Thông tin sáp nhập các tỉnh, thành: Cẩn trọng với tin giả
- Những ngày gần đây, trên mạng xã hội lan truyền nhiều thông tin về danh sách sáp nhập 63 tỉnh, thành gây xôn xao dư luận.

Theo cơ quan chức năng, các thông tin đang lan truyền này là tin giả, người dân cần cẩn trọng khi tiếp nhận và chia sẻ thông tin.
Nhiễu loạn thông tin
Ngày 1/3, Phòng an ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Hòa Bình làm việc với chị B.T.H. (ngụ thị trấn Ba Hàng Đồi, huyện Lạc Thủy) để làm rõ về hành vi sử dụng tài khoản cá nhân trên mạng xã hội đăng tải thông tin sai sự thật về việc sáp nhập tỉnh, thành phố trên cả nước. Trước đó, chị H. đã dùng tài khoản Facebook của mình, đăng tải thông tin sai sự thật với nội dung "Chính thức - Sau một thời gian tham khảo, sáng nay Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp, đã đi đến thống nhất về sáp nhập các tỉnh, thành phố". Chị H. cũng chia sẻ thông tin chi tiết việc sáp nhập từ 63 tỉnh, thành còn 31 tỉnh, thành. Hiện Phòng an ninh chính trị nội bộ Công an tỉnh Hòa Bình đang củng cố hồ sơ để xử lý theo quy định của pháp luật.
Hoặc mới đây, Công an tỉnh Nghệ An đã ra quyết định xử phạt hành chính 2 trường hợp (mỗi trường hợp 5 triệu đồng) đăng thông tin sai sự thật về việc sắp xếp, sáp nhập tỉnh, thành trên cả nước. Quá trình làm việc với cơ quan công an, 2 cá nhân này thừa nhận toàn bộ hành vi vi phạm, mặc dù thông tin chưa kiểm chứng nhưng đã đăng tải trên Facebook cá nhân nhằm thu hút sự chú ý, tăng lượng tương tác.
Trên đây là một số trường hợp đăng thông tin sai sự thật về việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh đã bị cơ quan công an một số tỉnh, thành phát hiện, xử lý nghiêm theo quy định. Tại Lạng Sơn, mặc dù cơ quan chức năng chưa phát hiện trường hợp nào có hành vi vi phạm nhưng trong thực tế, các thông tin này đã và đang được tiếp tục được lan truyền trên các trang mạng xã hội gây xôn xao dư luận những ngày qua.
Cụ thể, nhiều tài khoản cá nhân, trang Fanpage và hội nhóm trên mạng xã hội (Facebook, Tiktok, Youtube, Zalo…) đăng tải, chia sẻ thông tin bài viết, video clip về việc sáp nhập tỉnh, thành chưa được kiểm chứng. Nhiều tài khoản, trang cá nhân đăng bài, clip với những tiêu đề “câu like”, "câu view" kiểu như: “Chính thức - sáng nay Quốc hội thống nhất sáp nhập 63 tỉnh thành còn 31 tỉnh thành”; “31 tỉnh thành của Việt Nam sau khi sáp nhập”…
Đăng kèm các bài viết này là các hình ảnh về các kỳ họp Quốc hội, hình ảnh lãnh đạo Đảng, Nhà nước phát biểu trong các cuộc họp của trung ương; danh sách các tỉnh, thành của Việt Nam theo vùng miền và dân số, diện tích… nhằm tạo cảm giác thông tin là thật để thu hút nhiều lượt theo dõi và dẫn dắt dư luận theo hướng sai lệch.
Chị Đào Thị Thúy, phường Hoàng Văn Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn cho biết: Tôi có dùng mạng xã hội Facebook, Tiktok và Zalo để theo dõi thông tin và giải trí. Những ngày gần đây, trên các trang mạng tôi thấy có nhiều thông tin về sáp nhập các tỉnh, thành phố trong nước. Trong đó có thông tin Lạng Sơn sáp nhập với tỉnh Bắc Giang hoặc Lạng Sơn sáp nhập với tỉnh Cao Bằng… Tôi không biết thông tin nào là chính xác nên cũng rất lo lắng. Các tỉnh trong đó có Lạng Sơn sẽ sáp nhập với các tỉnh lân cận thì sẽ ra sao, có thay đổi gì đến sinh hoạt của người dân không.
Tăng cường định hướng dư luận
Thượng tá Nguyễn Minh Phong, Phó Trưởng Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an tỉnh Lạng Sơn) khẳng định: Gần đây, thông tin về sáp nhập, tinh gọn bộ máy, nhất là về sáp nhập các tỉnh, thành đang trở thành chủ đề được xã hội đặc biệt quan tâm, thảo luận rộng rãi trên khắp các diễn đàn, mạng xã hội. Các trường hợp này đăng tải thông tin với mục đích tăng lượt tương tác hoặc muốn chứng tỏ mình là người biết thông tin trước. Một số trường hợp do thiếu hiểu biết nên không kiểm chứng mà vô tư đăng tải, chia sẻ thông tin. Phòng đã phối hợp với đơn vị liên quan thường xuyên đăng bài cảnh báo tin giả về sắp xếp các tỉnh thành trên trang thông tin điện tử Công an tỉnh và trang "Vì an ninh Xứ Lạng" trên Facebook của Công an tỉnh.
Trong nội dung Kết luận 126-KL/TW ngày 14/2/2025 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về một số nội dung, nhiệm vụ tiếp tục sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị năm 2025 chỉ rõ: Nghiên cứu định hướng tiếp tục sắp xếp bỏ cấp hành chính trung gian (cấp huyện); định hướng sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh. Tại Kết luận 127-KL/TW ngày 28/2/2025 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về triển khai nghiên cứu, đề xuất tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị chỉ rõ: Nghiên cứu, xây dựng đề án sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh, không tổ chức cấp huyện, tiếp tục sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã. Như vậy, đến thời điểm này, chưa có quyết định chính thức về việc sáp nhập cụ thể các tỉnh, thành nào. Các thông tin lan truyền về danh sách sáp nhập các tỉnh, thành chỉ là thông tin giả.
Để kịp thời định hướng dư luận, các cơ quan chức năng của tỉnh đã và đang tích cực triển khai các biện pháp tuyên truyền, lan tỏa các thông tin chính thống và đấu tranh với các thông tin sai sự thật. Cụ thể, Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy đã ban hành các văn bản gửi đến các cơ quan, đơn vị liên quan về việc đẩy mạnh tuyên truyền nội dung các văn bản của trung ương, của tỉnh về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy.
Ông Nguyễn Trọng Sơn, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy cho biết: Mới đây nhất là ngày 4/3, ban đã ban hành công văn về đẩy mạnh tuyên truyền các văn bản của trung ương và Kế hoạch số 214-KH/TU ngày 26/2/2025 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về sắp xếp tổ chức bộ máy. Trong đó ban yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan, đội ngũ báo cáo viên, cộng tác viên dư luận xã hội các cấp tăng cường công tác tuyên truyền, nắm tình hình tư tưởng, định hướng dư luận xã hội nhằm nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên về việc đổi mới, sắp xếp tổ chức, bộ máy, tinh giản biên chế. Đồng thời ban yêu cầu các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh, đội ngũ cộng tác viên 35 các cấp tăng cường đăng tải tin, bài phản ánh về kết quả thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ của hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh; chủ động lan tỏa những thông tin tích cực, đồng thời nắm bắt, đấu tranh phản bác các thông tin xuyên tạc, sai sự thật, nhằm chia rẽ, gây mất đoàn kết nội bộ.
Với chức năng quản lý nhà nước về thông tin, những ngày gần đây, Phòng Thông tin - Báo chí - Xuất bản, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thường xuyên cập nhật thông tin và tích cực phối hợp với cơ quan công an và các đơn vị liên quan theo dõi việc đăng tải thông tin về sắp xếp tổ chức bộ máy trên mạng xã hội. Phòng cũng đã tham mưu cho sở tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn cách nhận biết tin giả về sáp nhập các tỉnh, thành. Ông Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng Phòng Thông tin - Báo chí - Xuất bản cho biết: Nếu phát hiện trường hợp nào đưa thông tin sai sự thật, phòng sẽ xác minh, phân loại và xử lý thông tin theo quy trình. Sau đó đóng dấu tin giả và công bố công khai rộng rãi trên các kênh truyền thông của sở; chia sẻ đăng tải trên các phương tiện thông tin của cơ quan báo chí, trang thông tin điện tử của các sở, ban, ngành; đồng thời xử lý hoặc chuyển cơ quan chức năng xử lý theo quy định.
Sử dụng mạng xã hội để giải trí, cập nhật thông tin là nhu cầu thiết yếu, hằng ngày của người dân. Theo khuyến cáo của cơ quan chức năng, người dân cần cẩn trọng, tỉnh táo tiếp nhận và chọn lọc thông tin, trong đó các thông tin liên quan đến việc sắp xếp tổ chức bộ máy, sắp xếp các tỉnh, thành phố nên đọc từ các nguồn tin chính thống của các cơ quan thông tấn báo chí, cổng thông tin điện tử của Trung ương và địa phương; tuyệt đối không chia sẻ, lan truyền các thông tin không rõ nguồn gốc, chưa được kiểm chứng lên mạng xã hội.

Ý kiến ()