Sau 20 năm, số người nghiện ma túy tăng gần 4 lần
Đó là thông tin được đưa ra tại hội nghị biểu dương và nhân rộng mô hình tổ chức, cá nhân hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm cho người sau cai nghiện, người cai nghiện tiêu biểu hòa nhập cộng đồng diễn ra ngày 14/11, tại Hà Nội, do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức.
Thứ trưởng Nguyễn trọng Đàm trao bằng khen |
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm cho biết, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, về công tác phòng chống ma túy, cai nghiện, dạy nghề, vay vốn, tạo việc làm cho người sau cai, song chưa đem lại kết quả như mong muốn. Tệ nạn ma túy vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp, gia tăng về số lượng, tính chất, mức độ ngày càng khó kiểm soát hơn.
Tính đến cuối tháng 9/2014 cả nước có 204.377 người nghiện ma túy. Số người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý đã tăng gần 4 lần trong 20 năm kể từ năm 1994 đến nay (năm 1994 là 55.445 người, trung bình mỗi năm tăng khoảng 7.000 người). Người nghiện ma túy đã có ở 100% tỉnh, thành phố. Trong số người nghiện ma túy thì có đến 96% là nam giới. 74% trong số đó ở trong độ tuổi lao động (từ 18-35 tuổi), có 1% dưới 18 tuổi. Người nghiện sử dụng heroin là 72% và có xu hướng giảm dần, tỷ lệ người sử dụng ma túy tổng hợp ngày càng gia tăng. Theo nhiều đại biểu thì số lượng nghiện ma túy thực tế còn cao hơn nhiều.
Theo thống kê chưa đầy đủ của các tỉnh, thành phố, từ năm 2011 đến tháng 9/2014 có tổng số 39.971 lượt người được dạy nghề, 13.472 lượt người được tạo việc làm, 2.155 người được vay vốn với tổng số tiền cho vay là 10,756 tỷ đồng. So với số lượng người nghiện ma túy thì con số này “chẳng thấm vào đâu”.
Học nghề và tìm việc làm để ổn định cuộc sống sau khi cai nghiện là nhu cầu chính đáng và thiết thực của người sau cai nghiện. Kinh nghiệm thực tiễn cho thấy, ở đâu làm tốt công tác hỗ trợ học nghề, việc làm cho người sau cai thì ở đó, tỷ lệ tái nghiện thấp. Chính vì vậy, ngay trong thời gian cai nghiện tại trung tâm, các học viên đã được học nghề kết hợp với lao động trị liệu, lao động sản xuất nhằm phục hồi sức khỏe. Các nghề được dạy phổ biến như: cơ khí (tiện, nguội, gò, hàn), may công nghiệp, trồng trọt, thủ công mỹ nghệ, cắt tóc, mộc dân dụng, tin học văn phòng, lái xe… dạy các nghề đơn giản như chế biến nguyên vật liệu, làm tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ.
Tuy nhiên, do sự kỳ thị của cộng đồng, xã hội và do hầu hết người sau cai có trình độ thấp, tay nghề chưa cao nên rất khó để xin được việc làm. Khắc phục hạn chế này, tại nhiều cơ sở xã, phường, những người được giao nhiệm vụ giúp đỡ người sau cai đã có nhiều hoạt động tích cực như: lồng ghép với các chương trình xoá đói, giảm nghèo, tạo việc làm; xây dựng quỹ phòng, chống ma tuý do nhân dân đóng góp; đứng ra bảo lãnh, vận động các doanh nghiệp đóng trên địa bàn nhận đối tượng sau cai nghiện vào làm việc… Với những người sau cai không đủ sức khỏe và trình độ để đi làm trong các công ty, xí nghiệp thì tạo điều kiện cho họ vay vốn, tạo điều kiện thuận lợi về địa điểm để họ tự kinh doanh (ở các khu đô thị, thành phố) và chăn nuôi, trồng trọt (ở khu vực nông thôn, miền núi)… Sau một thời gian thực hiện, kết quả bước đầu cho thấy nhiều người đã có việc làm, ổn định cuộc sống.
Với nhận thức “doanh nghiệp và cộng đồng cùng dang tay giúp đỡ những người đã có một thời lầm lỡ, tạo cho họ có cơ hội làm lại cuộc đời”, tại một số tỉnh, thành phố, số lượng đơn vị kinh tế đã tiếp nhận, sử dụng lao động là người sau cai vào làm việc nhưng vẫn còn hạn chế, chỉ chiếm 0,07 % số doanh nghiệp. Có nhiều tỉnh, thành phố có hàng nghìn doanh nghiệp nhưng chỉ có một hoặc hai doanh nghiệp tiếp nhận người sau cai nghiện vào làm việc. Nhiều tỉnh báo cáo không có doanh nghiệp nào hỗ trợ cho công tác này.
Bên cạnh những khó khăn chung trong việc tiếp nhận người sau cai vào làm việc thì ở một số địa phương vẫn có những cơ sở sản xuất, doanh nghiệp bằng cái tâm và trách nhiệm xã hội, hưởng ứng sự vận động của chính quyền cơ sở đang tiếp nhận những người sau cai vào làm việc, tạo cho họ cơ hội làm lại cuộc đời.
Tại hội nghị, nhiều tập thể, cá nhân, doanh nghiệp đã chia sẻ những cách làm hiệu quả giúp sau cai nghiện nỗ lực, quyết tâm vươn lên bằng ý chí, nghị lực trở thành người có ích cho xã hội. Đồng thời, giúp người sau cai có việc làm, đoạn tuyệt với ma túy. Nhiều đại biểu cho rằng; mặc dù việc cai nghiện ma túy khó khăn, nhưng nếu bản thân người nghiện quyết tâm, cùng với sự giúp đỡ của gia đình, xã hội thì hoàn toàn có thể cai nghiện thành công. Ở nhiều tỉnh thành cả nước đã có hàng nghìn người sau cai nghiện từ 3-5 năm chưa tái nghiện. Nhiều người từng nghiện nặng, nghiện lâu năm nhưng đã quyết tâm cai nghiện, tích cực tham gia các hoạt động xã hội, vươn lên trở thành người có ích cho gia đình, cộng đồng, được xã hội ghi nhận. Nhiều người hiện nay đang là chủ cơ sở sản xuất, chủ doanh nghiệp, câu lạc bộ… và rất tích cực tham gia các hoạt động giúp đỡ người cùng cảnh ngộ. Đã có nhiều tổ chức, cá nhân giúp đỡ người sau cai nghiện tạo việc làm.
Hội nghị đã biểu dương 12 tập thể, 42 cá nhân tiêu biểu trong phong trào hỗ trợ, giúp đỡ người sau cai nghiện hòa nhập cộng đồng, người nghiện vượt khó vươn lên cai nghiện thành công.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()