Sau 40 năm chiến tranh biên giới: Tràng Định vững vàng trên chặng đường mới
(LSO) – Cuộc chiến tranh biên giới năm 1979 đã lùi xa vào dĩ vãng. Trong 40 năm qua, phát huy truyền thống anh hùng, cấp ủy, chính quyền và nhân dân huyện Tràng Định đã có những bước tiến vững chắc trong phát triển kinh tế – xã hội, giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia.
Ngược dòng lịch sử
Trung tuần tháng 2 này, chúng tôi có dịp trở lại xã Quốc Khánh, được đến thăm mốc 982 (trước là mốc 14), đây là khu vực mà theo những nhân chứng lịch sử vào thời điểm năm 1979 là nơi diễn ra giao tranh ác liệt nhất.
Ông Đinh Hoàng Quy (Phó Bí thư Đoàn xã Quốc Khánh thời điểm năm 1979) cho biết: Từ giữa tháng 1/1979, khu vực biên giới thuộc địa bàn xã Quốc Khánh đã có những dấu hiệu bất ổn, chính quyền và nhân dân cũng đã có những tính toán và dự báo về tình hình tuyến biên giới. Theo ông Quy, vì có sự chuẩn bị nên khi chiến sự xảy ra, lực lượng thanh niên của xã và bà con nhân dân đã thực hiện tốt công tác hậu cần như: đào hào, đắp các ụ cát, tăng cường nhân lực khi bộ đội chính quy cần… Lực lượng thanh niên thời điểm này còn xung kích tham gia lực lượng dân quân chiến đấu, cùng các lực lượng khác thực hiện tốt các phương án bảo vệ địa bàn, sơ tán, bảo vệ tài sản và tính mạng của nhân dân.
Cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Pò Mã (xã Quốc Khánh, huyện Tràng Định) giúp dân làm đường giao thông (ảnh Đồn Biên phòng Pò Mã cung cấp)
Sau 28 ngày đêm chiến đấu (từ ngày 17/2/1979 – 15/3/1979), với ý chí kiên cường, tinh thần đoàn kết một lòng của quân và nhân dân huyện Tràng Định đã bảo vệ toàn vẹn biên giới, lãnh thổ của Tổ quốc.
Đẩy mạnh phát triển kinh tế, bảo vệ biên giới
Trở lại thời điểm những năm 1980 – 1986, đây là thời kỳ tình hình kinh tế không chỉ của Tràng Định mà trên toàn tỉnh Lạng Sơn đều hết sức khó khăn.
Ông Hoàng Văn San, nguyên Bí thư Huyện ủy Tràng Định (làm bí thư từ tháng 2/1980 đến 6/1987) cho biết: Từ năm 1980 đến 1986, cuộc sống nhân dân trên địa bàn huyện còn nhiều khó khăn, kinh tế chủ yếu là trồng lúa, nhưng trong giai đoạn này, với sự đồng lòng của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, sản xuất nông nghiệp của huyện có những bước tăng trưởng mạnh, sản lượng lương thực thời điểm đó đạt 5 tấn thóc/ha.
Bước vào thời kỳ đổi mới, đặc biệt là khoảng 10 năm trở lại đây, cấp ủy, chính quyền huyện Tràng Định đã tích cực chỉ đạo nhân dân thực hiện phong trào thi đua sản xuất, phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới; huyện tập trung đẩy mạnh triển khai xây dựng mô hình sản xuất kiểu mẫu, phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, gắn với xây dựng nhãn hiệu sản phẩm…
Tổng sản lượng lương thực cây có hạt năm 2018 đạt gần 43 nghìn tấn, tăng gần 6 nghìn tấn so với năm 2017. Ngoài ra, kinh tế đồi rừng cũng có bước phát triển, chỉ tính từ năm 2015 đến hết năm 2018, toàn huyện trồng rừng mới được hơn 4,3 nghìn héc ta cây lâm nghiệp các loại, nâng tỷ lệ che phủ rừng toàn huyện đạt 63,3%.
Không chỉ phát triển nông – lâm nghiệp, với tiềm năng của huyện biên giới, có cửa khẩu, những năm qua, Tràng Định cũng phát triển thương mại, dịch vụ, trong đó tập trung thu hút xuất nhập khẩu hàng hóa qua địa bàn. Đặc biệt, với lợi thế về cửa khẩu, huyện đã đẩy mạnh trao đổi, xuất khẩu hàng hóa địa phương. Năm 2018, kim ngạch xuất khẩu hàng địa phương đạt 4 triệu USD, so với các huyện biên giới khác thì Tràng Định là huyện có kim ngạch xuất khẩu hàng địa phương đứng trong top cao nhất của tỉnh.
Tổng sản phẩm nội huyện (GRDP) giai đoạn 2016 – 2018 tăng khoảng 27% so với giai đoạn 2010 – 2015. Thu nhập bình quân đầu người đạt 31 triệu đồng/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, trong đó nông lâm nghiệp vẫn giữ vai trò quan trọng trong cơ cấu kinh tế; song song với đó là đẩy mạnh phát triển thương mại, dịch vụ và du lịch.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy cho biết: Những năm qua, từ nguồn vốn của trung ương, của tỉnh, huyện đã tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu như: điện, đường, trường, trạm, chợ, hệ thống thủy lợi… ở các xã biên giới, các xã đặc biệt khó khăn. Cùng với đó là đẩy mạnh việc giao lưu, kết nghĩa nhân dân giữa thôn, bản biên giới của 2 nước. Đồng thời tập trung đầu tư xây dựng khu tái định cư biên giới, từ đó giúp nhân dân thôn, bản biên giới ổn định cuộc sống, tập trung phát triển kinh tế.
Cuộc chiến đã lùi xa, quá khứ đã khép lại. Trong khuôn khổ bài viết này, không thể nêu hết những vất vả, nhọc nhằn của quân và dân huyện biên giới này. Điểm lại đôi nét trong giai đoạn khó khăn cũng như thời kỳ đổi mới để minh chứng rõ hơn về sức sống mãnh liệt của huyện biên giới Tràng Định nói riêng, của mảnh đất Xứ Lạng giàu phẩm chất anh hùng nói chung.
Ý kiến ()