Sau 10 năm thực hiện Quy hoạch phát triển giáo dục: Bước phát triển của giáo dục mầm non
(LSO) – Bám sát quy hoạch, căn cứ nhu cầu và thực tiễn, bằng sự kiên trì và tập trung cao độ các nguồn lực, trong 10 năm qua giáo dục mầm non (GDMN) Lạng Sơn đã có bước tiến nhanh và ngày càng vững chắc.
Mục tiêu cao từ điểm xuất phát thấp
Năm học 2010-2011, toàn tỉnh mới có 139 trường MN (3 trường ngoài công lập) và 9 cơ sở MN tư thục; trong đó 18 trường chưa có địa điểm riêng, 98 xã khu vực khó khăn, đặc biệt khó khăn, khu vực biên giới chưa có trường MN; nhiều thôn bản chưa có nhóm, lớp MN. Với đặc điểm của một tỉnh miền núi nên các nhóm lớp MN phân bố rải rác tại 678 điểm trường lẻ, trong đó có 468 điểm trường lẻ chưa có lớp học riêng. Trong 1.890 nhóm trẻ và lớp mẫu giáo, có 711 lớp chung cơ sở vật chất với cấp học phổ thông, 280 lớp phải thuê, mượn, nhờ. Tỷ lệ huy động trẻ ra lớp nhà trẻ mới đạt 21,33%; trẻ ra lớp mẫu giáo đạt 92,27%, trong đó tỷ lệ huy động mẫu giáo 5 tuổi đạt 99,22%.
Giờ học Mỹ thuật của học sinh lớp 4 tuổi, Trường Mầm non Vân Thủy, huyện Chi Lăng, Học kỳ I năm học 2019-2020
Số cán bộ quản lý và giáo viên của cấp học này vừa thiếu về số lượng, thiếu tính ổn định, dẫn đến những xáo trộn trong bố trí giáo viên đứng lớp và ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục. Các hoạt động giáo dục, nuôi dưỡng cho trẻ còn nhiều bất cập và rất khó khăn, nhất là các trường khu vực nông thôn, các lớp MN gắn với trường phổ thông. Số trẻ được học bán trú, 2 buổi/ngày còn thấp và có sự chênh lệch lớn giữa các địa phương như thành phố Lạng Sơn đạt 86%, nhưng có huyện chỉ đạt 22%. Tình trạng bếp tạm chưa đảm bảo quy trình một chiều còn lớn 77,8% dẫn đến tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Số lượng công trình vệ sinh còn ít và không đạt tiêu chuẩn; sân chơi chật chội, đồ dùng đồ chơi thiếu thốn đã gây nhiều khó khăn trong công tác triển khai giáo dục toàn diện và thực hiện các chuyên đề giáo dục trẻ.
Quy hoạch phát triển giáo dục Lạng Sơn đến năm 2020 đề ra mục tiêu lớn cho GDMN. Cụ thể là toàn tỉnh có 232 trường MN, trong đó có 229 trường MN công lập; trong đó có 70 trường MN đạt chuẩn quốc gia. Tập trung các nguồn lực, tăng cường mạnh mẽ cơ sở vật chất cho cấp học này để phục vụ tốt cho công tác nuôi dạy bán trú và 2 buổi/ngày. Huy động 18.250 trẻ ra nhà trẻ (tỷ lệ trên 50% trẻ trong độ tuổi) và 35.770 trẻ ra lớp mẫu giáo (trên 99% trẻ trong độ tuổi). Duy trì 100% trường học bán trú và 2 buổi/ ngày. Tăng cường giáo viên MN, nhân viên phục vụ bằng nhiều nguồn, phấn đấu năm 2020 có 4.140 giáo viên (tăng 170% so với năm 2011), 510 cán bộ quản lý và 982 nhân viên phục vụ. Trên cơ sở biên chế đủ giáo viên, nhân viên, nâng cao chất lượng nuôi dạy, giảm nhanh tình trạng suy dinh dưỡng các thể, tăng cường tiếng Việt cho trẻ em 5 tuổi để có thể bắt nhịp được với cấp học phổ thông khi bước vào tiến trình cải cách giáo dục phổ thông sau năm 2020.
Kết quả của những nỗ lực lớn
Trong 10 năm thực hiện những mục tiêu đã đề ra, căn cứ vào tình hình thực tế phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, căn cứ vào những chính sách của Nhà nước về giáo dục nói chung và GDMN nói riêng, trong đó có những chính sách cho người dạy, người học, chính sách cho loại hình GDMN ngoài công lập… ngành giáo dục và đào tạo đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành nhiều chính sách để đáp ứng cho sự phát triển.
Về phần mình, ngành tiếp tục quan tâm chỉ đạo tốt việc rà soát, sắp xếp mạng lưới trường lớp, đội ngũ giáo viên mầm non và phổ thông. Đáng chú ý là việc xây dựng trường MN cho các xã khó khăn và đặc biệt khó khăn, xây dựng nhà bếp, nhà ăn, nhà vệ sinh và các công trình phụ trợ cho các trường MN. Năm 2019, ngành đã hoàn thành Đề án đầu tư xây dựng 13 trường MN chưa có cơ sở vật chất riêng; xây dựng các công trình phụ trợ như nhà bếp, nhà ăn, công trình vệ sinh, nước sạch… cho các trường MN. Trong điều kiện rất thiếu thốn về nguồn lực như vốn, đất đai…, ngành một mặt tham mưu hội tụ các nguồn vốn nhất là vốn xây dựng nông thôn mới cho công tác xây dựng; mặt khác làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục. Trong 10 năm qua, nhân dân đã hiến hàng chục ngàn mét vuông đất cho xây dựng, mở rộng nhà trường, nơi lắp đặt các trang thiết bị vui chơi cho trẻ tại các điểm trường. Chính sách tuyển dụng, hợp đồng giáo viên MN, chính sách đối với loại hình MN ngoài công lập… đã mang lại hiệu quả rõ rệt, đội ngũ yên tâm hơn và chuyên tâm với công việc nuôi dạy trẻ.
Bước vào năm học 2019-2020, toàn tỉnh đã có 234 trường MN (tăng 2 trường so với quy hoạch), trong đó có 61 trường đạt chuẩn quốc gia. Số lượng học sinh là 56.068 cháu (tăng 2.048 cháu). Tỷ lệ huy động độ tuổi nhà trẻ là 40,07%, độ tuổi mẫu giáo là 98,7% (mẫu giáo 5 tuổi đạt 99,9%). Từ một tỉnh yếu kém về GDMN, trong 10 năm qua, Lạng Sơn đã vươn lên và là một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về tỷ lệ huy động trẻ ra lớp. Công tác nuôi dạy có sự chuyển biến rất rõ nét, toàn cấp học đã áp dụng chương trình GDMN mới với các chuyên đề cụ thể của từng năm học. Được nuôi dạy trong điều kiện tốt hơn về đội ngũ và cơ sở vật chất, chất lượng giáo dục đã có những nét đột phá, nâng cao chất lượng “đầu vào” của cấp học phổ thông.
Tuy vậy, đi lên từ điểm xuất phát rất thấp, mục tiêu đề ra lại cao, nên có những chỉ tiêu chưa đạt như số lượng trường chuẩn (mới đạt 87%), tỷ lệ huy động trẻ trong độ tuổi nhà trẻ mới đạt 40,07% (mục tiêu 50%). Điều đó đòi hỏi sự nỗ lực cao hơn của toàn ngành trong thời gian tới.
MINH HỒNG (TP. Lạng Sơn)
Ý kiến ()