LSO-Nghị định 71/2012/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 34/2010 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ có hiệu lực gần một tháng nay. Tuy nhiên quy định phạt nặng hành vi không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo Nghị định này vẫn đang vấp phải sự phản đối của dư luận. Để người dân hiểu và chấp hành tốt các quy định của pháp luật, lực lượng chức năng Lạng Sơn đã đẩy mạnh tuyên truyền và tạo thuận lợi cho người dân thực hiện việc chuyển quyền sở hữu phương tiện. CSGT Lạng Sơn tuyên truyền Luật GTĐB cho người điều khiển phương tiệnMua lại chiếc xe máy từ người quen đã 3 năm nay, song anh Vi Văn Mảo, ở khối Trần Thánh Tông, phường Chi Lăng, TP Lạng Sơn vẫn chưa làm thủ tục sang tên đổi chủ. Chỉ đến gần đây, khi Nghị định 71 ra đời, nghe thông tin hành vi không làm thủ tục chuyển quyền sở hữu xe mô tô có thể bị xử phạt lên tới 1,2 triệu đồng, anh mới “tá hỏa” đi tìm hiểu quy...
LSO-Nghị định 71/2012/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 34/2010 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ có hiệu lực gần một tháng nay. Tuy nhiên quy định phạt nặng hành vi không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo Nghị định này vẫn đang vấp phải sự phản đối của dư luận. Để người dân hiểu và chấp hành tốt các quy định của pháp luật, lực lượng chức năng Lạng Sơn đã đẩy mạnh tuyên truyền và tạo thuận lợi cho người dân thực hiện việc chuyển quyền sở hữu phương tiện.
CSGT Lạng Sơn tuyên truyền Luật GTĐB cho người điều khiển phương tiện
Mua lại chiếc xe máy từ người quen đã 3 năm nay, song anh Vi Văn Mảo, ở khối Trần Thánh Tông, phường Chi Lăng, TP Lạng Sơn vẫn chưa làm thủ tục sang tên đổi chủ. Chỉ đến gần đây, khi Nghị định 71 ra đời, nghe thông tin hành vi không làm thủ tục chuyển quyền sở hữu xe mô tô có thể bị xử phạt lên tới 1,2 triệu đồng, anh mới “tá hỏa” đi tìm hiểu quy trình thủ tục để trở thành “chính chủ”.
Cũng như anh Mảo, trong những ngày qua, ở TP Lạng Sơn, nhiều người dân đã tìm đến cơ quan công an để được hướng dẫn, sang tên đổi chủ phương tiện. Theo thống kê của Công an thành phố, tính từ ngày 10/11 (thời điểm Nghị định 71 chính thức có hiệu lực) đến 5/12, đơn vị đã làm thủ tục chuyển quyền sở hữu phương tiện cho 75 trường hợp, đồng thời tư vấn, hướng dẫn hàng chục trường hợp khác để họ nắm được quy trình và khẩn trương hoàn tất các giấy tờ cần thiết làm thủ tục sang tên đổi chủ. Đây có thể coi là bước “nhảy vọt”, bởi trước khi có Nghị định 71, số người đến Công an thành phố làm thủ tục sang tên đổi chủ phương tiện rất ít, thậm chí có nhiều ngày liên tiếp, không có trường hợp nào, còn nay thì trung bình mỗi ngày đơn vị tiếp nhận, làm thủ tục cho từ 5-7 trường hợp. Thiếu tá Nguyễn Cao Huy, Đội trưởng Đội CSGT Công an thành phố Lạng Sơn cho biết: trên thực tế, quy định về chuyển quyền sở hữu phương tiện đã có từ nhiều năm nay song do mức xử phạt đối với hành vi không chuyển quyền sở hữu còn nhẹ và công tác tuyên truyền của cơ quan chức năng cũng chưa sâu rộng nên người dân còn khá thờ ơ. Nghị định 71 ra đời, tăng nặng mức xử phạt hành vi này lên 800.000 đến 1.200.000 đồng đối với xe mô tô, 6- 10 triệu đồng đối với xe ô tô, mức xử phạt cao gấp nhiều lần so với trước đã khiến dư luận quan tâm hơn. Chính vì thế, cùng với đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu đúng, đầy đủ về quy định chuyển quyền sở hữu phương tiện, Công an thành phố luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân đến làm thủ tục sang tên, đổi chủ xe mô tô, xe gắn máy theo phân cấp như: bố trí thêm cán bộ hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ của người dân; đảm bảo nhanh về thời gian, gọn về thủ tục, đối với những trường hợp chưa đủ giấy tờ, cán bộ CSGT trực tiếp tư vấn, hướng dẫn để họ hoàn tất thủ tục chuyển quyền sở hữu.
Tính đến tháng 10/2012, Công an tỉnh Lạng Sơn đang quản lý gần 12.000 xe ô tô và gần 250.000 xe mô tô, xe gắn máy. Tuy chưa có thống kê cụ thể về số lượng xe mô tô, gắn máy, xe ô tô chưa sang tên đổi chủ song trên thực tế, tình trạng chủ sở hữu phương tiện không làm thủ tục sang tên đổi chủ khi mua bán, cho, tặng là khá phổ biến. Trung tá Nguyễn Văn Quảng, Đội trưởng Đội Đăng ký và quản lý phương tiện, Phòng CSGT Công an tỉnh cho biết: sau khi Nghị định 71 có hiệu lực, cùng với việc hướng dẫn, tư vấn và giải quyết thủ tục cho nhân dân, trong công tác đăng ký, xử lý cũng như tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm giao thông, cán bộ, chiến sĩ CSGT đều chú trọng tuyên truyền, phân tích để người dân thấy rằng sang tên đổi chủ là việc làm cần thiết. Với người dân, khi làm thủ tục sang tên đổi chủ, cái mà họ được hưởng là trở thành chính chủ phương tiện, không bị tranh chấp dân sự, còn đối với nhà nước, khi người dân thực hiện chuyển quyền sở hữu phương tiện, các cơ quan chức năng sẽ thuận lợi hơn trong quản lý xe, dễ dàng hơn trong điều tra, giải quyết các vụ tai nạn giao thông, các vụ án hình sự… Nghị định 71 tăng nặng mức xử phạt hành vi không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định không nhằm mục đích tăng thu mà nhằm tăng tính răn đe; tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước và đảm bảo quyền lợi cho người dân.
Thời gian qua, trên địa bàn Lạng Sơn đã xảy ra những vụ tai nạn mà cơ quan chức năng phải mất nhiều thời gian mới xác định được danh tính nạn nhân do họ không phải là chính chủ phương tiện, cũng có không ít vụ gây tai nạn rồi bỏ trốn gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong điều tra, truy tìm thủ phạm. Trước thực trạng tai nạn giao thông và vi phạm TTATGT như hiện nay, việc thực hiện chuyển quyền sở hữu phương tiện càng trở nên cần thiết. Tuy nhiên, theo quy định hiện hành, thủ tục sang tên, đổi chủ phương tiện còn khá rườm rà: chủ phương tiện phải có hợp đồng chuyển nhượng, đến cơ quan thuế nộp thuế trước bạ rồi lấy biên lai đến cơ quan công an để làm thủ tục chuyển quyền sở hữu. Thêm vào đó, mức thuế mà người dân phải nộp còn khá cao, chẳng hạn xe ô tô là 10% giá trị xe nên người dân chưa mặn mà với việc chuyển quyền sở hữu phương tiện, chưa kể nhiều trường hợp phương tiện đã được mua bán trao tay nhiều lần, chủ phương tiện hiện tại cũng không biết tìm chủ cũ chiếc xe ở đâu để làm thủ tục chuyển nhượng. Do đó, về lâu dài, cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân hiểu và chấp hành quy định của pháp luật thì cần đơn giản hóa quy trình, thủ tục sang tên đổi chủ để tạo thuận lợi nhất cho người tham gia giao thông.
Bảo Vy
Ý kiến ()