Thứ 6, 22/11/2024 20:52 [(GMT +7)]
Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị số 08 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy
Thứ 2, 02/07/2012 | 09:50:00 [(GMT +7)] A A
Phát huy kết quả đạt được trong 5 năm qua, việc chống bệnh thành tích cần phải được ngành thực hiện một cách kiên trì ở tất cả các hoạt động của GD. Kết hợp việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị 08 với triển khai sâu rộng và hiệu quả các phong trào, các cuộc vận động của ngành mà tập trung là cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, triển khai có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI). Trước mắt, cần chống bệnh thành tích trong đánh giá, công nhận phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi giai đoạn 2011-2015.
LSO-Triển khai Chỉ thị số 33/2006/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ngày 31/8/2006, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 08-CT/TU về việc thực hiện cuộc vận động “ Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”. Sau 5 năm thực hiện, giáo dục Lạng Sơn đã có những chuyển biến quan trọng về chất lượng, tạo điều kiện để triển khai chiến lược giáo dục giai đoạn 2011-2020.
Giờ học lịch sử bằng giáo án điện tử của Trường THPT Tràng Định
Thực tế cho thấy, bệnh thành tích là “căn bệnh trầm kha”của ngành GD trong nhiều năm. Nó không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng tri thức của nhiều lớp học sinh- những thế hệ lao động trẻ, mà còn là sự day dứt trong lương tâm nghề nghiệp và ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của người thầy trong xã hội. Bởi vậy, Chỉ thị số 33 của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị số 08 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy được ngành GD coi là cơ hội để ngành thiết lập lại trật tự kỷ cương trong dạy và học.
Giải pháp đầu tiên là thiết lập kỷ cương trong kiểm tra, đánh giá, thi cử bằng cách triển khai hệ thống quy chế mới về thi của Bộ GD&ĐT với yêu cầu chặt chẽ chính xác ở tất cả các khâu, có sự tham gia của tin học, tạo cơ sở pháp lý trong việc chống gian lận, tiêu cực. Tổ chức thi trắc nghiệm ở một số môn học, thi tốt nghiệp theo cụm trường, chấm chéo; tăng cường lực lượng thanh tra, kiểm tra. Kết quả, ngay trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2007, tỷ lệ tốt nghiệp THPT lần 1 chỉ đạt 54,2%, bổ túc THPT chỉ đạt 25%. Tỷ lệ này được coi là hệ quả tất yếu trong nhiều năm buông lỏng khâu kiểm tra đánh giá, học sinh và gia đình học sinh hầu như bị “sốc” (Riêng năm học này có tổ chức thi lần 2- giải pháp tình thế để nâng tỷ lệ đỗ tốt nghiệp). Do biện pháp mạnh nên khá nhiều học sinh, đặc biệt là hệ GDTX bỏ học (6,8%). Trước hệ lụy đó, ngành đã đưa ra giải pháp là tập trung phụ đạo học sinh chưa đạt chuẩn để khắc phục tình trạng học sinh bỏ học. Theo đó, ngành vừa triển khai có hiệu quả phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, vừa phát động mỗi thầy cô giáo dạy thêm 2 tiết/ tuần không tính thù lao để phụ đạo học sinh chưa đạt chuẩn và bồi dưỡng học sinh khá- giỏi. Chỉ trong 3 năm học ( từ năm 2009-2011)toàn ngành đã có 526.094 tiết phụ đạo, hiệu quả là tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình tiểu học nâng từ 95,7% năm 2007 lên 99,8% năm 2012, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS từ 98,4% năm 2007 lên trên 99% năm 2012 và tỷ lệ tốt nghiệp THPT từ 76,5% năm 2008 lên 98,64% năm 2012; đặc biệt, tỷ lệ tốt nghiệp bổ túc THPT đã nâng từ 50,2% năm 2008 lên 91,12% năm 2012. Tỷ lệ học sinh khá, giỏi tăng lên, tỷ lệ học sinh yếu, kém giảm, dẫn đến tỷ lệ học sinh bỏ học giảm dần qua từng năm.
Có thể nói rằng, chưa có cuộc vận động nào của ngành GD lại có sự tác động to lớn đến các nhà trường, các đối tượng từ thầy đến trò và cả phụ huynh học sinh như vậy. Trao đổi với chúng tôi về kết quả của việc thực hiện Chỉ thị 08 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, thầy Lương Đình Hợi, Hiệu trưởng Trường THPT Việt Bắc nói rằng, việc chống tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong GD đã có “tác dụng kép”, thầy giáo “dạy thực chất”, học sinh “học thực chất, thi thực chất và đánh giá thực chất”, nó không chỉ để đánh giá chất lượng, mà còn có tác dụng chấn chỉnh kỷ cương trường học, nâng cao trách nhiệm của người thầy, yêu cầu cao đối với người học. Bên cạnh đó, sự đổi mới công tác thanh tra, kiểm tra, công tác thi đua khen thưởng cũng có tác dụng để ngành thực hiện triệt để việc chống bệnh thành tích.
Có thể nói việc giao quyền tự chủ về công tác tổ chức thi, thanh tra thi, chấm thi, phúc tra và xét tốt nghiệp cho địa phương trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2012 là “liều thuốc thử”sau 5 năm thực hiện việc chống tiêu cực trong thi cử và khắc phục bệnh thành tích trong GD. Mặc dù ở tỉnh bạn vẫn còn tình trạng tiêu cực như báo chí phản ánh, song ở tỉnh ta, một kỳ thi an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế đã được dư luận ghi nhận. Kết quả tốt nghiệp THPT và bổ túc THPT ở trong tốp trung bình của khu vực và cả nước đã đánh giá đúng chất lượng dạy và học ở cấp học này ở Lạng Sơn.
Phát huy kết quả đạt được trong 5 năm qua, việc chống bệnh thành tích cần phải được ngành thực hiện một cách kiên trì ở tất cả các hoạt động của GD. Kết hợp việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị 08 với triển khai sâu rộng và hiệu quả các phong trào, các cuộc vận động của ngành mà tập trung là cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, triển khai có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI). Trước mắt, cần chống bệnh thành tích trong đánh giá, công nhận phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi giai đoạn 2011-2015.
Trần Kim
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()