Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 21: Bước tiến mạnh mẽ của ngành y
(LSO) – Năng lực và chất lượng khám chữa bệnh (KCB) cho Nhân dân trên địa bàn tỉnh đã được nâng lên. Đó là kết quả tổng hợp của nhiều giải pháp được thực hiện theo Nghị quyết số 21-NQ/TU, ngày 19/7/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy “Về tiếp tục củng cố, hoàn thiện mạng lưới y tế; nâng cao năng lực và chất lượng KCB của hệ thống y tế các cấp giai đoạn 2016 – 2020”.
Hoàn thiện, nâng cấp mạng lưới y tế
Với trên 1.648 tỷ đồng đầu tư cho các dự án liên quan đến lĩnh vực y tế, 5 năm qua, Lạng Sơn đã hoàn thành đưa vào sử dụng các dự án: Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh 700 giường, Bệnh viện Y dược học cổ truyền, cải tạo nâng cấp Bệnh viện Phổi, Bệnh viện Phục hồi chức năng… Hoàn thành đầu tư hệ thống xử lý chất thải y tế tại 14/14 bệnh viện bằng công nghệ mới, đảm bảo các quy định về xử lý chất thải tại cơ sở y tế. Đến nay, cơ sở hạ tầng các bệnh viện huyện tương đối khang trang, đáp ứng nhu cầu phát triển chuyên môn, mở rộng thêm các khoa lâm sàng. Mạng lưới y tế xã tiếp tục được quan tâm bằng nhiều nguồn lực khác nhau, nhất là nguồn lực xây dựng nông thôn mới. Đến giữa năm 2020, toàn tỉnh đã có 63% số xã, phường, thị trấn được công nhận đạt chuẩn quốc gia y tế xã giai đoạn 2010 – 2020; trong đó, các huyện: Lộc Bình, Đình Lập có 100% xã, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế xã.
Bác sĩ BVĐK tỉnh thực hiện kỹ thuật đặt stent mạch vành qua da trên hệ thống chụp mạchsố hóa xóa nền DSA hiện đại nhất hiện nay
Với phương châm đồng bộ, hiện đại, ngành y tế đã được đầu tư trên 374 tỷ đồng để mua sắm bổ sung trang thiết bị y tế cho các bệnh viện phát triển chuyên môn kỹ thuật. Cùng với đó, các bệnh viện đã phát huy tính năng động trong công tác xã hội hóa, đẩy mạnh liên doanh liên kết để lắp đặt thiết bị máy móc dịch vụ như: máy chụp cắt lớp vi tính, máy siêu âm 4D, máy xét nghiệm huyết học, sinh hóa, máy phân tích máu tự động, máy nội soi, X quang… mở thêm các dịch vụ điều trị theo yêu cầu với tổng số vốn đạt khoảng 30 tỷ đồng. Với sự đầu tư đồng bộ tại tất cả các tuyến kỹ thuật, trong 5 năm qua, số giường bệnh/vạn dân đã tăng từ 25,8 giường vào năm 2015 lên 30,7 giường năm 2020; có 9/14 bệnh viện được nâng hạng, trong đó, BVĐK tỉnh được nâng từ hạng II lên hạng I. Tỷ lệ chất thải y tế được xử lý tăng từ 95% năm 2015 lên 100% năm 2020. Tỷ lệ trung bình thực hiện danh mục kỹ thuật theo phân tuyến tại các bệnh viện tăng từ 55% năm 2015 lên 83% năm 2020, nhiều danh mục kỹ thuật chuyên sâu vượt tuyến được triển khai.
Nâng cao y đức, tăng cường năng lực chuyên môn
Vừa thực hiện chính sách thu hút, vừa đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực theo nhiều cách, năm 2020, y tế Lạng Sơn đã đạt 11 bác sĩ/vạn dân, tăng 2,07 bác sĩ/vạn dân so với năm 2015. Tỷ lệ bác sĩ có trình độ sau đại học đạt 42,7%, tăng 5,8% so với năm 2015. Nếu năm 2015, tỷ lệ xã có bác sĩ mới đạt 80%, thì nay đã đạt 100%. Số bác sĩ, nhất là bác sĩ chuyên khoa tăng lên, ngành đã có điều kiện triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng KCB tại cả 3 tuyến. Cùng đó, các bệnh viện đã thực hiện KCB bằng nhiều kỹ thuật mới như: chụp cộng hưởng từ, can thiệp mạch DSA, phẫu thuật sọ não, phẫu thuật chấn thương cột sống, xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 tại tuyến tỉnh; mổ nội soi, chụp cắt lớp vi tính… tại bệnh viện tuyến huyện; KCB bảo hiểm y tế, quản lý và điều trị một số bệnh mạn tính (tăng huyết áp, đái tháo đường) tại y tế tuyến xã…
Đồng chí Nguyễn Thế Toàn, Giám đốc Sở Y tế khẳng định: Cùng với đầu tư về hạ tầng kỹ thuật, việc nâng cao y đức và thái độ phục vụ của cán bộ y tế có ý nghĩa quyết định đến chất lượng bệnh viện. Những năm qua, cán bộ y tế đã quan tâm và tích cực đổi mới phong cách, thái độ phục vụ, hướng tới sự hài lòng người bệnh. Kết quả năm 2019, qua khảo sát cho thấy có 90% người bệnh hài lòng với sự phục vụ của nhân viên y tế, tăng 20% so với năm 2015.
5 năm – thời gian chưa dài so với 75 năm phát triển của y tế Lạng Sơn song đã ghi nhận sự phát triển vượt bậc về lượng và chất. Sự phát triển ấy đã mang lại nhiều tiện ích đến với người dân, nhất là y tế chất lượng cao và dịch vụ y tế thuận tiện.
Ý kiến ()