Sau 5 năm thực hiện Đề án “Phát triển thể thao thành tích cao”: Nhiều mục tiêu chưa đạt
Mục tiêu của đề án là phấn đấu mỗi năm tỉnh đạt từ 35-40 huy chương các loại, giữ vững ở thứ hạng tốp 10-15 tỉnh miền núi trong cả nước và đứng thứ 40- 45/66 tỉnh, thành, ngành toàn quốc. Cùng đó, mỗi năm, tỉnh ta duy trì đào tạo khoảng 70-100 vận động viên (VĐV) năng khiếu tập trung và chia làm 2 tuyến: tuyến I các VĐV tham dự giải thi đấu cấp quốc gia, tuyến II các VĐV tham dự các giải trẻ. Giai đoạn 2011-2012, tỉnh đầu tư cải tạo, sửa chữa các công trình nhà tập, nhà thi đấu, xây bếp ăn cho VĐV; xây dựng đề án thành lập Trường năng khiếu thể thao… Giai đoạn 2013-2015, xây dựng ký túc xá cho VĐV… ổn định các tuyến VĐV…
Đề án chủ yếu thực hiện tại Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTTDL), đơn vị trực tiếp là Trung tâm Huấn luyện và Tổ chức thi đấu (HL&TCTĐ) TDTT tỉnh.
Sau gần 5 năm triển khai Đề án, nhìn lại việc thực hiện các tiêu chí cho thấy, công tác đầu tư cơ sở vật chất phục vụ cho phát triển thể thao thành tích cao (TTTTC) chưa được hạng mục nào. Đề án thành lập Trường năng kiếu thể thao không khả thi. Hằng năm, tỉnh chỉ duy trì được khoảng 70 VĐV năng khiếu tập trung ở các môn mũi nhọn như: wushu, karatedo, boxing, kick boxing và điền kinh. Công tác tuyển chọn nguồn VĐV năng khiếu bổ sung cho đội tuyển chưa thu hút được nhân tài.
Về đích nội dung điền kinh cự ly 1.500 m nữ
Điều kiện chỗ ăn nghỉ đối với VĐV vẫn mang tính tạm thời; chưa có ký túc xá cho VĐV. Hiện các VĐV tập trung vẫn phải nghỉ tại giường tầng, (ẩm thấp, nóng bức) tại gầm khán đài nhà thi đấu. Chế độ dinh dưỡng thấp, bình quân mỗi VĐV chỉ đạt 1.000.000 đồng/ tháng, (bằng 1/3 so với các tỉnh lân cận và quy định của Bộ VHTTDL).
Đối với chính sách thu hút VĐV tài năng, các ngành có liên quan cũng chưa thực sự vào cuộc, nhiều VĐV có đẳng cấp chưa được coi trọng. Đơn cử như VĐV Đỗ Thị Thảo, VĐV môn điền kinh quốc gia cự ly 800 m và 1500 m, tình nguyện đầu quân cho tỉnh được hưởng chế độ ưu đãi về lương và nhà tài trợ. Tuy nhiên, khi Trung tâm HL&TCTĐ trình Sở Nội vụ để VĐV này hưởng chế độ biên chế thì đã bị ngành chức năng từ chối; dẫn đến sau hơn 1 năm đầu quân cho tỉnh VĐV Thảo phá bỏ hợp đồng, tham gia đội tuyển ở tỉnh khác.
Về tham dự các giải TTTTC, hằng năm, số VĐV giành huy chương vàng, được phong danh hiệu kiện tướng giảm. Năm 2001, tỉnh có 7 VĐV kiện tướng, đến năm 2014 còn 3 VĐV và đến tháng 6 năm 2015 chỉ còn duy nhất 1 VĐV là em Lương Thị Mai Anh môn karatedo.
Nhiệm vụ đặt ra cho ngành thể thao Lạng Sơn trong năm 2015 là chọn cử 22 đoàn VĐV tham dự các giải đấu cấp khu vực và toàn quốc. Với mục tiêu giành được 45 huy chương các loại, tính đến hết tháng 7, tỉnh mới tham gia được 10 cuộc và đạt được 26 huy chương các loại.
Nói về những khó khăn khi thực hiện Đề án “phát triển TTTTC, ông Phạm Minh Đạo, Phó Giám đốc Sở VHTTDL, phụ trách lĩnh vực thể thao cho biết: trong những năm gần đây, TTTTC của tỉnh vẫn duy trì luyện tập và tham dự các giải đấu quốc gia. Tuy nhiên, lĩnh vực TTTTC vẫn đang gặp nhiều khó khăn từ đầu tư cơ sở vật chất đến cơ chế chính sách, chế độ cho VĐV. Để TTTTC phát triển lên tầm cao mới, đáp ứng yêu cầu của đề án đặt ra, đòi hỏi các ngành chức năng tiếp tục nghiên cứu phối hợp, tổ chức thực hiện.
Ý kiến ()