Sau 2 năm thực hiện Nghị quyết số 21 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Chuyển biến nhanh của hệ y tế điều trị
LSO- Sau một nửa chặng đường thực hiện Nghị quyết số 21, ngày 19/7/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Tiếp tục củng cố hoàn thiện mạng lưới y tế, nâng cao năng lực và chất lượng khám chữa bệnh của hệ thống y tế các cấp giai đoạn 2016 – 2020”, hệ y tế điều trị của ngành y tế tỉnh đã có bước phát triển đồng đều ở cả 3 tuyến kỹ thuật và đang khẳng định hiệu quả.
Củng cố y tế xã
Rà soát, tăng cường toàn diện cho y tế xã được xác định là nhiệm vụ trọng tâm. Theo đó, ngành đã mạnh dạn xóa bỏ 16/25 phòng khám đa khoa khu vực hoạt động không hiệu quả, tiến hành sáp nhập số phòng khám còn lại với trạm y tế xã để tăng cường lực lượng và trang thiết bị cho “phân khúc” này. Đồng thời, tiến hành xây dựng mới, sửa chữa các trạm y tế để đạt chuẩn quốc gia y tế xã giai đoạn 2010 – 2020. Để giải quyết bài toán về nhân lực, ngành đã cử các bác sĩ bồi dưỡng chuyên môn, luân chuyển, tăng cường có thời hạn bác sĩ về công tác tại xã, chuyển giao kỹ thuật từ huyện xuống xã… Đến nay, toàn tỉnh đã có 187 trạm y tế đủ điều kiện khám chữa bệnh (KCB) bảo hiểm y tế (BHYT), tăng trên 200% so với đầu năm 2016; y tế xã đã triển khai được 60% danh mục kỹ thuật theo tuyến. Tình trạng người dân “né” tuyến xã để đi khám vượt tuyến đã giảm. Trong 6 tháng đầu năm 2018, tuyến xã đã khám cho 317.837 lượt người, bằng 48,3% tổng số người đến khám tại các cơ sở y tế công lập. Ngoài ra, y tế xã đã thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý, điều trị một số bệnh nguy hiểm như: đái tháo đường, huyết áp, lao…
Lọc máu thay huyết tương tại Khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Đa khoa tỉnh
Hiện nay, 2 trạm y tế xã gồm Quảng Lạc (thành phố Lạng Sơn) và Gia Cát (Cao Lộc) đang triển khai mô hình phòng khám Bác sĩ gia đình – một mô hình tiên tiến trong quản lý sức khỏe toàn dân. Bác sĩ Nguyễn Thị Bắc, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Quảng Lạc cho biết: Với những kiến thức đã học về nguyên lý y học gia đình, với sự quan tâm của thành phố và của ngành, trạm sẽ thành công trong việc đưa mô hình vào hoạt động.
Nâng cao năng lực tuyến tỉnh và huyện
Tiếp nhận, chuyển giao kỹ thuật là giải pháp hữu hiệu phù hợp với đặc điểm y tế của tỉnh miền núi như Lạng Sơn. Được chuyển giao kỹ thuật từ năm 2014 theo Đề án 1816 từ các bệnh viện trung ương, được tiếp nhận nhiều trang thiết bị hiện đại, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã thực hiện thành công nhiều kỹ thuật mới như: phẫu thuật thanh quản hạt xơ dây thanh; kỹ thuật chuyển vạt da cân hiển ngoài; kỹ thuật kết hợp xương hàm bằng nẹp vít tự tiêu… Những kỹ thuật mới không chỉ góp phần nâng cao năng lực chuyên môn mà còn giảm chi phí đi lại và viện phí của bệnh nhân khi họ phải đi các bệnh viện tuyến trên.
Sau 10 năm thực hiện Đề án 1816, Lạng Sơn đã tiếp nhận hàng trăm kỹ thuật mới từ bệnh viện trung ương, chuyển giao hàng ngàn kỹ thuật mới từ tuyến tỉnh xuống huyện và từ huyện tới xã. Với đề án này, bài toán về năng lực trình độ của đội ngũ đã có một hướng giải hữu hiệu. Tiếp tục thực hiện đề án, trong 6 tháng đầu năm 2018, tuyến tỉnh đã tiếp nhận 42 kỹ thuật mới từ tuyến trung ương; toàn ngành đã chuyển giao 25 kỹ thuật mới xuống cơ sở.
Sau một thời gian chuẩn bị tích cực, từ năm 2017 đến nay, nhiều bệnh viện huyện đã được tăng cường về nhiều mặt để được nâng hạng như bệnh viện: Bắc Sơn, Hữu Lũng, Chi Lăng, Bình Gia… Được nâng hạng, các bệnh viện tuyến huyện đã có đầy đủ năng lực để thực hiện các kỹ thuật theo tuyến và thực hiện nhiều kỹ thuật vượt tuyến. Bác sĩ Hoàng Duy Thiện, Giám đốc Bệnh viên Bình Gia cho biết: Từ khi được nâng hạng, người dân đã tin tưởng hơn và tình trạng sang Bệnh viện Bắc Sơn hoặc đi Thái Nguyên để khám và điều trị đã giảm nhiều.
Việc “kéo” các nguồn lực đầu tư trang thiết bị theo định hướng xã hội hóa đang là một xu hướng tất yếu để đưa các dịch vụ y tế và kỹ thuật tiên tiến đến gần người dân. Các loại máy móc, thiết bị cho chạy thận nhân tạo, máy chụp, máy xét nghiệm, siêu âm… đang được phát huy. Trong thời gian tới, ngành sẽ thực hiện các đề án như: tiêm chủng mở rộng theo yêu cầu tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, xét nghiệm HBA1c tại Cao Lộc, máy chụp CT2 lát tại Hữu Lũng… người dân sẽ được hưởng lợi trực tiếp.
Hai năm thời gian chưa nhiều, song bằng nghị lực, quyết tâm vượt khó, ngành y tế đã và đang đưa Nghị quyết số 21 vào cuộc sống, đưa độ bao phủ và chất lượng phục vụ của ngành y tế lên một bước mới.
MINH HỒNG (TP Lạng Sơn)
Ý kiến ()