SARS-CoV-2 biến thể sẽ gây ra làn sóng lây nhiễm dữ dội, khốc liệt hơn?
Theo mô hình dịch bệnh mới được Chính phủ Canada công bố, các biện pháp y tế công cộng hiện tại nhằm kiểm soát sự lây lan của dịch COVID-19 có thể sẽ không đủ để ngăn chặn các biến thể dễ lây lan hơn của virus SARS-CoV-2, khiến nước này có nguy cơ rơi vào làn sóng lây nhiễm thứ ba dữ dội và khốc liệt hơn trong mùa Xuân này.
Phóng viên TTXVN tại Canada dẫn thông báo từ Cơ quan y tế công cộng Canada cho biết các tỉnh và vùng lãnh thổ của nước này đang kiểm soát thành công làn sóng lây nhiễm thứ hai nhưng thành quả này có thể sớm “tan thành mây khói” khi các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 lây lan mạnh tại quốc gia Bắc Mỹ này.
Theo bà Theresa Tam, người đứng đầu cơ quan trên, việc dỡ bỏ các biện pháp y tế công cộng sẽ khiến dịch bệnh bùng nhanh và mạnh hơn.
Bà Theresa Tam đưa ra cảnh báo trên sau khi các tỉnh Quebec, Alberta và Manitoba dỡ bỏ các biện pháp hạn chế và cho phép nhiều doanh nghiệp mở cửa trở lại, trong khi tỉnh Ontario cũng nới lỏng các biện pháp bên ngoài khu vực đại đô thị Toronto.
Trong tuần qua, trung bình mỗi ngày Canada có thêm 2.886 ca nhiễm mới. Con số này có thể sẽ tăng lên thành 10.000 ca/ngày vào cuối tháng Ba nếu vẫn giữ nguyên các biện pháp hạn chế và vọt lên thành 20.000 ca/ngày nếu dỡ bỏ các biện pháp đang được áp dụng.
Hiện tại Canada đã có hơn 660 trường hợp nhiễm biến thể B.1.1.7 có nguồn gốc từ Anh vốn không chỉ có khả năng lây lan hơn mà còn khiến bệnh diễn tiến nặng hơn, có thể dẫn đến tử vong.
Theo thống kê, tính đến nay đại dịch COVID-19 đã lấy đi sinh mạng của 21.560 người ở Canada trong tổng số 839.603 người nhiễm bệnh.
Nhật Bản phát hiện biến thể mới
Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, Nhật Bản vừa phát hiện một biến thể mới của virus SARS-CoV-2 gây dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, có khả năng lây lan mạnh hơn so với các biến thể thông thường khác.
Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 19/2, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Katsunobu Kato cho biết biến thể mới được tìm thấy trong 91 ca mắc COVID-19 ở khu vực Kanto và 2 ca tại các sân bay.
Ông nói: “Biến thể mới có thể dễ lây lan hơn các biến thể thông thường và nếu biến thể này tiếp tục lây lan ở trong nước, nó sẽ dẫn tới sự gia tăng của các ca nhiễm mới”.
Theo Viện các bệnh truyền nhiễm quốc gia (NIID), có vẻ như biến thể mới mới có nguồn gốc từ nước ngoài nhưng nó lại không giống với các biến thể khác đã từng được phát hiện ở Nhật Bản. Biến thể mới có đột biến E484K trên protein gai nhọn của virus đã từng xuất hiện ở các biến thể khác và đột biến này có thể làm giảm tác dụng của vaccine.
Trước đó một ngày, nhóm nghiên cứu của Đại học Y và Nha khoa Tokyo thông báo họ đã phát hiện một biến thể mới của SARS-CoV-2 khác hẳn so với biến thể đang lây lan ở Anh và một số quốc gia khác.
Theo đài NHK, nhóm nghiên cứu đã thu thập và phân tích các mẫu bệnh phẩm từ các bệnh nhân COVID-19 tới khám ở bệnh viện của trường đại học này để xác định gen của virus.
Kết quả là họ đã phát hiện đột biến ở gen E484K trong virus SARS-CoV-2 tìm thấy trong các mẫu bệnh phẩm của ba bệnh nhân tới bệnh viện này khám trong giai đoạn từ cuối tháng 12 năm ngoái tới tháng 1 năm nay. Đáng chú ý, ba bệnh nhân trên chưa từng đi nước ngoài, và tất cả họ đều không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ.
Đột biến gen E484K được cho là có liên quan tới khả năng các kháng thể ngăn chặn các cuộc tấn công của virus. Các đột biến gen E484K tương tự cũng xuất hiện trong các biến thể đã được phát hiện ở Nam Phi và Brazil.
Đức cảnh báo nguy cơ dịch bùng phát mạnh trở lại
Chủ tịch Viện dịch tễ Đức Robert Koch (RKI) và Bộ trưởng Y tế liên bang Đức Jens Spahn bày tỏ quan ngại tình trạng gia tăng số ca lây nhiễm các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, cho rằng số ca nhiễm hiện nay vẫn ở mức “quá cao” và tình hình có thể nghiêm trọng trở lại trong vài tuần tới.
Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, phát biểu tại cuộc họp báo sáng 19/2, Chủ tịch Wieler cảnh báo Đức có thể đang ở thời điểm bước ngoặt khi số ca nhiễm mới dường như chững lại, nhưng tình trạng chững lại vẫn ở mức cao và bất kỳ sự nới lỏng bất cẩn nào sẽ đưa Đức trở lại giai đoạn trước đây với số ca nhiễm mới tăng cao. Thậm chí, ông còn cho rằng chỉ trong vài tuần nữa, số ca nhiễm mới có nguy cơ ở mức cao như thời điểm Giáng sinh năm ngoái.
Nguyên nhân là do biến thể virus SARS-CoV-2 phát hiện ở Anh đang lây lan nhanh chóng ở Đức, có thể khiến việc chống dịch trở nên khó khăn hơn. Dù các biện pháp hiện nay hiệu quả trong việc chống đại dịch cũng như các biến thể, ông Wieler vẫn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hạn chế tiếp xúc tối đa và đeo khẩu trang ở mọi nơi.
Theo ông, đại dịch sẽ còn diễn biến phức tạp, trong đó sẽ có nhiều người trẻ, thanh thiếu niên và trẻ em mắc bệnh. Chủ tịch RKI cũng cho rằng tiêm chủng là một công cụ hữu hiệu trong cuộc chiến chống COVID-19, đồng thời nhấn mạnh tất cả các loại vaccine hiện có ở Đức đều an toàn và hiệu quả, kể cả đối với những biến thể mới.
Trong khi đó, Bộ trưởng Y tế Spahn cũng nhấn mạnh tình hình dịch bệnh căng thẳng hiện nay khi số trường hợp mắc bệnh đang giảm nhưng số ca nhiễm biến thể mới lại gia tăng một cách đáng lo ngại. Ông cho rằng việc nới lỏng các biện pháp phong tỏa phải được thực hiện một cách thận trọng để không phải đánh đổi những thành tựu trong cuộc chiến chống COVID-19.
Bộ trưởng Spahn cũng bày tỏ hy vọng Đức có thể đẩy nhanh đáng kể tốc độ tiêm chủng trong những tuần tới. Cho tới nay, Đức đã tiêm được khoảng 5 triệu liều, trong khi nước này sẽ nhận thêm 10 triệu liều vào cuối tuần tới.
Ba Lan bắt đầu bước vào làn sóng lây nhiễm thứ 3
Cùng ngày, người phát ngôn Bộ Y tế Ba Lan Wojciech Andrusiewicz cho rằng nước này đang bắt đầu bước vào làn sóng lây nhiễm thứ 3 dịch COVID-19, khi số ca nhiễm mới ở nước này gia tăng theo tuần.
Cụ thể, số ca nhiễm mới theo tuần ở nước này hiện tăng tới 20%. Khoảng 10% số ca mắc COVID-19 tại Ba Lan nhiễm biến thể của virus SARS-CoV-2 phát hiện tại Anh.
Trong 24 giờ qua, nước này cũng đã ghi nhận thêm 8.777 ca mắc COVID-19 và 241 trường hợp tử vong, đưa tổng số ca mắc và tử vong lên lần lượt là 1.623.218 và 41.823.
Gần đây, Ba Lan đã nới lỏng một số hạn chế trong đó có mở lại các sân trượt tuyết cũng như tăng công suất phục vụ tại các rạp chiếu phim, khách sạn và nhà hát lên 50%. Tuy nhiên, Chính phủ Ba Lan cũng cảnh báo có thể áp đặt trở lại các biện pháp này tùy thuộc vào tình hình dịch bệnh.
Đại dịch COVID-19 sẽ chưa kết thúc cho tới khi thế giới được tiêm chủng
Phát biểu sau Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) được tổ chức theo hình thức trực tuyến ngày 19/2, Thủ tướng Đức Angela Merkel nhấn mạnh, bên cạnh việc hỗ trợ tài chính, Đức và các nước công nghiệp giàu có cần phải phân bổ lượng vaccine đã đặt mua cho các nước đang phát triển trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19.
Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, phát biểu sau khi hội nghị kết thúc, Thủ tướng Merkel cho biết vấn đề cơ bản là công bằng và thế giới chỉ có thể chiến thắng được đại dịch COVID-19 khi mọi người trên thế giới đã được tiêm chủng.
Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Đức cũng cho biết các nước G7 hiện vẫn chưa thảo luận tỷ lệ cụ thể kho vaccine của mỗi nước có thể phân bổ cho các nước nghèo.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Merkel cũng cho biết Đức sẽ tiếp tục hỗ trợ bổ sung 1,5 tỷ euro giúp các nước nghèo tiếp cận với vaccine phòng COVID-19. Khoản tài chính của Đức sẽ giúp hỗ trợ các chương trình như sáng kiến phân bổ vaccine COVAX và Chương trình Hợp tác Toàn cầu Tăng tốc tiếp cận các công cụ ứng phó với COVID-19 (ACT-A) trong việc phát triển, sản xuất và phân phối công bằng vaccine, thuốc điều trị, công cụ xét nghiệm, phương pháp điều trị và chẩn đoán trong cuộc chiến chống đại dịch toàn cầu.
Thủ tướng Merkel nhấn mạnh, với khoản tài chính bổ sung, Đức là một trong những nhà tài trợ lớn nhất cho cuộc chiến đẩy lui đại dịch COVID-19 khi tổng khoản cam kết của Đức lên tới 2,2 tỷ euro.
Liên quan tới chính quyền mới ở Mỹ, Thủ tướng Merkel nhấn mạnh sự chuyển đổi chính quyền ở Mỹ đã giúp củng cố chủ nghĩa đa phương khi tân Tổng thống Mỹ Joe Biden thúc đẩy hợp tác quốc tế.
Bà nhấn mạnh đại dịch COVID-19 đã cho thấy sự phụ thuộc mạnh mẽ vào nhau của các nước trên thế giới. Sáng kiến ACT-A cho đến nay đã cam kết được 10,3 tỷ USD, trong đó 7,5 tỷ USD là của các nước G-7.
Theo Thủ tướng Đức, các nước G7 cũng sẽ giải quyết vấn đề thúc đẩy phát triển kinh tế toàn cầu sau đại dịch một cách “tốt hơn và bền vững hơn”, cụ thể là việc củng cố các tổ chức quốc tế.
Liên quan vấn đề này, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cũng khẳng định những cuộc khủng hoảng quy mô toàn cầu như đại dịch COVID-19 cần phải được ứng phó với một câu trả lời toàn cầu và Chính phủ Đức chủ trương hướng tới một cách tiếp cận chung, đa phương, như sáng kiến ACT-A do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) điều phối.
Theo Bộ Hợp tác kinh tế và Phát triển liên bang Đức (BMZ), các nước giàu cho đến nay đã đảm bảo có được 2/3 tổng lượng vaccine toàn cầu, dù các nước này chỉ chiếm 16% dân số thế giới. Trước thềm Hội nghị thượng đỉnh G7, EU và Mỹ đã công bố viện trợ thêm hàng tỷ USD cho chương trình COVAX toàn cầu, trong đó Washington cam kết tương đương khoảng 3,3 tỷ euro, trong khi Brussels cam kết tăng gấp đôi khoản đóng góp lên một tỷ euro./.
Ý kiến ()