế, mang tính đột phá của MTTQ và các tổ chức chính trị – xã hội.
Ý kiến ()