Thứ 2, 25/11/2024 07:26 [(GMT +7)]
Sau 4 năm thực hiện Quyết định 286- QĐ/TU
Thứ 5, 17/11/2011 | 08:37:00 [(GMT +7)] A A
Có thể khẳng định, sau 4 năm thực hiện Đề án nâng cao đời sống nhân dân khu vực biên giới gắn với việc đưa dân trở lại làng bản cũ và xây dựng một số điểm dân cư mới ở khu vực biên giới theo Quyết định số 286-QĐ/TU đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Trong đó, đã cơ bản hoàn thành mục tiêu chung của đề án, đó là: tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về cả nhận thức và hành động của các cấp, các ngành, các lực lượng, các đoàn thể và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đối với nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội; nâng cao đời sống nhân dân khu vực biên giới; tạo điều kiện cho lực lượng tại chỗ tham gia cùng bộ đội biên phòng bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ; giữ gìn an ninh chính trị, trật tự xã hội khu vực biên giới.
LSO-Lạng Sơn là một tỉnh miền núi biên giới phía Bắc, có 5 huyện biên giới với 20 xã và một thị trấn giáp biên.
Tính đến năm 2011, dân số trong khu vực này có 61.159 nhân khẩu, tổng diện tích tự nhiên là 115.088ha, trong đó đất nông nghiệp 7.268ha, chiếm 6,32%, đất lâm nghiệp 75.955ha, chiếm 66%, đất trống đồi núi trọc 26.054ha, chiếm 22,64% và các loại đất khác chiếm 5,04%. Do đặc điểm chung địa hình bị chia cắt mạnh, địa bàn trải rộng, mật độ dân cư thấp, không đồng đều, cơ sở hạ tầng còn yếu kém, chưa tháo dỡ hết vật cản nên những năm trước đây, nhiều thôn bản giáp biên dân cư chưa thực sự ổn định, trình độ dân trí cũng như thu nhập người dân còn thấp, chủ yếu từ sản xuất nông, lâm nghiệp và chăn nuôi nhỏ lẻ nên đời sống vật chất tinh thần của người dân còn gặp nhiều khó khăn.
Phát triển công nghiệp tại xã biên giới Tân Mỹ, huyện Văn Lãng |
Ông Triệu Sành Lảy, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết: trước thực trạng trên, ngày 15/3/2007, Tỉnh ủy Lạng Sơn đã ban hành Quyết định số 286-QĐ/TU về việc phê duyệt Đề án nâng cao đời sống nhân dân khu vực biên giới gắn với việc đưa dân trở lại làng bản cũ và xây dựng một số điểm dân cư mới ở khu vực biên giới. Theo đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành, đoàn thể được phân công nhiệm vụ phối hợp tổ chức triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, việc lồng ghép các chương trình, dự án phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn như: chương trình 120, 193, 134, 135…, hàng năm đều được đưa vào nghị quyết của cấp ủy và HĐND để lãnh đạo thực hiện.
Do việc đầu tư được triển khai đồng bộ trên các lĩnh vực như: kết cấu hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất, tăng cường công tác khuyến nông, khuyến lâm, đào tạo bồi dưỡng cán bộ xã, thôn và cộng đồng, nâng cao dân trí nên hàng năm mức tăng trưởng tại các khu vực này đều đạt khá. Tính đến năm 2010, mức tăng trưởng kinh tế đạt 10,8%, trong đó lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp tăng 6,9%, công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp tăng 10,5%, thương mại, du lịch, dịch vụ tăng gần 16%. Cơ cấu kinh tế có bước chuyển dịch đúng hướng.
Đến nay, ở khu vực này tỉ trọng nông, lâm, ngư nghiệp chiếm 55,2%, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp chiếm 18% và thương mại, du lịch, dịch vụ chiếm 26,8%. Ước tính tổng sản phẩm GDP theo giá thực tế năm 2010 đạt 378.851 triệu đồng, tăng gần 1,5 lần so với năm 2007. Việc phát triển về kinh tế đã góp phần ổn định nhiều mặt tại khu vực biên giới, đời sống vật chất cũng như tinh thần của nhân dân từng bước được nâng lên. Ước tính thu nhập bình quân đầu người trong khu vực năm 2010 đã đạt 6,2 triệu đồng, tăng 1,44 lần so với năm 2007.
Có thể khẳng định, sau 4 năm thực hiện Đề án nâng cao đời sống nhân dân khu vực biên giới gắn với việc đưa dân trở lại làng bản cũ và xây dựng một số điểm dân cư mới ở khu vực biên giới theo Quyết định số 286-QĐ/TU đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Trong đó, đã cơ bản hoàn thành mục tiêu chung của đề án, đó là: tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về cả nhận thức và hành động của các cấp, các ngành, các lực lượng, các đoàn thể và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đối với nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội; nâng cao đời sống nhân dân khu vực biên giới; tạo điều kiện cho lực lượng tại chỗ tham gia cùng bộ đội biên phòng bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ; giữ gìn an ninh chính trị, trật tự xã hội khu vực biên giới.
Hoàng Huy
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()