Sắp gặp thế hệ sau của Ma Làng trên màn ảnh nhỏ
Sau thành công của Ma làng, sắp tới đây ông Phần “nông thôn” sẽ làm tiếp một bộ phim về đề tài nông thôn thời kỳ đổi mới mang tên “Làng Bâm Dương 10 năm sau”. Mặc dầu các nhân vật trong phim này sẽ là sự kế tiếp của thế hệ Ma làng, song đạo diễn khẳng định mình “không làm phim kiểu ăn theo”.
– Thưa đạo diễn Nguyễn Hữu Phần, được biết ông chuẩn bị bấm máy bộ phim Làng Bâm Dương 10 năm sau, có nhiều ý kiến cho rằng bộ phim là sự “ăn theo” của Ma làng đã rất thành công trước đó?
– Tôi không thích làm phim theo kiểu ăn theo, nên không nói là sẽ làm Ma làng 2, nhưng lại thích quan tâm tới số phận của các nhân vật đã được khẳng định và định hình trong lòng người xem ở mấy bộ phim về nông thôn đã làm. Vì vậy, tôi sẽ làm một bộ phim với câu chuyện hoàn toàn mới về nông dân và nông thôn thời kỳ đổi mới và phát triển theo cơ chế thị trường định hướng XHCN diễn ra mấy chục năm nay.
Khán giả khi xem Làng Bâm Dương 10 năm sau thì có thể hiểu ngầm đó là Ma làng 2, sự kế tiếp của những số phận người nông dân sống vào những năm 1990, sau 10 năm, họ sẽ thay đổi ra sao.
Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần. |
– Tuyến nhân vật chính phim “Ma Làng” có sự thay đổi như thế nào trong “Làng Bâm Dương 10 năm sau”?
– Trong phim Làng Bâm Dương 10 năm sau, tôi tiếp tục sử dụng lại những nhân vật (và các diễn viên) đã xuất hiện ở phim Ma làng, những nhân vật đã quen thuộc với khán giả truyền hình như cô Ló, anh Tân, ông Tòng chủ tịch xã… nhằm đưa ra cảnh báo vấn đề phẩm chất con người thay đổi như thế nào khi tiền bạc, sự giàu có đến với họ – những người nông dân – quá bất ngờ.
Toàn bộ bối cảnh của ngôi làng cũ cũng sẽ được lấy lại, nhưng có điều, tất cả những thứ cũ đó chỉ là cái nền giúp làm nổi bật được cuộc sống của một thế hệ mới trong guồng quay xã hội hiện đại. Những đứa trẻ đã lớn lên sau 10 năm, thế hệ chủ nhân tương lai của ngôi làng, sẽ sống khác với bố mẹ chúng trước đó 10 năm như thế nào, mới là điều tôi muốn nhấn mạnh.
Cũng xin nói thêm rằng, bộ phim Làng Bâm Dương 10 năm sau là một kịch bản độc lập với kịch bản Ma làng trước đó. Một câu chuyện hoàn toàn mới, trên cơ sở liên tưởng qua những nhân vật cũ. Anh Tân có thể là một anh hùng trong thời kỳ cũ nhưng lại bị gục ngã trước thời buổi cơ chế thị trường, hay cô Ló gặp may trở thành tỉ phú khi được nhận được tiền đền bù đất. Những người nông dân đó sẽ xoay sở cuộc sống ra sao trước cơ chế thị trường, mà chưa có một sự chuẩn bị nào, khi đột nhiên trở thành người giàu có, con cái họ sẽ sống ra sao?
Làm như vậy, để khán giả có điều kiện để nhận rõ sự thay đổi lớn lao của một vùng quê, của những con người trong giai đoạn mới, trong sự phát triển của lịch sử. Từ đó, đưa đến cho những phép sơ sánh những mặt tích cực, tốt đẹp của thời đổi mới, cũng như những vấn đề, những mặt trái nảy sinh trong sự phát triển kinh tế thị trường tác động đến người nông dân trong thời kỳ đổi mới.
Cảnh trong phim Ma làng. |
– Những câu chuyện về người nông dân thời đổi mới cũng đã được thể hiện ở Gió làng Kình của ông và một vài bộ phim của các tác giả khác. Đạo diễn có sợ rằng, nội dung tư tưởng của bộ phim sẽ lặp lại những vấn cũ mà ai cũng biết?
– Rất nhiều vấn đề cũ mà nhiều thế hệ tác giả, tác phẩm vẫn tiếp tục khai thác, như Tình yêu chẳng hạn. Điều quan trọng là ở cách khai thác, là góc nhìn của người sáng tác. Những vấn đề của nông thôn, người nông dân nước ta trong thời kỳ đổi mới, trong quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa ở các vùng miền rất khác nhau. Việc tạo ra những tính cách nhân vật, khai thác đề tài ở những khía cạnh khác nhau, tôi tin sẽ tạo ra nhiều bức tranh xã hội đa dạng, đa sắc mầu, mà không trùng lặp nhau.
Với tôi, việc phản ánh những vấn đề phức tạp, rắc rối của nông thôn không chỉ nhằm mục đích phê phán mà bên cạnh đó, phải khai thác được những nét đẹp trong phẩm cách và mối quan hệ của người lao động (dù ở nông thôn hay thành thị, dù ở giai đoạn này hay giai đoạn khác).
– Với các phim về đề tài nông thôn, ông thường có cái nhìn tiêu cực?
– Những bộ phim như Đất và người, Ma làng, Gió làng Kình đều có tính phê phán cao. Trong phim, những nhân vật tiêu cực với cách hành xử khá xảo quyệt, tàn ác lại được đặt trong nhiều tính huống cụ thể, gần gũi với người dân nông thôn và người quan tâm đến nông thôn. Vì vậy đông đảo người xem liên tưởng đến chuyện của quê hương mình, những bức xúc mà họ đã gặp phải trong cuộc sống, trong cơ chế quản lý làng xã.
Thế nhưng không phải tôi chỉ thích phê phán mà còn biết tạo ra những nhân vật tích cực, những phẩm chất tốt đẹp của người lao động. Chẳng hạn như cô Ló, anh Dỏ trong Ma làng của tôi tuy đanh đá, thô tục, bông lơn, say xỉn… nhưng chắc chắn ai cũng nhận ra, họ là những người yêu ruộng đất, chăm chỉ lao động, ghét thói bất công và có lòng nhân ái. Sự cân bằng đó mới làm cho bộ phim có sức nặng và đi sâu vào lòng người, chứ chỉ phê phán một chiều thì… đáng chán lắm.
Khán giả sẽ gặp lại các nhân vật và diễn viên quen thuộc của Ma làng như Tòng (Bùi Bài Bình), Ló (Kim Oanh), Dỏ (Hồng Sơn)… tròng Làng Bâm Dương 10 năm sau, cũng có thể coi là Ma làng 2. |
Mọi người thấy tôi làm phim về nông thôn thì tiêu cực lắm, nhưng thực tế mà nói, tôi vốn không thích làm phim để lên án cái tiêu cực. Ngày trước tôi đã từng có những bộ phim được đánh giá là “điện ảnh thơ”, ca ngợi vẻ đẹp của quê hương đất nước và tình người như Em còn nhớ hay em đã quên, Bản tình ca trong đêm, Giọt lệ Hạ Long…
Tôi luôn cho rằng phim về cái đẹp, về tình người tồn tại lâu hơn với thời gian cũng như trong lòng người xem. Còn phim phê phán, “đánh phá” cái xấu, cái tiêu cực chỉ nhất thời trong hoàn cảnh xã hội thay đổi. Từ hồi mới chuyển sang làm phim về nông thôn và đến tận bây giờ tôi vẫn ao ước có thể làm được những thước phim đẹp. Thế nhưng nông thôn của chúng ta đang có nhiều xáo trộn, nhiều vùng quê đẹp đang bị phá vỡ và lòng người hình như cũng có nhiều bất ổn.
Vì vậy tôi phải phản ánh những vấn đề bức xúc của người dân trước đã, mơ ước làm phim về một vùng quê đẹp, những con người và mối quan hệ nhân ái… vẫn còn phải gác lại hoặc tạm thời gửi phần nào vào những nhân vật người nông dân như Nghiệp, Mưa, Ló, anh Dỏ.
– Nói như thế, với sự xáo trộn kiểu “nửa tỉnh, nửa quê” như hiện nay ở nông thôn Việt, mơ ước của ông sẽ khó thành sự thật?
– Với thói quen nghề nghiệp, tôi rất hay đi nơi này nơi khác. Có những lần lên Hà Giang, rồi gần đây ra Côn Đảo, tôi đã được thấy những vùng quê bình yên rất khác với vùng đồng bằng đang “nháo nhào”, sôi động với mua bán đền bù đất với khát vọng làm giầu trong từng nhà từng người. Những vùng quê xa xôi ấy hình như không bị chi phối nhiều bởi cuộc sống xô bồ theo lối kinh tế thị trường, họ thật thà, tốt bụng, cư xử rất cởi mở, thân thiện. Nhưng tôi đang lo việc phát triển du lịch, đô thị hóa, công nghiệp hóa rầm rộ như hiện nay liệu có phá vỡ vẻ đẹp này không? Ước gì lúc này, tôi có đủ điều kiện, để làm được bộ phim vềắnhững vùng quê, con người nơi đó.
– Xin cảm ơn đạo diễn và chúc ông thành công!
Ý kiến ()