Sau 5 năm thực hiện Kết luận số 90 của Bộ Chính trị: Nâng cao số lượng và chất lượng đội ngũ trí thức
(LSO) – Tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (Khóa X) về “Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đầy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH-HĐH) đất nước” như Kết luận số 90-KL/TW, ngày 4/3/2014 của Bộ Chính trị Khóa XI đã đề ra, công tác xây dựng đội ngũ trí thức ở Lạng Sơn đã thu được những kết quả khả quan.
Gắn kết thực hiện các nghị quyết Trung ương
Với nhận thức Nghị quyết Trung ương 7 (Khóa X) về “ Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH” vừa là tiền đề, vừa là kết quả của việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (Khóa XI) về phát triển Khoa học công nghệ (KHCN) và Nghị quyết Trung ương 8 ( Khóa XI) về “ Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo”, triển khai Kết luận số 90, Tỉnh ủy đã sớm ban hành kế hoạch chỉ đạo thực hiện.
Theo kế hoạch, các cấp ủy đảng, chính quyền các huyện, thành phố, các sở, ngành, tổ chức đoàn thể, lực lượng vũ trang trong toàn tỉnh triển khai đảm bảo các mục tiêu, giải pháp về xây dựng đội ngũ trí thức có sự gắn kết với phát triển KHCN và đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo (GD&ĐT). Trong học tập, quán triệt, mỗi cán bộ đảng viên nhận thức rõ: trong thời đại mà tri thức đã trở thành yếu tố quyết định đối với sự phát triển của sản xuất…thì đội ngũ trí thức trở thành nguồn lực đặc biệt của mỗi quốc gia trong quá trình phát triển. Không có giáo dục thì không có tri thức và đội ngũ trí thức; vì vậy muốn phát triển đội ngũ trí thức trong thời kỳ mới, tất phải đổi mới GD&ĐT. Mặt khác, tri thức luôn là nền tảng của tiến bộ xã hội và đội ngũ trí thức là lực lượng nòng cốt sáng tạo và truyền bá tri thức, nên phát triển KHCN vừa là kết quả, vừa là “thước đo” hiệu quả của xây dựng đội ngũ trí thức.
Đội ngũ trí thức Trung tâm Y tế huyện Bắc Sơn tiếp nhận kỹ thuật thận nhân tạo phục vụ người dân
Nhận thức tốt, hành động tích cực, nên 5 năm qua, đội ngũ trí thức Lạng Sơn đã từng bước tăng về số lượng và được nâng cao về chất lượng. Nếu giai đoạn 2000 – 2010 tỷ lệ trí thức/dân số là 3,3%, thì đến giai đoạn 2011-2018 là 3,9%. Đến nay với trên 31 ngàn cán bộ, công chức, viên chức, toàn tỉnh đã có trên 50 người có trình độ tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa II; gần 1.000 người có trình độ thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa I; trên 14 ngàn người có trình độ đại học. Tỷ lệ người có trình độ đại học trở lên của khối cơ quan đảng, tổ chức chính trị – xã hội là gần 80%; khối cơ quan quản lý nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp huyện là 87,8%, cấp xã đạt 30%. Tỷ lệ cán bộ có trình độ đại học trở lên ở các lĩnh vực như: giáo dục, y tế, văn hóa thông tin, thể thao đạt gần 60%. Tỷ lệ trí thức là người dân tộc thiểu số đã đạt trên 40%.
Kết quả hoạt động của đội ngũ
Là những người lao động trí óc, có trình độ học vấn cao, sâu về lĩnh vực chuyên môn, với năng lực tư duy độc lập, sáng tạo, đội ngũ trí thức Lạng Sơn đã tạo ra những sản phẩm tinh thần và vật chất có giá trị cho xã hội. Quán triệt Nghị quyết Trung ương 8 về “Đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT”, đội ngũ cán bộ giáo viên đã miệt mài nghiên cứu, ứng dụng phương pháp mới trong dạy học theo nguyên lý giáo dục mới.
Với phương châm “ học đi đôi với hành”, đội ngũ giáo viên tài năng đã đánh thức, thúc đẩy sáng tạo nghiên cứu khoa học ngay trong nhà trường, nhiều công trình được ứng dụng vào thực tiễn, ngành đã từng bước tạo ra đội ngũ trí thức tiềm năng, đội ngũ lao động trẻ có trình độ cho xã hội. Ngành y tế thúc đẩy nghiên cứu khoa học, tiếp nhận, chuyển giao kỹ thuật mới của y học, tạo điều kiện để người dân được thụ hưởng dịch vụ y tế chất lượng cao ngay tại cơ sở. Đội đội ngũ trí thức các ngành đã đẩy mạnh nghiên cứu, tăng cường gắn bó với cơ sở để thúc đẩy công tác chuyển giao, ứng dụng KHKT trong sản xuất và chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Những mô hình bạch đàn, keo lai giống mới cho năng suất cao, giá trị cây măng bát độ, giống mít, dứa bản địa ở Hữu Lũng đã từng bước tạo thương hiệu. Giống quýt Bắc Sơn; mác mật Bình Gia; lê, thạch đen Tràng Định; hồng Bảo Lâm (Cao Lộc); na dai Chi Lăng; đào Mẫu Sơn… đã được đội ngũ trí thức của Liên Hiệp các hội KHKT, Sở Khoa học và Công nghệ Lạng Sơn nghiên cứu, phục tráng, chuyển giao về cơ sở. Đây chính là minh chứng điển hình cho sự gắn kết giữa xây dựng đội ngũ trí thức với phát triển KHCN trên địa bàn tình.
Trí thức- nguồn nhân lực chất lượng cao, vốn quý của xã hội, với những đóng góp của mình, họ đã và đang được xã hội tôn vinh. Về phần mình, bằng tinh thần trách nhiệm và lòng tự trọng nghề nghiệp, trí thức Lạng Sơn luôn gắn bó, đồng hành và luôn giữ vị trí tiên phong để tăng hàm lượng chất xám trong mỗi sản phẩm xã hội. Vấn đề là cần có chính sách tốt hơn nữa để thu hút nhân tài, tạo điều kiện tốt nhất cho trí thức cống hiến, chống “chảy máu chất xám”. Được như vậy, đội ngũ trí thức Lạng Sơn vừa có sự gia tăng nhanh về số lượng, nâng cao về chất lượng, có nhiều đóng góp cho sự phát triển của tỉnh.
Ý kiến ()