Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị về phát triển VHNT
LSO-Thực hiện Nghị quyết 23 - NQ/TW, ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị về “ Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong tình hình mới”, Tỉnh ủy Lạng Sơn đã lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, tổ chức thực hiện trong toàn Đảng bộ và cụ thể hóa vào các chương trình công tác hằng năm. Theo đó, UBND tỉnh ban hành Đề án phát triển văn học nghệ thuật (VHNT) của tỉnh đến năm 2015, coi đây là việc làm thiết thực gắn với sự phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh.
Lãnh đạo các ban, ngành tỉnh và cơ quan báo chí thăm các gian trưng bày báo tại Hội báo Xuân năm 2014 |
Qua 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị và 2 năm thực hiện Đề án phát triển văn học nghệ thuật của UBND tỉnh, nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân về vị trí, vai trò và tầm quan trọng VHNT được nâng lên. Nhất là đầu tư cho hoạt động VHNT được quan tâm, các hoạt động VHNT chuyên nghiệp có bước phát triển, lực lượng hội viên Hội VHNT ngày càng đông, công tác lý luận, phê bình có nhiều chuyển biến tích cực, những di sản văn hóa truyền thống tiếp tục được bảo tồn, gìn giữ và phát huy… Các hoạt động phong trào có bước phát triển sâu rộng, thu hút ngày càng đông cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân tham gia, phục vụ hiệu quả các sự kiện chính trị của tỉnh, góp phần định hướng tư tưởng, thẩm mỹ của nhân dân.
Do được sự quan tâm của tỉnh về cơ chế, chính sách đãi ngộ cho văn nghệ sĩ, tổ chức, biên chế, kinh phí nên hoạt động của Hội VHNT tỉnh từng bước được củng cố và tạo sự chuyển biến. Hoạt động sáng tác VHNT đã thu được một số kết quả nhất định. Mỗi năm, hàng ngàn tác phẩm được sáng tác và nhiều tác phẩm đạt giải cấp tỉnh, khu vực và toàn quốc. Trong 5 năm, có 66 tác phẩm văn xuôi đạt giải, gần 200 lượt tác phẩm mỹ thuật được trưng bày tại các kỳ triển lãm…. Đồng thời tổ chức được nhiều cuộc thi sáng tác VHNT với chủ đề: “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, giải thưởng Hoàng Văn Thụ và các thể loại sáng tác truyện và ký; sáng tác thơ về chủ đề biển đảo, về nông thôn, về gương người tốt, việc tốt. Tổ chức nhiều cuộc triển lãm, chương trình biểu diễn, xuất bản sách, báo phục vụ kịp thời các sự kiện chính trị và nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân.
Công tác tuyên truyền, quảng bá các tác phẩm VHNT trên báo, đài được duy trì thường xuyên. Tạp chí Văn nghệ Xứ Lạng, Báo Lạng Sơn, Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh từng bước nâng cao chất lượng các chuyên mục văn học, nghệ thuật, góp phần quan trọng vào việc đổi mới và nâng cao chất lượng tờ báo, tạp chí, chương trình của đài. Các huyện ủy, thành ủy còn chỉ đạo các cấp ủy đảng xây dựng kế hoạch thực hiện Nghị quyết 23 – NQ/TW đưa nội dung VHNT vào chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, coi đó là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của mỗi chi bộ đảng và là một trong những tiêu chí đánh giá, công nhận làng, khu dân cư văn hóa. Đồng thời khuyến khích tạo điều kiện cho các tác phẩm VHNT mới, nhất là các tác phẩm giới thiệu gương tốt, việc tốt, những mô hình mới, những điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực gắn với “ Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Cùng với đó, tuyên truyền phê phán những tiêu cực, thói hư, tật xấu trong xã hội, góp phần xây dựng đời sống và môi trường văn hóa lành mạnh ở cơ sở. Hiện nay, các huyện còn thường xuyên tổ chức hội diễn văn nghệ làng, khu dân cư văn hóa, tạo điều kiện cho hàng ngàn người dân được tham gia hoạt động văn hóa văn nghệ. Một số huyện, thành phố đã xây dựng được câu lạc bộ văn nghệ truyền thống như hát then đàn tính, câu lạc bộ thơ ở thành phố Lạng Sơn, các huyện Văn Quan, Cao Lộc và Lộc Bình….
Học sinh đến Thư viện tỉnh truy cập tài liệu phục vụ học tập qua mạng Internet |
Hiện nay, công tác xây dựng và phát triển VHNT của tỉnh ta còn gặp nhiều khó khăn, do đó việc đề ra các giải pháp tiếp tục tổ chức thực hiện nghị quyết là nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh trong thời gian tới. Tại buổi kiểm tra tình hình thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW với lãnh đạo tỉnh ngày 9/1/2014, đồng chí Nguyễn Hồng Vinh, Chủ tịch Hội đồng lý luận, phê bình VHNT Trung ương chỉ rõ: Cùng với các giải pháp chỉ đạo của tỉnh, trước mắt Lạng Sơn cần quan tâm đầu tư chiều sâu nhiều hơn nữa cho VHNT gắn với sự phát triển chung về kinh tế – xã hội ở địa phương. Thường xuyên kiện toàn, sắp xếp ổn định cơ cấu tổ chức bộ máy quản lý VHNT và đổi mới hoạt động của Hội VHNT để Hội làm tốt vai trò tập hợp, đoàn kết, phát huy tính chủ động sáng tạo của các văn nghệ sĩ. Đẩy mạnh các hoạt động sáng tác và giới thiệu, quảng bá các tác phẩm, công trình nghệ thuật có chất lượng để định hướng thẩm mỹ cho công chúng; khuyến khích quần chúng tham gia sáng tạo, bảo tồn, khai thác và phát huy các giá trị văn hóa, văn nghệ truyền thống. Tăng cường bổ sung cơ sở vật chất, có chính sách cho công tác đào tạo bồi dưỡng, phát triển tài năng, nâng cao trình độ chuyên môn, chế độ khen thưởng, khuyến khích kịp thời các văn nghệ sĩ có nhiều công lao cống hiến, có tác phẩm chất lượng cao, góp phần tích cực vào việc xây dựng và phát triển VHNT trong tình hình mới.
VĂN HOA
Ý kiến ()