Sau 1 tháng triển khai phòng chống cúm A-H7N9: Tăng cường các nguồn lực cho phòng và chống
LSO- Sau 1 tháng thực hiện các Công điện của Thủ tướng chính phủ và Công điện số 1884, ngày 4/4/2013 của Bộ Y tế về triển khai công tác phòng, chống dịch cúm A (H7N9) trên người, với tinh thần chủ động, tích cực và khẩn trương, ngành y tế đã làm rất nhiều việc để tăng cường các nguồn lực cho công tác phòng và chống dịch.
LSO- Sau 1 tháng thực hiện các Công điện của Thủ tướng chính phủ và Công điện số 1884, ngày 4/4/2013 của Bộ Y tế về triển khai công tác phòng, chống dịch cúm A (H7N9) trên người, với tinh thần chủ động, tích cực và khẩn trương, ngành y tế đã làm rất nhiều việc để tăng cường các nguồn lực cho công tác phòng và chống dịch.
Đến nay, hều hết các đơn vị trực thuộc ngành đã thành lập hoặc kiện toàn Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm. Các huyện Đình Lập, Bắc Sơn, Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn… đã thành lập Ban chỉ đạo cấp huyện. Mỗi bệnh viện thành lập từ 2-3 đội cơ động phòng chống dịch; nhiều đơn vị đã xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch cúm, tổ chức tập huấn về giám sát, chẩn đoán và điều trị cúm A (H7N9) cho cán bộ đơn vị mình và đơn vị tuyến dưới.
Công tác truyền thông được chú trọng, trong 3 ngày, từ 22-24/4, ngành đã phối hợp với Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe (GDSK) Trung ương tổ chức lớp tập huấn cho cán bộ lãnh đạo và cán bộ truyền thông các đơn vị trực thuộc. Trung tâm truyền thông GDSK tỉnh phối hợp chặt chẽ với Báo Lạng Sơn, Đài phát thành- truyền hình tỉnh chuyển tải các thông điệp phòng chống dịch trên các phương tiện thông tin đại chúng để mỗi người dân có hiểu biết và nhận thức đúng về tình hình dịch bệnh, có các biện pháp cần thiết để phòng tránh. Tại các cửa khẩu đã đẩy mạnh tuyên truyền về cúm A (H7N9) cho cán bộ và nhân dân và khách xuất nhập cảnh bằng các tờ rơi in bằng các thứ tiếng Việt, Trung Quốc, Anh…
Công tác tập huấn được tổ chức chu đáo từ các lớp do Trung tâm Y tế dự phòng tổ chức cho cán bộ cấp huyện, đến các lớp do Trung tâm Y tế các huyện tổ chức cho cán bộ y tế tuyến xã và nhân viên y tế thôn bản về cách nhận biết, tư vấn cho người nghi nhiễm cúm A (H5N1) và cúm A(H7N9).
Ông Hoàng Đình Hoàn, Giám đốc Sở Y tế kiểm tra máy dự phòng chống dịch H7N9 tại Phòng khám Đa khoa khu vực Đồng Đăng
Theo nhận định của Bộ Y tế, khả năng xảy ra dịch cúm A (H7N9) tại Việt Nam trước mắt là rất lớn. Do đặc điểm địa lý đặc thù của Lạng Sơn là địa phương có mật độ giao thương, đi lại lớn, có nhiều cửa khẩu quốc gia và quốc tế nên nguy cơ bùng phát H7N9 là rất cao. Vì vậy, ngay trong tháng 4/2013, ngành y tế đã chỉ đạo công tác lấy mẫu định kỳ tại điểm giám sát cúm trọng điểm quốc gia (thuộc dự án VAHIP) tại bệnh viện Cao Lộc, song chưa ghi nhận trường hợp dương tính với H7N9; phối hợp với Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương lấy 30 mẫu bệnh phẩm trên gia cầm và trên người buôn bán gia cầm tại các chợ trên địa bàn thành phố Lạng Sơn, kết quả không có mẫu nào dương tính với H7N9. Tại 5 cửa khẩu chính là Chi Ma, Cốc Nam, Tân Thanh, Hữu Nghị, ga Đồng Đăng, với trên 28.000 lượt khách nhập cảnh chỉ có 1 trường hợp sốt cao, được cách ly và chuyển về Viện Y học lâm sàng nhiệt đới chẩn đoán là viêm màng phổi có mủ, xét nghiệm âm tính với H7N9.
Đến nay, Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế đã mua các bloc cách ly di động đặt tại các cửa khẩu để có thể cách ly ngay trường hợp nghi nhiễm trước khi chuyển về phòng cách ly các phòng khám đa khoa. Tuyến điều trị chủ yếu của tỉnh có 2 khu cách ly: tại phòng khám đa khoa khu vực Đồng Đăng với 15 giường bệnh (khi cần có thể nâng lên tới 50 giường) cho các cửa khẩu Tân Thanh, Hữu Nghị, ga Đồng Đăng; tại Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Đa khoa tỉnh với 25 giường, có thể nâng lên đến 50 giường. Ngoài ra, ngành y tế còn chuẩn bị 11 khu cách ly và tuyến điều trị mở rộng tại bệnh viện lao và 10 bệnh viện huyện với quy mô từ 10-20 giường bệnh mỗi khu; chuẩn bị kế hoạch thiết lập bệnh viện dã chiến tuyến 2, bệnh viện dã chiến tuyến 3 khi cần thiết.
Công tác hậu cần phòng chống dịch được chuẩn bị chu đáo; sau 1 tháng chuẩn bị, đến ngày 3/5/2013, toàn tỉnh có thể huy động cho phòng chống dịch được 30 xe ô tô, 26 máy thở, 3 máy Xquang di động, hàng chục bộ máy theo dõi bệnh nhân, máy tạo ô xy, máy đo độ bão hòa ô xy, máy xét nghiệm, gần 4.800 kg và trên 80 ngàn viên CloraminB, 69 máy nổ, 53 máy phun hóa chất, trên 6000 khẩu trang và trên 4.600 bộ quần áo bảo hộ. Riêng thuốc Tamiflu đã có 2000 viên tại các bệnh viện tỉnh và huyện, ngoài ra còn có cơ số thuốc dự phòng đáp ứng tình hình khẩn cấp.
Minh Hồng
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()