LSO-Ngày 16/12/2004, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 212/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hành động quốc gia phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, nhân dân ở xã, phường, thị trấn giai đoạn 2005 – 2010 (gọi tắt là Chương trình 212). Thực hiện Chương trình này, những năm qua, Lạng Sơn đã huy động được sức mạnh tổng hợp vào tuyên truyền PBGDPL, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân.
Các cấp, ngành vào cuộc
Nhằm triển khai có hiệu quả Chương trình hành động quốc gia PBGDPL, năm 2006, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 28/QĐ-TTg phê duyệt các đề án chi tiết thuộc Chương trình 212. Thực hiện sự chỉ đạo này, UBND tỉnh đã ban hành các văn bản hướng dẫn và giao nhiệm vụ chủ trì phối hợp thực hiện các đề án cho sở, ngành: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phụ trách Đề án “Đưa thông tin pháp luật đến với cán bộ, nhân dân thông qua phương tiện thông tin đại chúng và các thiết chế văn hóa thông tin ở xã, phường, thị trấn”; MTTQ tỉnh triển khai Đề án “Xây dựng và đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động chấp hành pháp luật trong cộng đồng dân cư”; Sở Tư pháp thực hiện Đề án “Phát huy vai trò của cơ quan tư pháp và cán bộ tư pháp trong PBGDPL và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, nhân dân ở xã, phường, thị trấn”; Thanh tra tỉnh với Đề án “Tăng cường công tác PBGDPL về khiếu nại, tố cáo ở xã, phường, thị trấn”.
|
Các tuyên truyền viên, cộng tác viên pháp luật của thị trấn Nông trường Thái Bình (Đình Lập) được tập huấn nghiệp vụ PBGD pháp luật |
Trên cơ sở nhiệm vụ được giao, các đơn vị chủ trì đã nỗ lực triển khai công tác phối hợp thực hiện nội dung đề án mình phụ trách. Do đó, đã thu hút được sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan, ban ngành từ tỉnh đến cơ sở vào thực hiện PBGDPL. Cụ thể, Tỉnh đoàn, UBND các huyện Bình Gia, Hữu Lũng, Cao Lộc, Văn Lãng, Lộc Bình và thành phố đã xây dựng được kế hoạch triển khai thực hiện chương trình; các đơn vị còn lại tuy chưa xây dựng được kế hoạch riêng nhưng hàng năm đều đưa việc triển khai thực hiện Chương trình 212 vào kế hoạch. Đáng ghi nhận, có đơn vị không chỉ đẩy mạnh công tác tuyên truyền mà đã chủ động đầu tư một phần kinh phí từ 10 triệu đồng trở lên cho PBGDPL, điển hình là Cục Thuế tỉnh, từ năm 2006 đến nay đã đầu tư gần 1 tỷ đồng; Bảo hiểm xã hội tỉnh 680 triệu đồng…
Hiệu quả từ sự đa dạng hình thức tuyên truyền
Nhờ huy động được sức mạnh tổng hợp về cả nhân lực và vật lực nên hình thức tuyên truyền ngày càng đa dạng, mới mẻ, hấp dẫn hơn. Nếu trước kia, các hình thức tuyên truyền miệng, qua phương tiện thông tin đại chúng, biên soạn và phát hành tài liệu, hòa giải ở cơ sở… được đẩy mạnh, thì nay các hình thức ấy vẫn được phát huy, đồng thời có thêm một hình thức mới, đó là tổ chức hội thi “Công chức tư pháp – hộ tịch cấp xã tuyên truyền pháp luật giỏi“. Mỗi hình thức tuyên truyền đều có ưu thế riêng, đã mang lại hiệu quả rất thiết thực. Từ năm 2006 đến nay, bằng tuyên truyền miệng, các báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật đã thực hiện phổ biến được 136.665 cuộc cho 12.213.669 lượt người nghe về nhiều lĩnh vực pháp luật; các cấp, ngành biên soạn, phát hành 983.914 cuốn sách và 178.342 tờ gấp pháp luật; hội thi “Công chức tư pháp – hộ tịch cấp xã tuyên truyền pháp luật giỏi“ được tổ chức ở mỗi đơn vị huyện và cấp tỉnh thu hút hàng trăm người tham gia… Một số đơn vị thực hiện tốt công tác PBGDPL là Công an tỉnh, Bộ CHQS tỉnh; Biên phòng tỉnh; Sở Giáo dục và Đào tạo; Sở Tư pháp; Sở Giao thông vận tải; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Cục thuế, MTTQ tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Tỉnh đoàn, các huyện Bình Gia, Hữu Lũng, thành phố Lang Sơn. Có thể nói, các đề án được triển khai đồng bộ, sử dụng nguồn kinh phí đúng mục đích, có hiệu quả.
Từ khi thực hiện Chương trình 212, đội ngũ cán bộ làm công tác PBGDPL và nhân dân thường xuyên được tập huấn nghiệp vụ, bồi dưỡng, học tập nâng cao hiểu biết pháp luật, từ đó ý thức tuân thủ pháp luật được nâng lên. Họ đã tích cực, chủ động đóng góp ý kiến phản ánh tâm tư, nguyện vọng của mình vào quá trình xây dựng và thực hiện pháp luật, xây dựng các chủ trương chính sách của Đảng, tham gia giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước, đấu tranh phòng chống các hành vi vi phạm pháp luật. Đặc biệt hơn, nhờ cán bộ, nhân dân dần nâng cao hiểu biết pháp luật mà công tác hòa giải ở cơ sở đạt tỷ lệ thành công cao, từ năm 2005 đến nay, tổng số vụ việc nảy sinh tại cơ sở là 9.192 đã hòa giải thành 6.481 vụ việc, đạt trên 70%. Điều này góp phần quan trọng vào giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo tiền đề thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển.
Ý kiến ()