Sau 2 năm thực hiện chương trình methadone: Thành công lớn
LSO- Từ một chương trình nhằm mục tiêu giảm tác hại của HIV/AIDS, sau 2 năm đi vào cuộc sống, chương trình methadone đã thực sự là một kênh điều trị nghiện các chất gây nghiện có hiệu quả trên địa bàn Lạng Sơn.
Niềm vui trở lại
Tham gia chương trình methadone ngay từ ngày đầu tiên với liệu điều trị 35 ml mỗi ngày, giờ đây anh Đặng Văn H. 35 tuổi ở phường Tam Thanh (thành phố Lạng Sơn) đã ổn định với liều duy trì là 1,5 ml. Hiện anh đã có việc làm và thu nhập để góp tiền cùng vợ nuôi con. Anh H. tâm sự: “Khi nghe chương trình methadone được triển khai, em xin tham gia vì chỉ sợ lây nhiễm HIV/AIDS do dùng chung bơm kim tiêm. Thời gian trôi đi, em không ngờ nó lại có hiệu quả đến vậy. Nếu trước đây, mỗi ngày em “chơi 3 cữ” tốn khoảng 800 ngàn đồng, giai đoạn đầu điều trị vẫn phải “dùng thêm”, song từ tháng thứ 3 trở đi là “thôi” hẳn và liều methadone cứ giảm dần. Hiện nay em chỉ duy trì ở mức 1,5 ml. Cứ đà này khoảng dăm năm nữa là em có thể ra khỏi chương trình “một cách an toàn”.
Anh Trần Văn Ch. ở xã Vũ Lễ (Bắc Sơn) cũng vui với “niềm vui trở lại” sau hơn 6 tháng gắn bó với chương trình methadone ở Bắc Sơn. Từ chỗ mỗi ngày dùng “2 cữ” tốn trên 500 ngàn đồng. Trong 6 năm mắc nghiện, anh không những tiêu tốn sạch số tiền 2 vợ chồng dành dụm, mà gia sản bố mẹ cho cũng dần “đội nón ra đi”. Đi cai hết Bắc Kạn lại Hải Phòng, nghiện vẫn hoàn nghiện. Chương trình methadone được anh và gia đình xác định là “hy vọng cuối cùng”. Không còn dùng heroin, lợi ích mà chương trình mang lại không chỉ là kinh tế mà còn là sức khỏe và niềm vui sống.
Các bệnh nhân Methadone Bắc Sơn trong giờ sinh hoạt nhóm
Niềm vui của anh H. anh Ch. cũng là niềm vui chung của 917 con người đang điều trị tại 4 cơ sở trên các địa bàn thành phố Lạng Sơn và các huyện: Bắc Sơn, Văn Lãng, Tràng Định. Trước khi đến với chương trình, mỗi người một gia cảnh, song nhìn chung là bế tắc, nhiều lúc đến “nổi loạn”; khi đến với chương trình nhiều người nghiện và gia đình họ vẫn còn nghi ngại, nhưng chỉ từ tháng thứ 3 trở đi, phần lớn được điều trị đã thấy lợi ích của nó.
Thành công và lan tỏa
Khẳng định sự thành công của chương trình methadone, Thạc sĩ Đào Đình Cường, Giám đốc Trung tâm phòng chống HIV/AIDS Lạng Sơn cho biết: Ngày khởi liều đầu tiên (15/8/2014) chỉ có 15 người, nhưng là những bệnh nhân thuộc diện “đặc biệt nhất” trong số những người nghiện các chất dạng thuốc phiện trên địa bàn nên có những người phải chỉ định điều trị liều rất cao. Với sự kiên trì hướng dẫn của các cán bộ, nhân viên trung tâm và của chuyên gia Hà Nội, các bệnh nhân và người nhà của họ đã biết cách “thích ứng” với điều trị bằng chất thay thế. Chỉ sau 1 năm đã có 18 đợt khởi liều với số bệnh nhân là 418 người. Nhận thấy nhu cầu ngày càng cao, khoa điều trị của trung tâm ngày càng quá tải, trung tâm đã cùng với các huyện khảo sát và tham mưu với Sở Y tế đề nghị UBND tỉnh bổ sung nhiệm vụ chức năng và thành lập các khoa Methadone tại các huyện: Bắc Sơn, Văn Lãng và Tràng Định; mở 2 phòng cấp phát thuốc tại Trung tâm Y tế Cao Lộc và Trạm Y tế phường Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn.
Đến nay, tổng số bệnh nhân khoa Methadone của Trung tâm phòng chống HIV/AIDS là 673 người, tại Bắc Sơn là 105 người, tại Văn Lãng là 217 người và Tràng Định là 136 người. Trừ số thuyên chuyển, bỏ trị, bị bắt do vi phạm pháp luật hoặc các lý do khác, hiện nay tổng số bệnh nhân điều trị ổn định tại 4 điểm là 917 người. Người điều trị liều cao nhất là 29 ml, thấp nhất là 1,0 ml. Hầu hết bệnh nhân đều ổn định, từ tháng thứ 3 trở đi không dùng thêm heroin, sức khỏe đảm bảo; có trên 90% bệnh nhân tăng cân từ tháng thứ 3 trở đi, có bệnh nhân tăng đến 9 kg trong 1 năm. Khoảng 1/3 số bệnh nhân có việc làm ổn định, có thu nhập hoặc phụ giúp gia đình.
Hai năm với chương trình methadone, những bệnh nhân điều trị ổn định đã bỏ heroin vì họ được dùng chất thay thế. Công tác xã hội hóa điều trị đã giúp các cơ sở duy trì tốt hơn chất lượng phục vụ; giúp các bệnh nhân và gia đình của họ có trách nhiệm hơn đối với chính bản thân và gia đình mình. Đó là thành công lớn của chương trình.
Phát huy thành công đó, từ tháng 3/2016 đến nay, các trung tâm y tế như Lộc Bình, Hữu Lũng đang xúc tiến việc xây dựng, mua sắm thiết bị, gửi đào tạo nhân viên để có thể thành lập khoa Methadone vào cuối năm nay.
Bài ảnh: MINH HỒNG
Ý kiến ()