Sau 2 năm thành lập trường phổ thông dân tộc bán trú:Hiệu quả trong việc thực hiện chính sách giáo dục dân tộc
LSO- Việc thành lập các trường phổ thông dân tộc bán trú tại vùng kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn (ĐBKK) là một bước tiến lớn trong thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ta. Trong lúc nhiều học sinh cấp tiểu học và THCS phải bỏ học giữa chừng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn hoặc do đường sá xa xôi thì loại hình trường bán trú chính là “cứu cánh” cho các em.
Thầy giáo Lê Văn Tùng, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở (THCS) Dân tộc bán trú xã Tam Gia (Lộc Bình) cho biết: Tuy mới thành lập và đi vào hoạt động từ tháng 9/2012 trên cơ sở chuyển đổi từ trường THCS, song tâm lý học sinh và nhân dân rất phấn khởi. Những năm trước, nhà trường được đầu tư xây dựng bằng dự án THCS 2 nên khá đồng bộ, có cả khu nội trú dành cho học sinh, nên giờ đây các em có nhu cầu bán trú đã có nơi ở khá đàng hoàng. Với mức hỗ trợ sinh hoạt phí bằng 40% mức lương tối thiểu và sự chu đáo tiết kiệm của đội ngũ giáo viên nên các em có mức ăn khá. Thiếu tiện nghi sinh hoạt, huyện đã hỗ trợ cho nhà trường 28 chăn ấm, 24 giường tầng, nhà trường mua sắm thêm ti vi, thiết bị nhà bếp để phục vụ các em. Qua 1 năm học, do được ở bán trú, được sinh hoạt học tập theo kế hoạch và hướng dẫn của các thầy cô giáo, nên chất lượng giáo dục đã được nâng lên.
Giờ ăn trưa của học sinh Trường THCS dân tộc Bán trú xã Công Sơn, huyện Cao Lộc
Tính đến 31/12/2012, toàn tỉnh đã thành lập mới 33 trường phổ thông dân tộc bán trú trên cơ sở các trường tiểu học và THCS vùng kinh tế – xã hội ĐBKK ở tất cả 10 huyện trong tỉnh. Trong đó có 4 trường tiểu học, 21 trường THCS, 8 trường tiểu học và THCS. Tổng số học sinh ở loại hình này là 4.599 em (cấp tiểu học có 1.120 em và cấp THCS có 3479 em) với 270 lớp. Số học sinh được ở bán trú trong trường là 1.245 em, chiếm 27,1%; số học sinh được ăn bán trú tập trung là 1971 em, chiếm tỷ lệ 42,9% so với tổng số bán trú. Trong 2 năm qua, chất lượng 2 mặt giáo dục của các trường này ngày càng ổn định và tăng lên. Do hiệu quả của công tác huy động học sinh, nên loại hình này đã phát huy vai trò to lớn trong việc tăng quy mô học sinh, giảm tỷ lệ học sinh bỏ học, góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả đào tạo, công tác xóa mù chữ- phổ cập giáo duc tiểu học, phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và giữ vững kết quả phổ cập giáo dục THCS, nâng cao dân trí vùng đồng bào dân tộc và vùng ĐBKK.
Khác với năm học 2011-2012, do có sự điều tra, rà soát đầy đủ và chủ động lên kế hoạch; sự chuẩn bị chu đáo về cơ sở vật chất cũng như đáp ứng các chế độ tiêu chuẩn cho người học nên khi tuyển sinh, các trường đã không bị động trong việc bố trí nơi ăn ở cho học sinh. Tình trạng “nợ” chế độ cũng đã giảm. Hiểu rõ lợi ích của việc thành lập trường phổ thông dân tộc bán trú, nên cấp ủy, chính quyền, các đơn vị, cá nhân đã hết lòng ủng hộ về CSVC cho các nhà trường. Rất nhiều công trình nhà bán trú, bếp ăn tập thể do các đơn vị hỗ trợ đã được xây dựng; hỗ trợ của các đơn vị và cá nhân có tác dụng nâng cao mức sống cho các em như phụ huynh và học sinh các nhà trường ở thị trấn Đồng Đăng nhiều lần lên thăm và trợ giúp Trường Tiểu học và THCS Dân tộc bán trú xã Mẫu Sơn (Cao Lộc) hàng trăm thùng mỳ tôm, quần áo tiền mặt và các tiện nghi khác.
Giờ học của học sinh trường phổ thông dân tộc bán trú xã Tam Gia, huyện Lộc Bình
Nhận thức được tầm quan trọng của việc chuyển đổi loại hình, nhiều huyện đã đạt tiến độ nhanh như Tràng Định chuyển đổi được 8/9 trường (vượt kế hoạch năm 1 trường), Lộc Bình 6 trường, Hữu Lũng 4 trường. Tuy vậy cũng có những địa phương chưa thể chuyển đổi nhanh vì nhiều yếu tố. Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Tiến Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Gia cho biết: Toàn huyện có tới 14 xã ĐBKK, nên việc chuyển đổi cần theo lộ trình. Trong 2 năm qua, riêng việc đảm bảo các nhu cầu tối thiếu về ăn, ở bán trú cho 6 trường cũng đã là nỗ lực lớn của huyện. Đồng chí Hoàng Quốc Tuấn, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Bắc Sơn cũng cho biết, ngoài trường phổ thông dân tộc bán trú xã Nhất Tiến đang hoạt động, trong thời gian tới, ngành sẽ tham mưu cho UBND huyện tiến hành tách cấp học mầm non và chuyển đổi Trường Tiểu học và THCS xã Vạn Thủy sang loại hình phổ thông dân tộc bán trú.
Trong nhiều năm qua, thực hiện chính sách của Đảng và nhà nước đối với công tác giáo dục dân tộc, ngành GD&ĐT đã tham mưu cho UBND tỉnh có nhiều chế độ giúp đỡ có hiệu quả con em đồng bào các dân tộc thiểu số vùng cao, vùng ĐBKK được tới trường. Ngoài việc mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng loại hình trường phổ thông dân tộc nội trú, việc thành lập các trường phổ thông dân tộc bán trú có ý nghĩa kinh tế – xã hội to lớn; là biểu hiện cụ thể chính sách dân tộc của Đảng. Vì vậy tiến độ cần phải nhanh hơn, chế độ chính sách cho người học, người dạy cần kịp thời hơn để làm sao đời sống, sinh hoạt của học sinh phải tốt hơn ở gia đình; chất lượng GD ở các trường này phải tốt hơn trước khi chuyển đổi.
Ý kiến ()