Sáp nhập trường học: Giảm cồng kềnh, tăng hiệu quả
(LSO) – Sau 2 năm thực hiện việc sắp xếp, sáp nhập các trường học trên địa bàn tỉnh, ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) tỉnh đang từng bước tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.
Giáo viên, học sinh Trường Tiểu học và THCS xã Quan Bản, huyện Lộc Bình trong giờ thể dục
Bộ máy tinh gọn
Năm 2016, huyện Lộc Bình có 93 trường mầm non, tiểu học, THCS. Sau 2 năm tiến hành sắp xếp, sáp nhập các đơn vị trường, đến nay, toàn huyện còn 87 trường, giảm 6 trường. Không chỉ giảm đầu mối, toàn huyện còn giảm cơ số biên chế cán bộ, giáo viên, nhân viên (CBGVNV) và đã kịp thời bố trí, sắp xếp đội ngũ này đến công tác tại các trường còn thiếu.
Cụ thể, huyện đã bố trí 12 cán bộ quản lý, 8 – 10 giáo viên các môn: mỹ thuật, âm nhạc, tiếng Anh, thể dục và 12 nhân viên: kế toán, thư viện, thiết bị trường học dôi dư đến các trường khác. Ông Chu Mạnh Dũng, Phó Trưởng Phòng GD&ĐT huyện cho biết: Cái được lớn nhất của việc sau sáp nhập là bộ máy trường học được tinh gọn giúp công tác quản lý của phòng tập trung, hiệu quả hơn. Cùng đó, huyện cũng giải quyết được vấn đề thiếu CBGVNV. Ngân sách nhà nước chi cho bộ máy, trả lương cán bộ đương nhiên giảm và tiết kiệm hơn. Lộc Bình phấn đấu sáp nhập thêm 4 cặp trường để số trường chỉ còn 83 đơn vị vào năm 2020.
Theo số liệu của Sở GD&ĐT, từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh có 38 cặp trường được sáp nhập thành trường liên cấp hoặc cùng cấp Từ việc sáp nhập này, năm học 2016 – 2017, toàn tỉnh có 708 trường mầm non, tiểu học, THCS, tiểu học và THCS thì nay giảm xuống còn 685 trường.
Ông Trần Quốc Tuấn, Giám đốc Sở GD&ĐT khẳng định: Việc sắp xếp các đơn vị trường đảm bảo bộ máy trường học tại Lạng Sơn tinh gọn, hoạt động theo hướng chuyên nghiệp hơn mà vẫn đáp ứng được nhu cầu học tập của học sinh. Sau sáp nhập, ngành đã giải quyết đáng kể việc thiếu CBGVNV bởi đã bố trí kịp thời số lượng CBGVNV dôi dư đến trường khác công tác. Từ năm 2016 đến nay, ngành đã bố trí, chuyển công tác 1.356 CBGVNV dôi dư sau sáp nhập đến các trường khác cùng cấp học hoặc cấp học dưới.
Nâng chất lượng giáo dục
Đầu năm học 2017 – 2018, Trường Tiểu học xã Hữu Khánh sáp nhập với Trường THCS xã Hữu Khánh thành Trường Tiểu học và THCS xã Hữu Khánh. Sau hơn 1 năm sáp nhập, bộ máy tổ chức, nhân sự của trường không chỉ tinh gọn (giảm 1 chi bộ, 1 tổ chức công đoàn, 2 cán bộ quản lý và 8 giáo viên, nhân viên) mà chất lượng giáo dục cũng được nâng lên. Anh Lành Văn Thọ, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS xã Hữu Khánh cho biết: Năm học 2017 – 2018, trường tăng 2% học sinh giỏi so với năm học trước. Đặc biệt, tỷ lệ học sinh thi lại và lưu ban không còn, trong khi đó, năm học 2016 – 2017, tỷ lệ này là 1,5%.
Ngoài đơn vị trên, chất lượng giáo dục trong số 38 cặp trường sau sáp nhập cũng nâng lên đáng kể. Cụ thể trong chương trình giáo dục tiểu học, năm học 2017 – 2018, số học sinh hoàn thành chương trình lớp học đạt 99,56%, tăng 0,24%: học sinh được khen thưởng đạt 64,1%, tăng 0,5% so với năm học 2016 – 2017. Về giáo dục THCS, năm học 2017 – 2018, học sinh giỏi chiếm 20,5%, tăng 0,5%; khá chiếm 45%, tăng 1,1%; trung bình chiếm 33,9%, giảm 1,4%.
Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết thêm: Thời gian tới, ngành tiếp tục rà soát, sắp xếp mạng lưới trường, lớp học; phấn đấu từ nay đến năm 2020 sáp nhập thêm 41 cặp trường. Việc sáp nhập sẽ không chạy theo số lượng mà tập trung đảm bảo chất lượng; tiếp tục bố trí đội ngũ CBGVNV đảm bảo đúng cơ cấu, định mức biên chế quy định theo từng cấp học sao cho phù hợp với điều kiện, đặc điểm của từng đơn vị, trường học. Song song với đó, sở chỉ đạo phòng GD&ĐT các huyện yêu cầu các trường làm tốt công tác tư tưởng để CBGVNV yên tâm công tác.
Ý kiến ()