Sắp xếp, đổi mới các nông, lâm trường quốc doanh ở Phú Thọ
Sản xuất cây giống cho ngành lâm nghiệp ở huyện Phù Ninh (Phú Thọ). Sau tám năm triển khai Nghị quyết 28-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị định 200/2004/NĐ-CP của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới nông, lâm trường quốc doanh đến nay đã đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, hiện vẫn còn tồn tại tình trạng buông lỏng và quản lý đất đai kém hiệu quả, lãng phí ở một số nơi. Việc giao khoán đất cho người lao động chưa thực hiện tốt đã làm cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp nông, lâm nghiệp (DNNLN) gặp nhiều khó khăn, thậm chí gây ảnh hưởng xấu tình hình an ninh trật tự ở địa phương...Nút thắt cần tháo gỡTheo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khi thực hiện sắp xếp, các nông trường quốc doanh quản lý gần 524 nghìn ha, trong đó có 402 nghìn ha đất nông nghiệp; các lâm trường quốc doanh quản lý gần 4,1 triệu ha, trong đó có 3,9 triệu ha đất lâm nghiệp. Sau khi sắp xếp lại và tiếp tục thực hiện rà soát lại đất...
Sản xuất cây giống cho ngành lâm nghiệp ở huyện Phù Ninh (Phú Thọ). |
Nút thắt cần tháo gỡ
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khi thực hiện sắp xếp, các nông trường quốc doanh quản lý gần 524 nghìn ha, trong đó có 402 nghìn ha đất nông nghiệp; các lâm trường quốc doanh quản lý gần 4,1 triệu ha, trong đó có 3,9 triệu ha đất lâm nghiệp. Sau khi sắp xếp lại và tiếp tục thực hiện rà soát lại đất đai, tổng diện tích các DNNLN quản lý, sử dụng tới thời điểm hiện nay là 3.746.530,98 ha. Các DNNLN đã có những chuyển biến bước đầu trong quản lý, sử dụng đất, trong đó có việc bóc tách được những diện tích đất không sử dụng, sử dụng sai mục đích để chuyển giao về địa phương quản lý sử dụng. Tuy nhiên, rừng do các nông, lâm trường (NLT) quản lý vẫn tiếp tục bị phá, đất đai bị xâm lấn chưa được xử lý triệt để.
Mặc dù Chính phủ chỉ đạo rốt ráo, nhưng đến nay, việc thu hồi đất sản xuất của các NLT quốc doanh đã giải thể chưa được giải quyết dứt điểm. Rất ít địa phương triển khai đo đạc, xác định ranh giới, quy hoạch sử dụng và thực hiện giao đất, cho thuê đất đối với các DNNLN. Các doanh nghiệp được giao đất, nhưng chưa xác lập được quyền sử dụng đất, nên không thực hiện được đầy đủ các quyền về đất đai. Một số đơn vị được giao diện tích đất lớn, nhưng thiếu vốn đầu tư, năng lực tổ chức sản xuất yếu kém, nên chưa phát huy được hiệu quả sử dụng đất. Một số nơi mặc dù các NLT đã được tổ chức, sắp xếp lại nhưng chưa thực hiện thuê đất theo quy định. Nhiều DNNLN không triển khai được cổ phần hóa do tồn tại về tài chính, đất đai, nhất là vướng mắc trong việc xác định giá trị tài sản trên đất, giá trị quyền sử dụng đất và phương án quy hoạch sử dụng đất. Một số địa phương đã xảy ra tranh chấp giữa người nhận khoán và doanh nghiệp. Việc tự tổ chức sản xuất của một số DNNLN chưa thật sự phù hợp năng lực hiện có của doanh nghiệp, không ít nơi đất sản xuất để hoang hóa hoặc sử dụng kém hiệu quả.
Quản lý hài hòa với lợi ích người dân
Về cơ bản, đất rừng ngày càng quý và có giá trị cao nếu được khai thác tốt. Có đến thăm những gia đình công nhân của Công ty lâm nghiệp Yên Lập (Phú Thọ) mới thấy giá trị của rừng và hiệu quả của việc xã hội hóa trồng rừng. Chúng tôi thật sự ngạc nhiên khi đứng trước ngôi nhà hai tầng khang trang, trị giá gần 300 triệu đồng của vợ chồng chị Vi Thị Xuân Hương, công nhân của công ty. Kết quả này là công sức 24 năm chị Hương công tác ở lâm trường. Hiện nay, chị đang cùng với chồng nhận khoán cả chu kỳ 28 ha, thu nhập từ trồng rừng, bảo vệ rừng và hoạt động sản xuất khác đem lại cho gia đình chị cuộc sống ổn định. Gần đó, gia đình anh Hoàng Bảng Quế và vợ Trần Thị Hà cũng mới khánh thành ngôi nhà trị giá khoảng 400 triệu đồng từ làm rừng. Ở đội sản xuất của chị Hương, anh Quế, phần lớn anh em xây được nhà, có thu nhập ổn định từ trồng và bảo vệ rừng nguyên liệu giấy.
Cũng như nhiều địa phương khác, sau tám năm sắp xếp, đổi mới các NLT, tỉnh Phú Thọ đã đạt được nhiều kết quả tốt. Song, bên cạnh đó vẫn còn những hạn chế, tồn tại. Việc đổi mới mô hình tổ chức và cơ chế hoạt động, tăng cường hiệu quả sản xuất, kinh doanh của DNNLN vẫn đang là yêu cầu cấp bách hiện nay.
Tỉnh Phú Thọ hiện có 19 DNNLT đang sử dụng hơn 38 nghìn ha đất có nguồn gốc NLT. Trong đó, diện tích đất sử dụng kém hiệu quả, đang tranh chấp, bị lấn chiếm và cấp trùng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) của bảy DNNLN lên tới 19 nghìn ha, chiếm 50% tổng diện tích các DNNLN được giao quản lý. Trên địa bàn các huyện Yên Lập, Thanh Sơn, Tân Sơn đã xảy ra một số vụ nhiều người dân chặt phá cây rừng của các công ty lâm nghiệp, ngăn cản không cho công ty trồng, thu hoạch rừng.
Nhận thấy mấu chốt để giải quyết tận gốc vấn đề là đất đai, từ năm 2009 đến nay, tỉnh đã tiến hành kiểm tra, rà soát lại toàn bộ hiện trạng sử dụng đất của các DNNLN. Kết quả là tỉnh đã khoanh vùng được 19.288 ha đất không có khả năng trồng rừng, đất cho mượn làm nhà ở, đất bị thiếu hụt do không có ngoài thực tế và diện tích xảy ra tranh chấp, lấn chiếm. Đến nay, hơn 8.000 ha đã có quyết định thu hồi, giao lại cho địa phương quản lý.
Rõ ràng, nếu duy trì rừng sản xuất quy mô lớn, thì đời sống của người lao động sẽ được bảo đảm hơn. Khó khăn nhất là làm thế nào vừa giữ được rừng, vừa nâng cao đời sống cho người lao động tại địa phương. Tránh tình trạng phát triển được cây lương thực xóa đói nhưng phải chấp nhận mất rừng. Đối với các hộ dân tộc thiểu số định cư trong các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên thì khó có thể tách họ khỏi rừng, vì họ sẽ phải thay đổi tập quán canh tác bao nhiêu đời nay. Vậy nên, phương án sử dụng chính cộng đồng bản địa để phát triển, bảo vệ rừng là việc cần duy trì, miễn sao thu nhập từ rừng đem lại cuộc sống ổn định cho họ.
Theo Nhandan
Ý kiến ()