Sắp xếp, đổi mới hoạt động nông, lâm trường : Quản lý đất đai lỏng lẻo
Sau hơn 10 năm, kể từ khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 28 về tiếp tục đổi mới, sắp xếp và phát triển nông, lâm trường quốc doanh tháng 6-2003, hầu hết các nông, lâm trường đã được chuyển đổi thành các công ty TNHH MTV nông-lâm nghiệp, các công ty cổ phần (CP) hoặc Ban quản lý rừng.
Quá trình chuyển đổi, các nông, lâm trường đã rà soát, kiểm kê lại diện tích đất, đổi mới hình thức sản xuất, tinh giản biên chế, giải thể những đơn vị yếu kém. Một số đơn vị vươn lên trở thành điểm sáng về sản xuất. Nhưng nhìn chung, hiệu quả sản xuất của nông, lâm trường sau hơn 10 năm đổi mới còn rất khiêm tốn. Đáng lưu ý, do buông lỏng quản lý, tình trạng xâm lấn đất nông, lâm trường diễn ra phổ biến; tình trạng tranh chấp, khiếu kiện về đất đai kéo dài…
“Mượn đất lâm trường để… hoang”
Lâm trường Tân Lạc được thành lập theo Quyết định số 29 QĐ/UB ngày 31-10-1979 của UBND tỉnh Hà Sơn Bình. Ngày 15-6-2004, Lâm trường Tân Lạc được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) tỉnh Hòa Bình bàn giao về cho Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Hòa Bình. Sau khi được bàn giao, Lâm trường Tân Lạc có tên gọi là Chi nhánh Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Hòa Bình, có trách nhiệm quản lý và khai thác 2.000 ha đất. Ngày 11-9-2013, UBND tỉnh Hòa Bình chỉ đạo Chi nhánh Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Hòa Bình trả lại cho địa phương hơn 1.500 ha, giữ lại 557 ha để sản xuất.
Theo ông Kim Danh Hà, Phó Giám đốc Chi nhánh Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Hòa Bình, hoạt động sản xuất, kinh doanh của lâm trường chủ yếu là trồng, chăm sóc rừng nguyên liệu. Tuy nhiên, do chỉ có sáu cán bộ, quản lý hơn 557 ha ở địa bàn nhiều xã, cho nên tình trạng người dân địa phương lấn chiếm đất của lâm trường để sản xuất diễn ra khá gay gắt. Đến nay, đã có 93 ha đất bị người dân lấn chiếm, chủ yếu từ năm 2008, khi lâm trường thu hoạch rừng trồng, chưa kịp trồng lại thì người dân tự ý đem cây giống vào trồng.
Người dân xóm Nhót, xã Thanh Hối, huyện Tân Lạc đều cho rằng, diện tích đất mà người dân lấy của lâm trường là đất để hoang, không sử dụng. Xóm Nhót có khoảng 150 hộ dân, kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, đất sản xuất lại ít. Vì vậy, khi thấy đất của lâm trường để không, người dân đã lấn chiếm đất trồng rừng. Anh Bùi Văn Thắng ở xóm Nhót cho biết, gia đình anh có bốn người, nghề phụ không có, cả gia đình chỉ có hơn 1.000 m 2 đất nông nghiệp. “Năm 2008, thấy đất của lâm trường để không nên chúng tôi đem keo vào trồng để có thêm thu nhập. Gia đình tôi trồng được 3.000 m 2 , đã thu hoạch được một vụ keo, đủ tiền trang trải cuộc sống gia đình”. Gia đình chị Bùi Thị Ngư cũng lấy 3.000 m 2 đất của lâm trường. Theo giải thích của chị Ngư thì trước đây, đất là của người dân xóm Nhót cho lâm trường mượn. “Nên khi thấy lâm trường thu hoạch xong, để không đấy, chúng tôi lấy lại để trồng rừng. Cả bốn người trong gia đình tôi chỉ trông chờ vào 1.000 m 2 đất nông nghiệp, trong khi lâm trường có hàng trăm ha để không”.
Đáng buồn là tình trạng lấn chiếm, tranh chấp trên diện tích còn lại của Lâm trường Tân Lạc hiện vẫn không có hướng tháo gỡ. Theo UBND tỉnh Hòa Bình, thực hiện Nghị quyết 28 của Bộ Chính trị, tỉnh đã sáp nhập bảy lâm trường để thành lập Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Hòa Bình.
Ngày 24-10-2013, UBND tỉnh chỉ đạo ba lâm trường Lạc Sơn, Kim Bôi và Xí nghiệp lâm nghiệp Kỳ Sơn bàn giao hơn 6.400 ha đất cho địa phương, chỉ giữ lại hơn 4.800 ha đất phục vụ sản xuất. Theo Sở NN và PTNT, trong số diện tích bàn giao này, phần diện tích đất mà dân đang làm nhà và sản xuất sẽ được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Thu hoạch chè ở Nông trường Trần Phú (Yên Bái).
Gần trưa một ngày cuối năm 2013, chúng tôi có mặt tại trụ sở Lâm trường Yên Bình (huyện Yên Bình, Yên Bái). Tên của lâm trường giờ đã đổi thành Công ty TNHH MTV Yên Bình. Tên là Yên Bình, nhưng không khí của lâm trường đang hết sức nóng. Với khuôn mặt căng thẳng và giọng nói đầy bức xúc, Giám đốc Phạm Đăng Hân diễn giải: “Năm 2012, chúng tôi mới chính thức chuyển đổi mô hình lâm trường thành công ty. Nhưng gần hai năm qua, việc chuyển đổi này chỉ là hình thức “thay vỏ”. Lâm trường vẫn hoạt động hết sức khó khăn, lúc nào cũng ngập trong nợ. Giờ chúng tôi đang nợ hơn sáu tỷ đồng, trong đó hai phần ba là nợ ngân hàng quá hạn, một phần ba là nợ của các tổ chức và cá nhân khác. Chúng tôi cũng đang nợ lương công nhân gần nửa năm nay, rừng không còn tiền để trồng, dân thấy rừng không trồng thì thi nhau lấn chiếm…”.
Giữa lúc đồng chí giám đốc ngắt câu lấy hơi, chúng tôi mới hỏi chen được một câu: “Có đất, có nhân công, sao các anh không vay vốn ngân hàng để trồng rừng”. “Mười năm nay chúng tôi không vay nổi vốn ngân hàng, trong khi mỗi quý chúng tôi vẫn phải đóng hơn 100 triệu đồng bảo hiểm cho công nhân. Lý do không vay được vốn là do nợ cũ chưa trả được. Khi tôi lên làm giám đốc có các khoản nợ cũ này rồi” – Đồng chí giám đốc lý giải.
Vậy là mười năm qua, ngót 50 con người của lâm trường tự bươn chải trên những mảnh đồi gần 4.000 ha. Do thiếu vốn trồng rừng, lâm trường tổ chức cho công nhân và cả người dân nhận khoán. Nhưng công nhân không dám nhận vì không có tiền đầu tư, còn người dân thì áp dụng phương châm “không nhận khoán, chỉ lấn chiếm”. Hàng trăm hộ dân của năm xã và một thị trấn của huyện Yên Bình ồ ạt lấn chiếm, xây nhà, làm đường, phát rừng làm đất riêng. Tình trạng lấn chiếm, bán, chuyển nhượng đất lâm trường diễn ra ồ ạt. Sau khi chuyển đổi thành công ty, diện tích đất của lâm trường bị chiếm mất hơn một nửa, chỉ còn lại gần 1.400 ha. Tỉnh Yên Bái làm thủ tục thu hồi rồi cho lâm trường thuê gần 1.400 ha đất này, nhưng hiện 800 ha đất tiếp tục bị người dân lấn chiếm, lâm trường chỉ còn quản lý được khoảng 600 ha. Tranh chấp đất rừng ở Yên Bình thành điểm nóng kéo dài. Đỉnh điểm là mới đây, ông Hoàng Văn Kết thuộc thôn Ngòi Vồ, xã Tân Hương, sau khi mua được nhà của một công nhân về hưu đã tiến hành lấp cái ngầm nối đoạn đường độc đạo duy nhất vào đội sản xuất Tân Hương, lập ba-ri-e chắn đường, đòi thu phí các xe đi qua. Tháng 12-2013, đội Tân Hương có một khu rừng 3 ha đến tuổi khai thác. Lâm trường cho đấu thầu và bán với giá 180 triệu đồng, nhưng không đơn vị nào mua nổi vì gia đình ông Kết ngăn đường, đòi chồng đủ 30 triệu đồng mới cho xe chở gỗ đi qua. Thương lượng mãi, nhờ cả chính quyền và công an xã vào cuộc, ông Kết đồng ý nhận 15 triệu đồng để ô-tô được đi qua. Giám đốc Hân than thở: “Phát điên lên vì hành vi chiếm đoạt trắng trợn này mà chúng tôi không thể làm gì được. Hơn ba mươi năm gắn bó với đất rừng ở đây, giờ công việc chính của tôi là…. ra tòa. Hiện tượng kiện cáo về đòi đất diễn ra phổ biến. Chúng tôi như những đứa con bị cuộc đời bỏ rơi. Giờ, mục tiêu số một của lâm trường là giữ đất, cố gắng giao khoán hết đất cho công nhân để… nhẹ nợ”.
Theo tính toán của Giám đốc Phạm Đăng Hân, nếu có vốn, chỉ cần 1.000 ha đất trồng rừng, nếu đầu tư thâm canh tốt, trong đó mỗi năm trồng mới và khai thác 100 ha quay vòng, có thể đạt doanh thu cả chục tỷ đồng/năm.
Đồng chí Nguyễn Phúc Cường, Phó Giám đốc Sở NN và PTNT Yên Bái cho biết: Toàn tỉnh có chín lâm trường, trong đó mới chuyển đổi được bốn đơn vị thành công ty TNHH MTV, hai ban quản lý rừng phòng hộ và ba lâm trường chưa sắp xếp được. Quá trình sắp xếp, các lâm trường đã bàn giao gần 100 nghìn ha rừng, đất lâm nghiệp về cho địa phương quản lý và UBND tỉnh đã làm thủ tục cho bốn công ty TNHH thuê hơn 6.200 ha đất rừng. Tuy nhiên, ngay trong diện tích đất cho các công ty TNHH MTV thuê này hiện có thêm hơn 1.000 ha bị người dân lấn chiếm mà chưa có phương án giải quyết. Đối với ba lâm trường chưa chuyển đổi, tình hình còn bi đát hơn khi hai lâm trường Lục Yên và Văn Yên làm ăn thua lỗ liên tục, làm mất vốn chủ sở hữu, mất khả năng thanh toán công nợ. Lâm trường Văn Chấn hiện nay không có phương án sản xuất, kinh doanh. Sở NN và PTNN đang lập phương án giải thể ba lâm trường này.
Nhức nhối tình trạng tranh chấp đất
Phú Thọ có diện tích đất nông trường khá lớn với gần 37 nghìn ha. Tuy nhiên, thực tế diện tích đất sử dụng chỉ gần 20 nghìn ha. Năm 2010, tỉnh thành lập đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra ba huyện có diện tích đất nông, lâm trường lớn nhất tỉnh là Yên Lập, Thanh Sơn và Tân Sơn. Đoàn kiểm tra kiến nghị UBND tỉnh ra quyết định thu hồi gần 19 nghìn ha đất giao lại cho chính quyền địa phương. Nhưng sau đó, người dân tiếp tục lấn chiếm gần 2.500 ha. Trong tổng số mười đơn vị thì chín đơn vị có tranh chấp đất đai. Cụ thể, Lâm trường Tam Sơn sử dụng 5.464 ha, diện tích lấn chiếm 732,7 ha; Lâm trường Thanh Hòa sử dụng hơn 1.010 ha thì có 317 ha đang bị lấn chiếm, tranh chấp; Lâm trường Đoan Hùng sử dụng hơn 1.766 ha trong đó đất tranh chấp, lấn chiếm 450,23 ha; Lâm trường Tam Thắng sử dụng 2.442,3 ha, có gần 700 ha bị lấn chiếm…
Tại Lâm trường Tam Thắng (huyện Thanh Sơn), Phó Giám đốc phụ trách Phạm Hồng Thắng cho biết, sau khi chuyển đổi sang mô hình công ty, lâm trường sáp nhập vào Tổng công ty giấy Việt Nam, được hỗ trợ về vốn nên hoạt động sản xuất, trồng rừng rất thuận lợi, bảo đảm thu nhập cho công nhân đạt 4,1 triệu đồng/người/tháng. Vướng mắc lớn nhất là chuyện tranh chấp đất đai với người dân địa phương. Trước năm 2011, lâm trường quản lý hơn 4.500 ha đất, đã bàn giao lại hơn 1.400 ha cho chính quyền địa phương, còn lại hơn 3.100 ha, nhưng hiện có hơn 700 ha tiếp tục bị lấn chiếm. Lâm trường dự kiến tiếp tục trả lại diện tích này cho chính quyền địa phương, chỉ giữ lại hơn 2.200 ha, trong đó 1.300 ha để trồng rừng sản xuất. Trong buổi trao đổi với chúng tôi, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Thọ Vũ Văn Nhất cho biết, nguyên nhân sâu xa của những bất cập trên bắt nguồn từ việc cấp đất, giao đất rừng, đất ở nhiều nơi còn chồng chéo, việc xử lý tranh chấp, lấn chiếm đất không triệt để. Quá trình giao đất chưa có sự đánh giá, kiểm tra hiện trạng đất, hồ sơ đất thiếu chính xác, ranh giới sử dụng đất không rõ ràng. Một nguyên nhân khác là do lợi ích kinh tế. Do trồng rừng nguyên liệu giấy có lãi, người dân ra sức chiếm để tăng thu nhập. Bên cạnh đó, công tác quản lý, sử dụng đất của các lâm trường hết sức lỏng lẻo, tùy tiện trong giao khoán hoặc… để hoang không sử dụng.
Những năm qua, các cấp chính quyền tỉnh Phú Thọ đã kiểm tra, rà soát lại toàn bộ hiện trạng sử dụng đất của các nông, lâm trường (NLT), tổ chức hàng chục cuộc họp và đã có giải pháp thống nhất để giải quyết những tranh chấp đất đai tại các NLT là trả lại diện tích đang bị người dân lấn chiếm và những diện tích canh tác không hiệu quả về địa phương.
Theo tài liệu của Bộ Tài nguyên và Môi trường tham mưu để Chính phủ báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII thì đến tháng 6-2013 tại các NLT, vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, tình trạng vi phạm Luật Đất đai diễn ra hết sức nóng bỏng với diện tích cho thuê, mượn, chuyển nhượng trái pháp luật lên đến hơn 14.600 ha đất; hơn 78 nghìn ha bị người dân lấn chiếm, xảy ra tranh chấp chưa được giải quyết và hơn 428 nghìn ha chưa sử dụng hoặc sử dụng vào mục đích khác. Mặc dù số liệu về quản lý đất tại các NLT giữa các cơ quan chức năng chưa đồng nhất nhưng có thể thấy rõ tình trạng phần lớn các NLT hiện nay sử dụng đất kém hiệu quả. Vi phạm Luật Đất đai trong các NLT quá nhiều, kéo dài nhiều năm nhưng chậm giải quyết, nhất là ở khu vực Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ. Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng cho các loại đất của các NLT chậm, gây khó khăn cho quá trình sắp xếp, đổi mới. Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, đến nay, cả nước mới cấp được gần 3.000 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các NLT, Ban quản lý rừng cho hơn hai triệu ha, chiếm chưa đầy 30% tổng diện tích đã được giao.
Cùng với tình trạng quản lý đất đai hỗn loạn, sản xuất của nhiều NLT đang hết sức khó khăn khiến đời sống công nhân vất vả, thu nhập thấp ngay trên những cánh đồng, khu rừng phì nhiêu…
(Còn nữa)
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, tính đến hết năm 2012, cả nước có 653 nông, lâm trường, ban quản lý rừng và khu bảo tồn, vườn quốc gia đang quản lý, sử dụng gần tám triệu ha đất; trong đó đất nông nghiệp chiếm gần 96%. Thực hiện Nghị quyết số 28 của Bộ Chính trị, cả nước có 442 đơn vị tiến hành rà soát, sắp xếp, giải thể 40 đơn vị. Tổng diện tích đất của các nông, lâm trường sau khi sắp xếp hiện còn hơn bốn triệu ha và đã chuyển hơn 531 nghìn ha về địa phương quản lý.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()