“Sao Thần nông” xứ Lạng
Ông Mã Văn Lét, thôn Quán Thanh, xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng chăm sóc cây na trái vụ |
Sinh ra trong một gia đình có đông anh chị em, ngay từ nhỏ, ý thức được sự tần tảo, vất vả của bố mẹ, ngoài giờ học, cậu bé Lét chăm chỉ làm việc ruộng vườn. Đến những năm 80 của thế kỷ XX, khi trong xã mọi người bắt đầu trồng na, chàng thanh niên trẻ ngày ngày cần mẫn phụ giúp gia đình việc trồng và chăm sóc vườn na để vừa có thu nhập, vừa có kinh nghiệm tích lũy sau này.
Năm 1990, khi lập gia đình, ra ở riêng, vợ chồng ông Lét được bố mẹ chia cho 3 sào ruộng, cuộc sống gặp khá nhiều khó khăn. Không cam chịu đói nghèo, ông đã bàn với vợ mạnh dạn khai phá đất trên núi để trồng na. Ban đầu, vốn ít ông trồng 200 cây, dần dần tích góp được tiền, mỗi năm, ông trồng thêm 100 đến 200 cây. Vậy là đến những năm 2000, “tài sản” của gia đình đã có hơn 1.000 gốc na trên núi đá. Thời điểm đó, do vừa mở rộng diện tích cây trồng, vừa trang trải cuộc sống nên ông gặp khó khăn về vốn. Khi được vay 30 triệu đồng từ Ngân hàng nông nghiệp và Phát triên nông thôn, ông đã đầu tư để mua phân bón, xây bể trữ nước phục vụ quy trình chăm sóc na. Sau 3 đến 4 năm ươm trồng, cây na của gia đình ông được thu hoạch và bước đầu có thu nhập ổn định. Có vốn, ông tiếp tục mua đất để trồng thêm 800 gốc na dưới đất bằng.
Với sự nhanh nhạy, chịu khó, ham học hỏi, năm 2012, ông Lét đã nghiên cứu và tìm ra cách thụ phấn chủ động để cây na ra hoa trái vụ. Ông chia sẻ: Xuất phát từ thực tế na chính vụ thường có giá bấp bênh, phụ thuộc vào thương lái thu mua, tôi thiết nghĩ, nếu mình giãn cách thời gian thu hoạch na sẽ làm phong phú thêm thị trường, đồng thời giá trị quả na sẽ được cao hơn. Nghĩ là làm, ban đầu, tôi tự mày mò, thực hành, một cây na vụ trái chỉ dám để 10 đến 20 quả/cây. Sau đó, khi đi học hỏi kỹ thuật ở tỉnh Quảng Ninh thì thấy một cây na trái vụ họ có thể để từ 70 đến 80 quả/cây, từ đó cộng thêm kinh nghiệm tích lũy, đến nay, tôi đã ứng dụng thành công và làm na trái vụ được 5 năm rồi.
Đặc biệt, khi tìm ra phương pháp sản xuất mới, ông không giữ bí quyết cho riêng mình mà luôn nhiệt tình chia sẻ cách làm; trực tiếp đến vườn để hướng dẫn anh em, bạn bè cách cắt tỉa cành, tuốt lá, ngắt hoa, thụ phấn để cây cho quả trái vụ. Vì vậy, một vài năm trở lại đây, tại xã Chi Lăng đã có thêm rất nhiều gia đình sản xuất na trái vụ do được học hỏi kỹ thuật từ ông Lét.
Bên cạnh việc phát triển kinh tế từ cây na, tận dụng diện tích đất vườn còn trống, năm 2013, ông trồng thêm 100 cây bưởi Diễn, dịp Tết Nguyên đán tới đây sẽ cho thu hoạch vụ đầu tiên. Nhờ chăm sóc tốt, trung bình mỗi cây bưởi Diễn của gia đình ông cho khoảng 100 quả. Với giá bán bình quân 20 nghìn đồng/quả thì ước tính vụ này, ông “cầm chắc” 200 triệu đồng từ thu hoạch bưởi. Như vậy, trung bình mỗi năm, trừ các chi phí, gia đình ông Lét có thu nhập hơn 400 triệu đồng từ cây ăn quả.
Bà Triệu Thị Tám, Chủ tịch Hội Nông dân xã Chi Lăng cho biết: Ông Mã Văn Lét là một hội viên xuất sắc của Hội Nông dân xã Chi Lăng, là tấm gương tiêu biểu trong phát triển kinh tế và là người có nhiều đóng góp cho các phong trào của hội. Điểm đặc biệt nhất ở hội viên này là sự tìm tòi, sáng tạo ra kỹ thuật mới, đồng thời phổ biến, nhân rộng cho xã và huyện…
Với những cố gắng nỗ lực đó, năm 2016, gia đình ông Lét đã vinh dự được nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh vì có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, phát triển kinh tế hộ gia đình. Tháng 7/2017, ông được bình chọn nhận giải thưởng “Sao Thần nông – Cho mùa bội thu”- giải thưởng giới thiệu, tôn vinh, khuyến khích các mô hình sản xuất mang tính sáng tạo, độc đáo, đem lại hiệu quả cao trên toàn quốc.
Ý kiến ()