Sáng tạo trong thầm lặng
Một cán bộ lãnh đạo Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết: Trong số hơn 20 viện nghiên cứu đầu mối, thì Viện Toán học là một trong số ít đơn vị có đội ngũ cán bộ có trình độ chất lượng cao, đoàn kết và có nhiều công trình được đăng tải trên các tạp chí có uy tín quốc tế. Quả thật, hiếm có một tập thể nghiên cứu khoa học như Viện Toán với 75 cán bộ trong biên chế, thì đã có 30 giáo sư (GS) và phó giáo sư (PGS), 18 người là tiến sĩ khoa học (TSKH), phần lớn được đào tạo từ nước ngoài về, hoặc là các sinh viên tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc từ các trường đại học trong nước 'đầu quân' về đây. Cơ ngơi của viện, ngoài khu nhà khoảng 1.000 m2 sử dụng, một chiếc xe con cũ kỹ, là một thư viện với hơn 15 nghìn đầu sách và khoảng 200 tạp chí chuyên ngành (do các nước gửi tặng). Nền kinh tế thị trường, một số đơn vị nghiên cứu có tính ứng dụng cao, thành lập được công ty để chuyển giao kết quả vào sản xuất, kinh doanh cho các ngành và địa phương, góp phần cải thiện đời sống cán bộ. Riêng Viện Toán học, thuộc lĩnh vực nghiên cứu cơ bản không có sản phẩm có thể sờ nắm được, đành loanh quanh với đồng lương và khoản tiền đề tài hạn hẹp hằng năm được phân bổ. Cái khó không bó được cái khôn, mỗi người một chuyên ngành (đại số, hình học và tô-pô, phương trình vi phân, xác suất và thống kê, tối ưu và điều khiển, giải tích số và tính toán khoa học…) trong cơ chế mới, bằng sức lực và trí tuệ của bản thân vừa bảo đảm đời sống, vừa không ngừng lao động sáng tạo. Theo Viện trưởng, GS, TSKH Ngô Việt Trung, từ năm 2001 đến nay, Viện Toán học luôn chủ trì hơn 50% số lượng đề tài trong chương trình nghiên cứu cơ bản nhà nước về toán học; kết quả nghiệm thu đề tài, viện thường xuyên giữ vị trí đứng đầu về chất lượng nghiên cứu. Chỉ tính thời kỳ các năm 2006 – 2008, cả nước có 11 đề tài được Bộ Khoa học và Công nghệ đánh giá xuất sắc thì Viện Toán học đã chiếm bảy đề tài. Thành tựu nghiên cứu khoa học của các nhà toán học nước ta, thời gian qua, tập trung vào các lĩnh vực như tối ưu và điều khiển, cơ sở toán học của tin học, xác suất thống kê, lý thuyết số, tô-pô – hình học và đại số, phương trình vi phân… Đặc biệt sự kiện GS Ngô Bảo Châu được nhận Giải thưởng cao quý Fields tại Đại hội Toán học thế giới lần thứ 16 vừa qua ở Ấn Độ, có phần đóng góp của một số giáo sư, tiến sĩ trong viện ở thời kỳ cuối bậc học phổ thông của giáo sư.
Không kể một số cán bộ trẻ mới vào nghề năm, bảy năm thì phần lớn những GS, PGS và TS của Viện Toán học đều tạo được các vị trí, ảnh hưởng nhất định trong giới toán học trong nước và quốc tế. Chẳng thế mà theo một cán bộ quản lý ở đây thì hằng năm có khoảng 50 lượt GS, PGS và TS của viện được các viện khoa học, hoặc các trường đại học trên thế giới mời đến giảng bài, cộng tác nghiên cứu hay tham dự hội nghị, hội thảo, toàn bộ kinh phí ăn, ở, đi lại đều do nước chủ nhà đài thọ. Ngoài các GS có uy tín trong làng toán học thế giới như Hoàng Tụy, Hà Huy Khoái, Ngô Việt Trung, Lê Tuấn Hoa, Hoàng Xuân Phú… được các nước phát triển mời đến giảng bài, cộng tác nghiên cứu, một số cán bộ trẻ như Phùng Hồ Hải, Tạ Hoài An, Phan Hà Dương cũng được các nước và vùng lãnh thổ như Pháp, Ca-na-đa, Đài Loan (Trung Quốc) mời đến cộng tác. Cũng trên cơ sở hợp tác đào tạo, trao đổi khoa học với nước ngoài, các công trình nghiên cứu có giá trị về lĩnh vực toán học được xác lập. Thống kê của Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho thấy, từ năm 2004 đến 2009, Viện Toán học đã có hơn 350 công trình được công bố, trong đó có hàng trăm công trình được đăng tải trên các tạp chí hàng đầu thế giới về khoa học tự nhiên như SCI và SCI – E (do Viện Thông tin Khoa học Mỹ xếp hạng). Riêng năm 2009 cán bộ nghiên cứu Viện Toán học đã có gần 60 bài báo khoa học được công bố trong các tạp chí quốc tế có uy tín. Điều đáng nói là những sáng tạo thầm lặng của các nhà toán học nước ta được ít người biết đến thì đã có hàng trăm nhà khoa học nước ngoài trích dẫn, sử dụng. Tiêu biểu trong số đó phải kể đến công trình của các GS Hoàng Tụy, Ngô Việt Trung, Lê Tuấn Hoa, Trần Đức Vân… được tác giả quốc tế trích dẫn từ 50 đến hàng trăm lần. Cùng với hoạt động nghiên cứu, công tác đào tạo của viện có đóng góp đáng kể vào việc tạo nguồn cán bộ có trình độ cao về toán học. Gần 30 năm qua, không kể hàng chục người được viện cử đi làm TSKH ở nước ngoài, đã có gần 150 TS và 357 thạc sĩ tốt nghiệp tại viện. Những nỗ lực trong nghiên cứu và sáng tạo của đội ngũ cán bộ Viện Toán học thời gian qua đã được ghi nhận bằng việc hai GS Lê Văn Thiêm và Hoàng Tụy được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học – công nghệ, sáu người được bầu làm Viện sĩ Hàn lâm khoa học và TS danh dự các trường đại học nước ngoài, chín cán bộ khác được tặng thưởng Huân chương Lao động các loại…
Tuy nhiên, chưa phải đã hết những hạn chế, khó khăn, trao đổi ý kiến với chúng tôi về đường hướng phát triển thời gian tới của đơn vị, GS Ngô Việt Trung cho biết: Thủ tướng Chính phủ đã ký duyệt chương trình trọng điểm toán quốc gia giai đoạn 2010 – 2020, viện sẽ được giao triển khai, thực hiện một số nội dung quan trọng. Nhưng trong không ít băn khoăn, lo lắng, có nỗi lo về sự hụt hẫng đội ngũ chuyên gia đầu ngành các chuyên ngành trong lĩnh vực toán học (người có kinh nghiệm lần lượt nghỉ hưu, người trẻ chưa đạt đến độ chín). Nhất là việc tuyển chọn sinh viên có năng khiếu toán về làm việc ngày càng khó khăn do chính sách đãi ngộ chậm có sự thay đổi so với đặc thù chuyên ngành. Là đơn vị chủ chốt tham gia huấn luyện Đội tuyển Toán cho các kỳ thi Ô-lim-pích Toán quốc tế hằng năm (được tuyển chọn từ hệ chuyên toán phổ thông đạt giải Quốc gia), các chuyên gia của viện qua theo dõi thực tế kết quả mấy năm gần đây, cũng báo động về chất lượng đội tuyển có chiều hướng giảm sút. Trong đó có nguyên nhân chất lượng giảng dạy toán của giáo viên ở bậc học phổ thông, và bên cạnh là cách thức tổ chức thi học sinh giỏi quốc gia thiếu khoa học trong vài năm qua, cần được sửa đổi kịp thời…
Ý kiến ()