Sáp nhập trường học: Hiệu quả ở Văn Quan
(LSO) – Thời gian qua, việc thực hiện đề án sắp xếp mạng lưới trường, lớp học trên địa bàn huyện Văn Quan đã đạt được kết quả tích cực.
Năm học 2016 – 2017, Trường Tiểu học xã Song Giang và Trường THCS xã Song Giang được sáp nhập thành trường liên cấp với tên gọi là Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học – THCS xã Song Giang. Đây là trường thực hiện việc sáp nhập đầu tiên trên địa bàn huyện Văn Quan. Cô Lương Thị Oanh, hiệu trưởng nhà trường cho biết: Song Giang là xã khó khăn, địa bàn rộng, trong khi dân cư lại ít nên khi sáp nhập đã mang lại những thuận lợi cho học sinh và phụ huynh, bởi các em được Nhà nước hỗ trợ bán trú. Đặc biệt, việc sáp nhập đã thể hiện rõ những mặt tích cực như: tinh giản được biên chế (giảm 1 cán bộ quản lý); giáo viên không phải đi các điểm trường xa để dạy, trang thiết bị tập trung, đầy đủ hơn. Các hoạt động phong trào của nhà trường được nâng lên.
Học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học – THCS xã Song Giang trong giờ học
Còn ở Trường Tiểu học xã Văn An và Trường THCS xã Văn An, đầu năm 2017 được sáp nhập thành 1 trường với tên gọi là Trường Tiểu học – THCS xã Văn An. Sau khi sáp nhập, nhà trường đã giảm được 1 cán bộ quản lý, 2 giáo viên và 3 nhân viên hành chính. Thầy giáo Lý Văn Luận, hiệu trưởng nhà trường cho biết: Qua sáp nhập, cùng với tinh giản biên chế, nhà trường đã tận dụng được trang thiết bị dạy học để phục vụ giảng dạy chung, khai thác, phát huy tối đa hiệu quả việc sử dụng trang thiết bị, đồ dùng dạy học hiện có, từ đó khắc phục tình trạng thừa, thiếu phòng học giữa các cấp học.
Thực hiện đề án sắp xếp, điều chỉnh quy hoạch mạng lưới trường, lớp học trên địa bàn, theo lộ trình đến năm 2021, toàn huyện sẽ tiến hành sáp nhập 24 trường học thành 12 trường. Theo báo cáo của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, đến nay, huyện đã sắp xếp lại 8 trường tiểu học và 8 trường THCS, sáp nhập lại thành 8 cặp trường tiểu học – THCS và dồn 2 trường tiểu học lại thành 1 trường tiểu học (giảm được 9 trường học). Ngoài ra, còn giảm được 10 điểm trường lẻ cấp mầm non, tiểu học về học tại điểm trường chính, tạo thuận lợi cho công tác giảng dạy, học tập của giáo viên và học sinh. Đồng thời, tinh giản được 26 biên chế.
Bà Lành Thị Huệ, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Văn Quan cho biết: Những điểm trường sáp nhập phần lớn đều có quy mô nhỏ, ít học sinh, sau khi sáp nhập giúp các trường tận dụng, khai thác, phát huy tối đa hiệu quả việc sử dụng trang thiết bị, đồ dùng dạy học hiện có, từ đó khắc phục tình trạng thừa, thiếu phòng học giữa các cấp học trong cùng một địa bàn. Cùng đó, đối với học sinh ở điểm trường lẻ khi dồn về điểm trường chính, học sinh được hưởng lợi vì được học đầy đủ các môn học (điểm trường lẻ không có môn tiếng Anh), nhiều em được hưởng chế độ bán trú.
Để việc sáp nhập trường diễn ra thuận lợi, trong quá trình tổ chức, nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu được ngành giáo dục huyện quan tâm thực hiện là ổn định tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên các trường khi sáp nhập. Từ đó, phòng đã chỉ đạo ban giám hiệu phối hợp chặt chẽ với ban chấp hành công đoàn các trường tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, giáo viên, nhân viên sau khi sáp nhập, từ đó bàn bạc, thống nhất các biện pháp tháo gỡ, tạo sự đoàn kết, nhất trí cao, môi trường ứng xử thân thiện trong nhà trường.
Nhờ thực hiện tốt các giải pháp trước, trong và sau khi sáp nhập nên sau hơn 1 năm sáp nhập, các nhà trường đều hoạt động ổn định, đảm bảo việc huy động trẻ ra lớp, duy trì tốt sĩ số học sinh. Trong năm học 2017 – 2018, đối với cấp tiểu học, tỉ lệ trẻ 6 tuổi ra lớp đạt 99,9%; duy trì sĩ số đạt 100%. Cấp THCS, trẻ 11 tuổi vào lớp 6 đạt 100%; tỉ lệ duy trì sĩ số đạt 99,8%. Chất lượng giáo dục được duy trì với 99,6% học sinh tiểu học hoàn thành chương trình lớp học; 100% học sinh tốt nghiệp THCS.
Ý kiến ()