Sắp xếp lại nghề khai thác, sản xuất vôi hàu ở Lăng Cô
Vịnh Lăng Cô (Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế) là một trong 30 vịnh đẹp nhất thế giới đang bị ô nhiễm nặng khi hàng chục lò nung vôi hàu đêm ngày hoạt động. Hàng chục năm liền, các ban, ngành ở Thừa Thiên - Huế vẫn chưa tìm được lời giải khi lợi nhuận từ việc khai thác vôi hàu khá lớn, khiến người dân bất chấp mọi lệnh cấm.Đầm Lập An có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng, có tiềm năng khá lớn về hàu vôi. Hàu xen kẹp trong các lớp trầm tích và nằm ở độ sâu 5 m. Chất lượng hàu tốt đáp ứng được nhu cầu chế biến vôi, với trữ lượng 1,8 triệu tấn. Đầm Lập An là nơi duy nhất ở miền trung có thể khai thác và chế biến vôi hàu đáp ứng nhu cầu sử dụng khoảng hơn 100 tấn vôi/ngày cho các tỉnh từ Quảng Bình đến Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên. Những năm gần đây, vôi hàu ở Lăng Cô còn được xuất sang Lào, Thái-lan, Mi-an-ma... Từ năm 2000 đến nay, thay vì khai thác hàu bằng thủ công, người dân ồ...
Đầm Lập An có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng, có tiềm năng khá lớn về hàu vôi. Hàu xen kẹp trong các lớp trầm tích và nằm ở độ sâu 5 m. Chất lượng hàu tốt đáp ứng được nhu cầu chế biến vôi, với trữ lượng 1,8 triệu tấn. Đầm Lập An là nơi duy nhất ở miền trung có thể khai thác và chế biến vôi hàu đáp ứng nhu cầu sử dụng khoảng hơn 100 tấn vôi/ngày cho các tỉnh từ Quảng Bình đến Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên. Những năm gần đây, vôi hàu ở Lăng Cô còn được xuất sang Lào, Thái-lan, Mi-an-ma… Từ năm 2000 đến nay, thay vì khai thác hàu bằng thủ công, người dân ồ ạt sắm ghe, thuyền, máy móc hiện đại, trang bị các vòi hút để hút hàu làm vôi.
Chủ tịch UBND thị trấn Lăng Cô Trần Văn Giảng cho biết: Thôn Lập An hiện có hơn 300 lao động, chiếm gần 80% lực lượng lao động trong thôn chuyên xuống đầm khai thác, vận chuyển, buôn bán và nung vôi. Hiện nay, có 25 thuyền máy, 18 lò nung vôi hoạt động suốt ngày đêm, khiến bụi vôi bay mù mịt. Vì thu nhập khá cao khiến người dân bất chấp lệnh cấm, bất chấp sự ô nhiễm và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người lao động. Những chủ ghe thường có mức thu nhập khoảng 700 nghìn đến 1,2 triệu đồng/ngày.
Sản xuất vôi hàu theo kiểu ồ ạt không chỉ làm ô nhiễm nguồn nước, hủy hoại môi trường dân sinh mà còn 'bức tử' Vịnh Lăng Cô nghiêm trọng. Theo khảo sát của các nhà nghiên cứu về môi trường, hoạt động khai thác hàu vôi tác động đến môi trường nước ở đầm Lập An, gây xáo trộn vật chất của đáy đầm. Việc người dân dùng vòi rồng hút tới độ sâu từ 5 đến 7 m làm đảo lộn cấu trúc tầng đáy của đầm, gây xói lở, bồi lấp đầm không đều. Hơn nữa, lượng xăng dầu rò rỉ chảy tràn trên mặt đầm gây ô nhiễm mặt nước. Bốn mùa trong năm, cả một vùng đầm Lập An bị bao phủ bởi khói bụi trắng xóa từ các lò nung vôi hàu, ảnh hưởng lớn đến môi trường sinh thái, cảnh quan của khu du lịch, cũng như đời sống, sức khỏe của chính người dân nơi đây. Hàng chục chiếc thuyền máy hằng ngày đua nhau khai thác hết công suất, khu vực đầm Lập An, làm nước đầm đục ngầu, ảnh hưởng đến việc nuôi trồng thủy sản trong khu vực. Tình trạng khai thác tràn lan và sản xuất vôi hàu kéo dài dẫn đến nguy cơ chỉ vài ba năm nữa đầm Lập An sẽ mất trắng toàn bộ nguồn lợi thủy sản phong phú ở Lăng Cô.
Vấn đề ô nhiễm môi trường ở đầm Lập An đã được cảnh báo cách đây hơn bảy năm.
Theo Chủ tịch UBND huyện Phú Lộc Nguyễn Thanh Hà, từ năm 2004, UBND huyện đã có chỉ thị đình chỉ hoạt động các lò nung vôi hàu, thậm chí đã sử dụng các biện pháp cưỡng chế, tịch thu các phương tiện khai thác, đồng thời chuyển đổi ngành nghề cho người dân. Nhiều phương án như chuyển một số hộ sang kinh doanh buôn bán và giao đất để bà con trồng rừng, di dời những lò nung vôi sang phía bắc đèo Phú Gia… cũng đã được đặt ra nhưng đều không thực hiện được do thiếu kinh phí. Hơn nữa, phần lớn người dân thôn Lập An đều lớn tuổi, không có trình độ học vấn, rất ngại chuyển sang ngành nghề mới, do thu nhập từ khai thác vôi hàu lớn hơn các nghề khác khiến người dân không mặn mà chuyển nghề.
Mới đây, Sở Công thương tỉnh Thừa Thiên – Huế đã phối hợp với UBND huyện Phú Lộc, thị trấn Lăng Cô xây dựng Đề án hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề khai thác và sản xuất vôi hàu tại đầm Lập An. Theo đề án, để có thể chuyển đổi ngành nghề cho người dân ở đầm Lập An. Đề án kéo dài trong vòng 12 tháng, bắt đầu từ tháng 4-2011 với tổng kinh phí đầu tư hơn 7,4 tỷ đồng. Trong đó, hỗ trợ gần 2 tỷ đồng cho các chủ lò, chủ thuyền đã bỏ ra để mua thuyền máy và đầu tư xây dựng các lò nung vôi. Ngoài ra, sẽ đào tạo nghề miễn phí và được hỗ trợ một phần kinh phí cho 300 lao động đang làm việc tại các lò nung vôi và các thuyền khai thác hàu… Chính quyền địa phương phối hợp các sở, ban, ngành liên quan xây dựng các mô hình sản xuất, kinh doanh có hiệu quả để làm cơ sở nhân rộng mô hình, tiến tới chuyển đổi toàn bộ ngành nghề mới cho các hộ dân đang khai thác, sản xuất vôi hàu tại đầm Lập An. Trong đó, mô hình kinh tế trang trại, kinh tế hộ gia đình, nuôi trồng và đánh bắt thủy hải sản trên đầm phá, phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ… sẽ được thực hiện theo đề án nhằm làm phong phú ngành nghề, nhất là nghề nuôi trồng thủy sản và phát triển du lịch. Để thực hiện đề án, trước hết cần các chính sách ưu đãi khác như hỗ trợ về giáo dục và đào tạo, hỗ trợ về y tế, chính sách về hỗ trợ đất sản xuất, vay vốn để sản xuất, kinh doanh. Đồng thời hỗ trợ các gia đình lập kế hoạch sản xuất, kinh doanh cũng như thực hiện chính sách hỗ trợ về kỹ thuật.
Cuối năm 2010, phương án hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề khai thác sản xuất vôi hàu tại thị trấn Lăng Cô đã được họp bàn dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế Phan Ngọc Thọ. Đã thống nhất ý kiến tham gia của các ngành, địa phương trong việc hoàn thiện đề án. UBND tỉnh đã thống nhất: Cần phải chuyển đổi ngành nghề đối với các hộ gia đình tham gia khai thác, sản xuất vôi hàu nhằm bảo đảm cho họ có nghề nghiệp mới ổn định. Tỉnh đã giao UBND huyện Phú Lộc phối hợp các đơn vị tư vấn để nghiên cứu các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn việc hỗ trợ di dời các cơ sở sản xuất, kinh doanh chuyển đổi ngành nghề.
Theo Nhandan
Ý kiến ()