Sáng tạo trong nghiên cứu, chuyển giao khoa học và công nghệ
Cán bộ Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN Lạng Sơn chăm sóc vườn nho Cự Phong, Tảo Hồng |
Dự án mở rộng mô hình giống nho Cự phong và Tảo hồng tại Lạng Sơn thực hiện trong giai đoạn 2012-2016 với quy mô 1.000 m2 mở ra nhiều cơ hội phát triển kinh tế cho nông dân địa phương. Dự án đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm cho các gia đình tham gia. Ông Hoàng Văn Ba, thôn Nà Chuông, xã Mai Pha, thành phố Lạng Sơn khẳng định: “3 năm gần đây, tôi có thu nhập ổn định gần 300 triệu đồng/năm chưa trừ chi phí từ trồng nho”.
Mô hình này không chỉ đem lại lợi ích kinh tế cho nông dân mà còn mở ra nguồn cung cấp nho sạch cho thị trường. Nhiều doanh nghiệp, người dân một số tỉnh bạn đã đến tham quan, tìm hiểu, nghiên cứu, liên kết đầu tư. Thành công này có được một phần là sự góp công sức, sự nhiệt huyết, sáng tạo, luôn có tư duy đổi mới của đội ngũ cán bộ trẻ ngành KH&CN. Chủ nhiệm dự án, anh Nguyễn Duy Đông, Phó trưởng Phòng Hành chính – Tổng hợp, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN, Bí thư Chi đoàn thanh niên Sở KH&CN tâm sự: Nho là cây mới đưa vào trồng tại Lạng Sơn. Quá trình thực hiện gặp nhiều khó khăn như bất đồng ngôn ngữ với đơn vị chuyển giao kỹ thuật, cây gặp sâu bệnh hại… Do đó, ngoài sự tâm huyết, chúng tôi còn phải sáng tạo tìm quy trình trồng phù hợp, cách triển khai dự án khoa học để đem lại hiệu quả cao.
Không chỉ thành công ở dự án này, nhiều năm gần đây, đội ngũ cán bộ trẻ ngành KH&CN tỉnh đã thành công ở nhiều lĩnh vực, chương trình khác. Hiện tại ngành có trên 80 cán bộ, công nhân, viên chức, trong đó đội ngũ cán bộ trẻ có 22 người (trên 95% có trình độ đại học trở lên). Ông Lê Minh Thanh, Giám đốc Sở KH&CN Lạng cho biết: Tuy đội ngũ cán bộ trẻ chiếm số lượng ít nhưng đóng góp nhiều công sức, trí tuệ đẩy mạnh hoạt động KH&CN phục vụ hiệu quả phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Đặc biệt, nhiều cán bộ trẻ có năng lực qua đào tạo, rèn luyện đã trưởng thành đã được tín nhiệm, bổ nhiệm giữ nhiều chức vụ lãnh đạo trong cơ quan, đơn vị.
Trong 5 năm trở lại đây có trên 100 đề tài, dự án được nghiên cứu, triển khai vào cuộc sống. Trong số này, đa phần dự án có sự tham gia của đội ngũ cán bộ trẻ. Ví dụ có thể kể như lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, đội ngũ cán bộ trẻ tập trung nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN sản xuất các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao như: ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô tế bào để nhân giống khoai tây, gừng núi đá, các loại hoa, các loại nấm ăn. Chuyển giao kỹ thuật sử dụng chế phẩm E.M, quy trình trồng dưa vàng, cải tạo rừng hồi… Anh Nguyễn Duy Đông cho biết thêm: Hiện tại, đội ngũ cán bộ trẻ của đơn vị đang tiếp tục triển khai một số dự án nghiên cứu khoa học như đoàn viên Thi Văn Hạt chủ nhiệm đề tài “Nghiên cứu nhân giống khoai môn bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào và xây dựng mô hình thâm canh tổng hợp”; nhiều cán bộ trẻ khác tham gia nhóm nghiên cứu đề tài “Xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ cao cho một số loại cây trồng trong nhà lưới, nhà kính”…
Anh Nguyễn Minh Huấn, chuyên viên Phòng Quản lý công nghệ và Quản lý chuyên ngành, Sở KH&CN cho biết: Để làm tốt hơn nữa công tác KH&CN, thời gian tới, cán bộ trẻ chúng tôi luôn xác định 3 tiêu chí rèn luyện là: “Tâm trong – trí sáng – hoài bão lớn” với các định huớng cụ thể như: trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ được giao; chủ động sáng tạo trong công việc, góp phần nâng cao chất lượng công tác chuyên môn; cống hiến sức trẻ cho sự phát triển KH&CN của tỉnh nhà.
Ý kiến ()