Sau 5 năm thực hiện phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”: Thay đổi căn bản diện mạo các nhà trường
LSO- Phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” do Bộ GD&ĐT phát động từ năm học 2008-2009 được coi là “giải pháp đột phá” để thay đổi bộ mặt nhà trường, trước hết là xây dựng nhà trường xanh, sạch, đẹp, an toàn, nâng cao chất lượng GD, đặc biệt là giáo dục đạo đức, lối sống và nhân cách cho học sinh.
Trong điều kiện khó khăn về kinh phí, việc xây dựng cảnh quan nhà trường được thực hiện bằng nhiều nguồn. Nếu các trường khu vực thành phố có thể huy động sự đóng góp của các nhà hảo tâm, thì khu vực nông thôn chủ yếu huy động sự đóng góp của học sinh, phụ huynh học sinh và các đơn vị kết nghĩa. Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/2012, Ban đại điện Hội cha mẹ học sinh Trường THCS xã Lương Năng (Văn Quan) có ý định tặng quà cho nhà trường. Trên cơ sở bàn bạc, Ban đại diện hội đã thống nhất tặng nhà trường mấy chậu cây cảnh. Cô giáo Hoàng Thị Hậu, Chủ tịch Công đoàn nhà trường nói rằng, đó là món quà quý và đầy ý nghĩa, vì phong trào xanh, sạch, đẹp ở nhà trường đã nhận được sự quan tâm cụ thể của các bậc phụ huynh học sinh. Qua đó cũng góp phần giáo dục ý thức bảo vệ, chăm sóc vườn hoa cây cảnh, cây xanh cho các em học sinh vùng nông thôn. Trường THCS Đồng Giáp (Văn Quan) do khó khăn về kinh phí, chưa lát được sân trường, nhưng nhà trường vẫn cố gắng tạo mấy bồn hoa. Thầy Hoàng Xuân Tình, Hiệu trưởng nhà trường nói rằng, ngắm hoa, người thày cũng thấy thư thái hơn trong tâm hồn, yêu đời, yêu nghề và yêu người hơn. Như vậy có thể nói, những bồn hoa cây cảnh cũng gián tiếp góp phần giáo dục lối sống, nhân cách cho học sinh.
Giờ đọc sách trong thư viện thân thiện của học sinh Trường Tiểu học Thụy Hùng (Cao Lộc)
Cho dù còn gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất (CSVC) trường lớp học và các công trình phụ trợ, song bằng sự đầu tư có trọng điểm và qua công tác xã hội hóa (XHH) giáo dục, CSVC các nhà trường đã dần hoàn thiện theo hướng đồng bộ, hiện đại. Theo thống kê của ngành GD&ĐT, đã có 100% số trường đã trang trí lớp học theo quy định; căn cứ vào tình hình thực tế của nhà trường và địa phương, việc quy hoạch hệ thống sân vườn, cây xanh, bồn hoa cây cảnh phù hợp và huy động các nguồn lực trong và ngoài nhà trường để bổ sung cảnh quan cho nhà trường. Mỗi năm một chút, đến nay mỗi trường đều có từ 10-20 chậu hoa, bồn hoa, cây cảnh theo quy định.
Trước hết là việc xây dựng cổng trường, tường rào; các công trình phụ như nhà để xe, công trình vệ sinh, công trình nước sạch… mang đến cho các nhà trường một diện mạo mới khang trang, đàng hoàng hơn. Đến hết năm 2012, tất cả các nhà trường, từ trường chính đến phân trường đã có cổng trường, biển trường, các cổng trường chính đều gắn biển “Cổng trường an toàn giao thông” có tác dụng nhắc nhở học sinh khi ra khỏi trường và tham gia giao thông; toàn ngành đã có 3 phòng GD&ĐT là thành phố Lạng Sơn, các huyện Văn Quan và Chi Lăng đã giải quyết triệt để vấn đề tường rào cho các nhà trường. Công tác vệ sinh trường, lớp được thực hiện thường xuyên, nhất là các trường mầm non, tiểu học, không những đảm bảo cảnh quan sư phạm nhà trường mà còn góp phần ngăn chặn có hiệu quả dịch bệnh, đặc biệt là bệnh tay-chân-miệng. Tăng cường các nguồn lực đầu tư mạng lưới công nghệ thông tin, xây dựng nhà vệ sinh cho học sinh và giáo viên, phối hợp các nguồn lực để xây dựng công trình nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Đến nay tất cả các nhà trường đã được kết nối Internet, đã có 100% trường THPT, trung tâm GDTX, trên 90% trường tiểu học và THCS, trên 70% trường mầm non đã có công trình vệ sinh và công trình nước sạch. Căn cứ vào CSVC hiện có, các nhà trường đã cố gắng xây dựng thư viện thân thiện, phòng đọc cho học sinh và giáo viên. Nếu thư viện của Trường tiểu học Hoàng Văn Thụ (thành phố) có diện tích rộng, đủ trang thiết bị, thì thư viện của Trường tiểu học xã Vân Mộng (Văn Quan) chỉ là một phòng công vụ nhỏ bé, nhưng vẫn thu hút học sinh đến hoạt động. Cho dù cần vốn để làm nhiều việc, song trường tiểu học Thụy Hùng (Cao Lộc) vẫn dành nguồn xã hội hóa xây dựng phòng thư viện phục vụ học sinh và giáo viên.
Học sinh Trường THCS xã Vân Thủy (Chi Lăng) chăm sóc bồn hoa
Trao đổi với chúng tôi, cô giáo Nông Thị Chính, Hiệu trưởng nhà trường nói rằng, thư viện thân thiện là “một phần tất yếu” của trường học thân thiện, nên không thể không làm, và trên thực tế nó đã phát huy tác dụng. 5 năm, một thời gian chưa dài, song do tác động tích cực của phong trào mà diện mạo của các nhà trường đã thay đổi, CSVC phục vụ cho dạy và học được tăng cường. Việc xây dựng nhà trường “Xanh, sạch, đẹp, an toàn” là cơ sở để các nhà trường thực hiện các nội dung tiếp theo của phong trào. Đặc biệt, nó có tác dụng lớn trong việc thu hút học sinh đến trường, đổi mới cách dạy và học theo hướng khơi dậy tính tích cực, chủ động của học sinh; rèn luyện kỹ năng sống và tổ chức các hoạt động tập thể vui tươi lành mạnh. Tuy vậy, đến nay vẫn còn tới 40 trường chưa có tường rào, nhiều trường thiếu nước sinh hoạt và công trình vệ sinh. Công tác vệ sinh môi trường ở các trường vẫn chưa được quan tâm. Điều đó đòi hỏi sự quan tâm hơn của người đứng đầu nhà trường, sự nỗ lực hơn trong công tác XHH để tạo cảnh quan sư phạm cho các nhà trường.
Ý kiến ()