Sao chép chiến thuật
Theo Reuters, các nhóm Hồi giáo cực đoan tại khu vực Sahel của châu Phi có liên hệ với tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và mạng lưới khủng bố quốc tế al-Qaeda đang sao chép chiến thuật vốn được IS và al-Qaeda sử dụng tại những khu vực khác trên thế giới.
Sáng sớm 22-11-2019, các tay súng vũ trang phóng xe máy về phía ngôi làng Tchombangou tại thị trấn Ouallam thuộc vùng Tillaberi ở Tây Nam Niger.
Và khi dân làng vẫn còn đang chìm trong giấc ngủ, chúng đã lôi ông Boubacar Lawey, vị trưởng làng 95 tuổi tới một vị trí cách Tchombangou không xa để xử tử.
Trong ngày hôm ấy, ông Lawey không phải là trưởng làng duy nhất trở thành nạn nhân. Những người đứng đầu của ít nhất 3 ngôi làng khác gần đó cũng bị các tay súng bắt cóc hoặc giết hại.
Binh lính Niger tuần tra bên ngoài thị trấn Ouallam. Ảnh: Reuters |
Trong một bài viết vừa qua, Reuters cho biết các cuộc tấn công nói trên chỉ là một phần của tình trạng bạo lực leo thang nhanh chóng do các nhóm Hồi giáo cực đoan có liên hệ với IS và al-Qaeda tiến hành tại khu vực Sahel rộng lớn của châu Phi (gồm các nước: Mali, Mauritania, Niger, Nigeria, Senegal, Burkina Faso, CH Chad, Sudan và Eritrea).
Trong vòng 4 năm qua, chỉ tính riêng tại 3 quốc gia khu vực Sahel là Niger, Mali và Burkina Faso, hàng nghìn người đã bị thiệt mạng trong các cuộc tấn công. Pháp, Mỹ và các quốc gia láng giềng đã triển khai hàng nghìn binh lính trong một nỗ lực nhằm hỗ trợ bảo đảm an ninh tại 3 quốc gia này.
Hàng triệu người phải tha phương cầu thực và hàng nghìn trường học bị đóng cửa trong bối cảnh những nhóm Hồi giáo cực đoan nói trên mưu toan chiếm đóng các khu vực nông thôn và hất cẳng các lực lượng nước ngoài. Trong khi đó, giới chức khu vực cho rằng vì địa bàn rộng lớn cùng với thiếu nguồn lực tại những quốc gia nghèo nhất thế giới nên rất khó để chấm dứt các cuộc tấn công.
“Tại Niger, chúng tôi cần 150.000 binh lính để bảo vệ lãnh thổ. Thế nhưng chúng tôi chỉ có 35.000 binh lính”, Reuters dẫn lời Chuẩn tướng Mahamadou Abou Tarka, người đứng đầu một cơ quan chịu trách nhiệm tìm kiếm giải pháp chấm dứt xung đột của Niger.
Từ đầu năm 2018 đến nay, các nhóm Hồi giáo cực đoan có liên hệ với IS và al-Qaeda đã bắt cóc hoặc giết hại ít nhất 300 trưởng làng, quan chức chính phủ và thân nhân của họ tại khu vực biên giới giữa Niger, Mali và Burkina Faso vốn có diện tích lớn hơn nước Đức.
Số liệu này có thể còn thấp hơn so với thực tế vì chưa tính tới nhiều cuộc tấn công được tiến hành bởi một số nhóm cực đoan chưa xác định. Trong vòng 6 năm trước đó, con số nạn nhân nói trên là chưa đến 20 người. Giới phân tích cho rằng, đây vốn là chiến thuật được IS và al-Qaeda sử dụng nhằm mở rộng phạm vi ảnh hưởng tại nhiều khu vực khác ở Trung Đông và châu Phi.
“Chúng kêu gọi tấn công bất kỳ lãnh đạo cộng đồng nào để cảnh báo người dân về hậu quả của việc giúp đỡ, hợp tác với kẻ thù của chúng. Mục đích của chúng là khiến người dân sợ hãi, cho thấy ngay cả nhân vật quan trọng nhất trong làng cũng không được an toàn”, nhà nghiên cứu Michael Knights của Viện Washington về chính sách Cận Đông có trụ sở tại Washington nhận xét.
Kể từ sau cuộc tấn công ngày 22-11-2019, đã có 60 trưởng làng ở vùng Tillaberi chạy trốn vì lo sợ tính mạng bị đe dọa. Theo ông Marsadou Soumaila, một quan chức tại thị trấn Ouallam, bằng cách tiến hành tấn công nhằm vào các trưởng làng, các nhóm Hồi giáo cực đoan “đang tấn công vào quyền lực nhà nước” bởi “các trưởng làng là những “cánh tay nối dài” của chính quyền chúng tôi”.
Theo Reuters, thiếu vắng người đứng đầu khiến nhiều ngôi làng tại Sahel trở nên dễ bị tổn thương hơn. Căng thẳng sắc tộc-vốn thường do những người đứng đầu đứng ra làm trung gian hòa giải, nay có nguy cơ leo thang, tạo điều kiện thuận lợi để các nhóm Hồi giáo cực đoan chiêu mộ những phần tử bất mãn.
Đồng thời, các lực lượng an ninh trong khu vực cũng mất đi sự hỗ trợ và nguồn thông tin tình báo quan trọng.
“Sát hại người đứng đầu là nhằm gây bất ổn tối đa. Nếu mục đích cuối cùng là thay thế quyền lực nhà nước, việc giết hại các trưởng làng mới chỉ là bước khởi đầu”, chuyên gia Rahmane Idrissa tại Đại học Leiden của Hà Lan nhấn mạnh.
Theo Quandoinhandan
Ý kiến ()