Sáp nhập trung tâm dân số huyện, thành phố vào Trung tâm y tế: Tinh bộ máy, nâng hiệu quả
(LSO) – Trước yêu cầu thực tiễn cần phải tiếp tục đổi mới mô hình tổ chức, bộ máy nhằm nâng cao hiệu lực quản lý và hiệu quả hoạt động của các cơ quan tổ chức, sử dụng nguồn lực một cách hợp lý, ngày 6/9/2018, UBND tỉnh ban hành Quyết định 1731/QĐ-UBND về việc sáp nhập Trung tâm Dân số – Kế hoạch hóa gia đình (TTDS-KHHGĐ) vào Trung tâm y tế (TTYT) các huyện, thành phố. Đây là chủ trương đúng đắn, góp phần khai thác tối đa hiệu quả của nguồn nhân lực và trang thiết bị, thúc đẩy hoạt động y tế, dân số trên địa bàn.
Hiện trên toàn tỉnh có 11 TTDS – KHHGĐ với 70 cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đang làm việc tại các trung tâm, có 226 người là cán bộ chuyên trách dân số – KHHGĐ làm việc tại xã, phường, thị trấn và khoảng 2.700 cộng tác viên dân số ở các thôn bản. Theo Quyết định 1731/QĐ-UBND ngày 6/9/2018 của UBND tỉnh và Hướng dẫn số 159/HD-SYT ngày 10/9/2018 của Sở Y tế, sau khi sáp nhập TTDS-KHHGĐ vào TTYT các huyện, thành phố, toàn tỉnh sẽ thống nhất một mô hình, đó là TTYT, bao gồm 5 phòng và 15 khoa. TTDS-KHHGĐ trở thành Phòng Dân số trực thuộc TTYT huyện, thành phố. Theo đó, tất cả cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ dân số trước đây sau khi sáp nhập sẽ giữ nguyên trạng, chế độ lương bổng, phụ cấp không thay đổi. Riêng các lãnh đạo của TTDS – KHHGĐ được bổ nhiệm làm trưởng phòng dân số, trực thuộc các TTYT huyện, thành phố.
Cán bộ phụ trách dân số xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng tuyên truyền các chính sách về Dân số – KHHGĐ, sức khỏe sinh sản cho nhân dân
Sau khi sáp nhập, bộ máy tổ chức được tinh gọn, giảm được 11 đầu mối đơn vị y tế tại tuyến huyện, hệ thống y tế tuyến huyện chỉ còn một đầu mối là TTYT, thực hiện nhiệm vụ đa chức năng, bao gồm: y tế dự phòng, khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng, dân số và các nhiệm vụ khác của ngành y tế. Bên cạnh đó, giảm được 11 lãnh đạo TTDS huyện, thành phố bao gồm: 4 giám đốc và 8 phó giám đốc.
Ông Lương Văn Tiến, Trưởng Phòng Tổ chức cán bộ, Sở Y tế cho biết: “Mục tiêu của việc sáp nhập TTDS vào TTYT huyện chính là đổi mới, hoàn thiện hệ thống y tế theo hướng tinh gọn, bảo đảm sự chỉ đạo thống nhất xuyên suốt về chuyên môn, nghiệp vụ. Nhất là công tác dân số hiện nay đang đứng trước yêu cầu và nhiệm vụ mới. Vì vậy, ngành y tế đang tiếp tục chỉ đạo sát sao, nắm bắt tình hình, phát hiện những vướng mắc, khó khăn để tháo gỡ kịp thời trong quá trình sáp nhập”.
Với việc giữ nguyên trạng bộ máy làm công tác dân số sau khi sáp nhập, công tác y tế, dân số hỗ trợ nhau tốt hơn. Đơn cử như sự phối hợp giữa y tế và dân số sẽ hỗ trợ tốt cho nhau trong việc triển khai hiệu quả đề án sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh để tầm soát, phát hiện sớm một số dị tật, bệnh bẩm sinh ở trẻ. Còn y tế hỗ trợ cho công tác dân số trong việc tăng cường bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, giảm tỷ lệ bệnh tật, giảm tỷ lệ tử vong, tăng tuổi thọ và số năm trung bình sống khỏe mạnh cũng như thực hiện tốt các chương trình, biện pháp nâng cao tầm vóc, thể lực cho nhân dân…
Ông Nguyễn Quang Bằng, Phó Chi Cục trưởng, phụ trách Chi Cục Dân số – KHHGĐ tỉnh cho biết: “Chúng tôi xác định dân số là một trong những đơn vị của ngành y tế, việc sáp nhập 2 đơn vị trên càng giúp cho y tế, dân số thành một khối vững chắc hơn, từ đó hỗ trợ lẫn nhau góp phần nâng cao chất lượng dân số trong tỉnh. Khi triển khai thực hiện, chúng tôi xác định phải làm tốt công tác tuyên truyền, bán sát đề án và kế hoạch của UBND tỉnh, hướng dẫn của Sở Y tế để đảm bảo sáp nhập đúng lộ trình, tiến độ thời gian.”
Để hoàn thành những mục tiêu mà Đảng, Nhà nước, Bộ Y tế đề ra, đòi hỏi bộ máy làm công tác dân số phải sớm ổn định, kiện toàn. Đồng thời, ngành y tế đang tiếp tục chỉ đạo sát sao, nắm bắt tình hình để phát huy hiệu quả hoạt động của các đơn vị, phát hiện những vướng mắc, khó khăn để tháo gỡ kịp thời, góp phần thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.
TRIỆU THÀNH
Ý kiến ()