Sáp nhập các đơn vị hành chính phải phù hợp với tính đặc thù của từng địa phương và nguyện vọng của Nhân dân
LSO-Đó là ý kiến của đồng chí Đoàn Thị Hậu, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn giám sát của Thường trực HĐND tỉnh tại buổi giám sát tình hình thực hiện sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp xã, sáp nhập thôn, khối phố tại UBND tỉnh vào sáng nay (14/10).
Tham gia đoàn có ông Dương Xuân Hòa, Ủy viên Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh; đại diện các ban HĐND tỉnh.
Các đại biểu nghe báo cáo kết quả thực hiện đề án sắp xếp ĐVHC cấp huyện, xã
và sắp xếp, sáp nhập thôn trên địa bàn tỉnh
Làm việc với giám sát có đồng chí Dương Xuân Huyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện các sở, ban, ngành tỉnh, lãnh đạo UBND các huyện: Cao Lộc, Văn Lãng, Chi Lăng, Tràng Định, Hữu Lũng.
Thực hiện Đề án sắp xếp ĐVHC cấp huyện, xã, sáp nhập thôn, khối phố trên địa bàn tỉnh, các cấp ủy đảng, chính quyền tỉnh đã xác định đúng đắn, đầy đủ trách nhiệm, triển khai đồng bộ, kịp thời. Qua đó tạo điều kiện tập trung huy động nguồn lực phát triển kinh tế, văn hóa, kết cấu hạ tầng cơ sở, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân, bảo đảm an ninh – quốc phòng, trật tự, an toàn xã hội.
Từ năm 2019 đến nay, UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND các huyện thực hiện sắp xếp 51 ĐVHC cấp xã, giảm từ 226 xã, phường, thị trấn xuống còn 200 xã, phường, thị trấn; giảm 288 thôn, tổ dân phố; hiện toàn tỉnh còn 1.850 thôn, tổ dân phố.
Số cán bộ công chức dôi dư do sắp xếp ĐVHC cấp xã là 483 người, trong đó, UBND các huyện đã sắp xếp giải quyết chế độ 284 người, còn 199 người sẽ tiếp tục bố trí, sắp xếp, tinh giản biên chế trong 5 năm tới. Hiện nay, toàn tỉnh có 44/200 ĐVHC cấp xã thực hiện chủ trương bí thư kiêm chủ tịch UBND xã (tỷ lệ 22%); 1.167/1.850 thôn, tổ dân phố đã thực hiện chủ trương bí thư kiêm trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố (tỷ lệ 63,1%)…
Tại buổi giám sát, các đại biểu đã trao đổi, làm rõ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện đề án như: sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức dôi dư; quản lý, sử dụng cơ sở vật chất, hạ tầng kinh tế, văn hóa, xã hội sau sáp nhập; việc áp dụng các chính sách đặc thù (như khu vực I, II, III; phụ cấp khu vực, xã có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn…); cấp mới, cấp đổi các loại giấy tờ cũng như xác định nghĩa vụ tài chính (trong lĩnh vực đất đai, xây dựng)…
Đồng chí Đoàn Thị Hậu, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh
phát biểu tại buổi giám sát
Kết luận buổi giám sát, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh đánh giá cao sự nỗ lực, bám sát các văn bản chỉ đạo của cấp trên, trong thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, xã, sáp nhập thôn, khối phố, mà UBND tỉnh đã triển khai, chỉ đạo thực hiện.
Đồng chí đề nghị: Thời gian tới, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo UBND các huyện có phương án, lộ trình bố trí, sắp xếp cán bộ dôi dư, giải quyết kịp thời chế độ cho cán bộ nghỉ hưu; rà soát, đánh giá tính khả thi trong việc thực hiện nhất thể hóa chức danh bí thư kiêm chủ tịch xã, bí thư kiêm trưởng thôn; quản lý, sắp xếp, sử dụng hiệu quả tài sản công của các đơn vị sau sáp nhập.
Đồng thời, cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho Nhân dân về ý nghĩa thực hiện chủ trương sáp nhập các ĐVHC. Đối với 10 xã còn lại trong lộ trình sáp nhập ĐVHC giai đoạn 2021 – 2030, UBND tỉnh, huyện tiếp tục khảo sát, đánh giá để đưa ra phương án sáp nhập phù hợp với tính đặc thù của từng địa phương và nguyện vọng của Nhân dân…
Đoàn giám sát tiếp thu, tổng hợp kiến nghị, đề xuất của UBND tỉnh, các sở, ban, ngành và UBND một số huyện để nghiên cứu ban hành nghị quyết, đồng thời trình Quốc hội xem xét, giải quyết trong thời gian tới.
Ý kiến ()