Sau 5 năm đầu tư, xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn
LSO- Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn được hình thành trên diện tích 394 km2 bao gồm: thành phố Lạng Sơn, thị trấn Cao Lộc, thị trấn Đồng Đăng và một số xã thuộc các huyện Cao Lộc, Văn Lãng, Chi Lăng, Văn Quan. Đây là khu kinh tế tổng hợp đa chức năng đan xen các yếu tố quốc phòng, an ninh, trong đó lĩnh vực mũi nhọn là phát triển kinh tế cửa khẩu. Xác định được nhiệm vụ quan trọng đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 22-NQ/TU ngày 3/4/2009 lãnh đạo triển khai, thực hiện các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn.
LSO- Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn được hình thành trên diện tích 394 km2 bao gồm: thành phố Lạng Sơn, thị trấn Cao Lộc, thị trấn Đồng Đăng và một số xã thuộc các huyện Cao Lộc, Văn Lãng, Chi Lăng, Văn Quan. Đây là khu kinh tế tổng hợp đa chức năng đan xen các yếu tố quốc phòng, an ninh, trong đó lĩnh vực mũi nhọn là phát triển kinh tế cửa khẩu. Xác định được nhiệm vụ quan trọng đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 22-NQ/TU ngày 3/4/2009 lãnh đạo triển khai, thực hiện các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn.
Để thực hiện hiệu quả Nghị quyết, UBND tỉnh đã chỉ đạo Ban Quản lý khu kinh tế cửa khẩu và các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở quán triệt, chủ động triển khai thực hiện bằng các kế hoạch, đề án, dự án cụ thể. Bước đầu đã tạo sự chuyển biến trong thu hút các nguồn lực từ mọi thành phần kinh tế, tập trung đầu tư xây dựng tại các khu vực trọng điểm, thúc đẩy phát triển nhanh kinh tế cửa khẩu, thương mại, dịch vụ, du lịch của Khu kinh tế và của cả tỉnh. Trong 4 năm qua, từ năm 2009 đến năm 2012, tỉnh đã giải ngân đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng Khu kinh tế cửa khẩu được 943 tỷ đồng/3.317 tỷ đồng. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt danh mục hợp phần phát triển toàn diện kinh tế- xã hội đô thị Đồng Đăng với tổng kinh phí 33,08 triệu USD.
Công ty TNHH Xuân Cương kinh doanh bến bãi tại cửa khẩu Hữu Nghị
Ảnh: MAI VĂN HOA
Hiện nay, các cơ quan liên quan đang tập trung hoàn thành các thủ tục đầu tư để sớm khởi công xây dựng trong năm 2013. Đặc biệt, những năm qua, nhiều danh mục các công trình giao thông, y tế, cấp nước, thoát nước, xử lý rác thải, thủy lợi và hệ thống cấp điện khu vực cửa khẩu đã được đầu tư. Nổi bật đã hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng được một số công trình giao thông quan trọng như: nâng cấp đường tránh quốc lộ 4A, đường Cổng Trắng – Tà Lài, đường nội bộ khu II – Tân Thanh, đường Pác Luống – Tân Thanh, nâng cấp đường Trần Đăng Ninh, đường Bà Triệu, thành phố Lạng Sơn, đấu nối đường bộ tại các cặp chợ biên giới (Tân Thanh – Pò Chài, Cốc Nam – Lũng Vài, Na Hình – Kéo Ái). Đồng thời đang tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án hạ tầng quan trọng tại khu vực cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, Cốc Nam, Bệnh viện đa khoa 700 giường và tiếp tục triển khai các dự án: Công viên bờ sông giai đoạn II, kè bờ sông Kỳ Cùng giai đoạn III.
Cùng với việc đầu tư phát triển đô thị, quản lý đất đai và môi trường thì công tác xúc tiến, thu hút đầu tư vào khu kinh tế được các cấp, các ngành quan tâm. Trong 4 năm qua, tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 42 dự án với tổng mức đầu tư đăng ký trên 5.920 tỷ đồng đầu tư vào Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn; trong đó có 7 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký là 2.119 tỷ đồng tương đương 116 triệu USD. Đáng kể một số dự án đang được tập trung đầu tư đẩy nhanh tiến độ, bước đầu đưa vào vận hành khai thác như: mở rộng bãi đỗ xe cửa khẩu Hữu Nghị, nhà máy sản xuất lắp ráp ô tô Dragon, nhà máy xi măng Hồng Phong, nhà máy chì thỏi Hâm Thiên nay là Công ty Cổ phần Kim loại màu Bắc Bộ, bãi đỗ xe để sơ chế bảo quản hàng hóa nông sản xuất khẩu tại cửa khẩu Tân Thanh, xưởng sản xuất vật liệu không nung. Bên cạnh đó, một số dự án triển khai còn chậm do vướng mắc trong giải phóng mặt bằng cộng với thiếu vốn đầu tư và chủ đầu tư chưa thực sự quyết tâm cao như: dự án Khu trung chuyển hàng hóa, Khu chế xuất I… Bước sang năm 2013, UBND tỉnh đã giao cho các cơ quan chức năng, đề xuất lựa chọn nhà đầu tư có đủ năng lực thực hiện đầu tư xây dựng để đẩy nhanh tiến độ triển khai đáp ứng yêu cầu.
Dịch vụ sang tải hàng hoá ở cửa khẩu Hữu Nghị
Tuy đạt được một số kết quả nhưng nhìn chung tiến độ xây dựng và triển khai thực hiện một số quy hoạch còn chậm, điều chỉnh chưa kịp thời; kết cấu hạ tầng của khu kinh tế cửa khẩu vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển nhanh và bền vững; nhất là việc huy động nguồn lực đầu tư từ các thành phần kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng thế mạnh.
Để xây dựng và phát triển khu kinh tế theo mục tiêu đã đề ra, đòi hỏi Ban Quản lý, các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố phải chủ động xây dựng kế hoạch, chương trình, dự án cụ thể để triển khai, tổ chức thực hiện. Tiếp tục nghiên cứu quy hoạch chi tiết xây dựng một số khu chức năng, chính sách quản lý hoạt động xuất nhập cảnh, cư trú, đi lại đối với người và phương tiện cơ giới đường bộ tại khu kinh tế. Quan tâm chương trình đào tạo phát triển nguồn nhân lực, ưu tiên tuyển dụng và sử dụng lao động có chuyên môn cao, tay nghề giỏi về làm việc tại khu kinh tế. Đồng thời tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, đẩy mạnh huy động mọi nguồn lực từ các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước để xây dựng các công trình hạ tầng, đầu tư vào sản xuất kinh doanh theo các phương thức thích hợp, góp phần vào quá trình hợp tác, liên kết, phát triển.
Bài, ảnh: M.V.H
Ý kiến ()