Sáng tạo, khai thác hiệu quả các không gian văn hóa
Không gian văn hóa được hiểu là những khu vực, môi trường có hoạt động văn hóa hoặc gắn với văn hóa. Trong thời kỳ hiện nay, các không gian văn hóa ngày càng đóng vai trò quan trọng thúc đẩy học tập, giao lưu, sáng tạo, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của cộng đồng. Tuy nhiên, việc bảo đảm, giữ gìn các không gian văn hóa đúng với mục tiêu, nhu cầu của đời sống hiện vẫn còn không ít bất cập, đòi hỏi cần có giải pháp tổng thể, phù hợp nhằm bảo đảm quyền sáng tạo và hưởng thụ văn hóa của mọi tầng lớp nhân dân.
Ảnh minh họa: Mai Lan |
Tại hội nghị tập huấn lý luận phê bình văn học nghệ thuật năm 2023 do Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương phối hợp Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức tại Đà Lạt từ ngày 7-9/12 vừa qua, một trong những nội dung quan trọng được thảo luận là “Xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh trên lĩnh vực văn học nghệ thuật ở thành phố mang tên Người”.
Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương Nguyễn Thế Kỷ nhấn mạnh: “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh là một phần tiêu biểu của văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh”.
“Xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh” là nhiệm vụ trọng tâm của đề án “Chiến lược phát triển ngành văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2020-2035” được Đảng bộ thành phố đề ra.
Sau hơn một năm triển khai thực hiện, không gian văn hóa Hồ Chí Minh trên địa bàn thành phố đã hoạt động hiệu quả với nhiều nội dung và hình thức cụ thể, gần gũi, thiết thực, lan tỏa mạnh mẽ các giá trị cao đẹp về tư tưởng văn hóa Hồ Chí Minh vào đời sống của các tầng lớp nhân dân.
Thống kê từ Sở Văn hóa, Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, thành phố hiện có 2.906 mô hình không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại các trụ sở cơ quan, đơn vị, cơ sở tôn giáo, khu nhà trọ, chung cư…
Đây là một thí dụ sinh động về việc “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” theo Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị.
Từ câu chuyện về không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại thành phố mang tên Bác, nhìn rộng ra các địa phương trong cả nước, có thể thấy những năm vừa qua nở rộ nhiều không gian văn hóa sáng tạo.
Đây vừa là xu hướng của phát triển, vừa là nhu cầu của người dân trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng. Các quốc gia trong đó có Việt Nam ngày càng chú trọng phát huy nguồn lực văn hóa, mở rộng không gian sáng tạo cũng như tiêu dùng văn hóa, xem văn hóa như một đòn bẩy trong phát triển bền vững quốc gia.
“Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” của Chính phủ đã và đang tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các ngành công nghiệp văn hóa phát triển.
Tại Đại hội XIII, Đảng ta xác định luôn bảo đảm tự do dân chủ trong sáng tạo văn học nghệ thuật, khuyến khích những tìm tòi mới làm phong phú thêm bản sắc văn hóa Việt Nam.
Đây chính là cơ sở lý luận quan trọng khuyến khích sự hình thành và phát triển của các không gian sáng tạo, sinh hoạt văn hóa, làm giàu có và tăng tính hấp dẫn cho văn hóa dân tộc.
Nhiều không gian văn hóa được hình thành, trở thành một thiết chế văn hóa kiểu mới, nơi bắt nguồn cho những ý tưởng sáng tạo của nhân dân nói chung và văn nghệ sĩ nói riêng.
Các khu vực từ nông thôn đến thành thị đều đã và đang xuất hiện những không gian văn hóa, từ những địa điểm nhỏ như quán cà-phê, trường học, nhà văn hóa, làng nghề thủ công, các cơ sở tôn giáo,… đến các địa điểm rộng lớn như phố đi bộ, các di tích lịch sử, bảo tàng, các khu du lịch…
Với sự mở rộng các không gian văn hóa như vậy có thể thấy, hoạt động văn hóa không còn chỉ là “đặc quyền” của các văn nghệ sĩ như trước mà đã thu hút sự tham gia của mọi tầng lớp nhân dân.
Bất cứ ai có niềm đam mê với văn hóa đều có thể cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, hiểu biết, cùng nhau sáng tạo và hưởng thụ văn hóa, tìm kiếm các nguồn tài trợ cho các dự án liên quan.
Theo tổng kết của Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia, đến nay Việt Nam có khoảng hơn 200 không gian văn hóa, nằm chủ yếu ở các đô thị lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Huế…
Có thể kể ra một số không gian văn hóa tiêu biểu như: Phố đi bộ Hoàn Kiếm, phố Sách, phố bích họa Phùng Hưng, “Cà phê Thứ 7”, “Ơ kìa, Hà Nội” (Hà Nội); “Đường sách”, “Salon Saigon”, “A.Farm”, “Sàn Art Laboratory”, “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” (Thành phố Hồ Chí Minh); “Vườn ươm Doanh nghiệp” (Đà Nẵng), “New Space Art Foundation” (Huế)…
Bằng nhiều hoạt động ý nghĩa, sôi nổi, các không gian văn hóa sáng tạo là điểm nhấn thú vị trong phát triển đô thị, góp phần làm cho bức tranh văn hóa đô thị thêm nhiều gam màu đẹp, thu hút sự quan tâm của người dân và khách du lịch.
Đặc biệt, sự kết nối của các không gian văn hóa đang trở thành một mạng lưới để doanh nghiệp và người sáng tạo văn hóa đến gần nhau hơn, là cầu nối đưa các sản phẩm văn hóa tới người tiêu dùng, tạo động lực cho phát triển công nghiệp văn hóa.
Bên cạnh các không gian văn hóa truyền thống cũng đã xuất hiện không ít không gian văn hóa ảo trên các nền tảng số như Podcast, YouTube, Facebook, Instagram… đóng góp đáng kể vào việc kết nối sáng tạo cũng như giao lưu, giới thiệu, lan tỏa các giá trị văn hóa Việt ra thế giới.
Tuy nhiên, nhìn một cách tổng thể, bên cạnh những mặt tích cực nêu trên, cách thức và hiệu quả hoạt động của nhiều không gian văn hóa vẫn còn không ít bất cập.
Dễ dàng nhận thấy, phần nhiều các không gian văn hóa hiện nay được bắt đầu từ ý tưởng cá nhân, hoặc của một nhóm người có cùng tâm huyết, mục tiêu. Hoạt động ở các không gian này kém ổn định vì phụ thuộc vào nhiều yếu tố như địa điểm, kinh phí và năng lực của người tổ chức.
Tính chuyên nghiệp, tính pháp lý của các không gian như vậy cũng chưa thật sự rõ ràng. Các không gian này chỉ có thể tổ chức những hoạt động quy mô nhỏ và vừa, khó có thể tổ chức các sự kiện đông người tham gia.
Vì tự phát nên thiếu sự kiểm soát về nội dung chương trình, dễ dẫn đến những sai lệch gây tác động tiêu cực đến cộng đồng. Cũng bởi thiếu tính ổn định nên một số không gian chưa thu hút được nhiều sự quan tâm của các văn nghệ sĩ có tầm ảnh hưởng.
Đối tượng tham gia chủ yếu hiện mới chỉ là một lượng người quan tâm hoặc các bạn trẻ tò mò, thích khám phá, chưa mở rộng lôi kéo, hấp dẫn đối tượng trí thức, doanh nghiệp – những người có khả năng và sẵn sàng đầu tư cho văn hóa. Thiếu ý tưởng trong nội dung, thiếu kế hoạch dài hơi, nên hoạt động của những không gian này mới chỉ dừng lại ở hình thức giao lưu, gặp mặt mang tính ngẫu hứng, tính sáng tạo chưa cao.
Tình trạng thiếu chuyên nghiệp, thiếu ý tưởng sáng tạo cũng diễn ra ngay cả trong các không gian văn hóa rộng lớn như phố đi bộ, bảo tàng, các di tích lịch sử.
Phố đi bộ Hoàn Kiếm thời gian qua gặp phải sự phản ứng của dư luận khi sử dụng một phần không gian để giới thiệu các gian hàng tiêu dùng không phù hợp, thiết kế thiếu thẩm mỹ, vừa phản cảm vừa mất an toàn, ảnh hưởng cảnh quan môi trường.
Hay việc tổ chức các buổi biểu diễn âm nhạc với công suất âm thanh lớn gây ô nhiễm tiếng ồn cũng như việc tổ chức giải chạy quanh hồ Hoàn Kiếm lúc 3 giờ sáng ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân cho thấy cần sự thay đổi tư duy của những người làm văn hóa đối với không gian văn hóa công cộng.
Tại nhiều địa phương, không gian sinh hoạt văn hóa thường bị người dân lấn chiếm làm nơi kinh doanh buôn bán, xả rác…
Để các không gian văn hóa hoạt động thật sự hiệu quả, đóng góp tích cực vào các ngành công nghiệp văn hóa, cần một sự thay đổi mạnh mẽ trong nhận thức của các cấp chính quyền địa phương, của ngành văn hóa và toàn thể người dân.
Cần tuyên truyền để toàn xã hội nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí của văn hóa, từ đó thấy được sự cần thiết của các không gian sáng tạo văn hóa. Việc nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của không gian văn hóa sẽ tạo điều kiện cũng như cơ hội cho các không gian văn hóa phát triển, thu hút đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức, doanh nghiệp tham gia giữ gìn, sáng tạo, lan tỏa, tiêu dùng các sản phẩm văn hóa.
Những ý tưởng độc đáo từ các không gian văn hóa ngoài việc làm phong phú đời sống tinh thần của người dân còn đóng góp vào phát triển kinh tế đất nước.
Song song với thay đổi nhận thức là hoàn thiện các cơ chế, chính sách tạo hành lang pháp lý an toàn giúp cho hoạt động sáng tạo văn hóa được thông suốt theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn.
Bảo vệ các không gian văn hóa còn đi liền với tăng cường giám sát hoạt động tại các không gian này, bảo đảm tính phù hợp, tạo điều kiện cho những ý tưởng tốt đẹp, hạn chế những hoạt động trục lợi, lệch lạc, đi ngược với thuần phong mỹ tục và văn hóa dân tộc.
Việc này càng trở nên quan trọng bởi hiện nay nhiều hoạt động văn hóa không chỉ tổ chức tại một địa điểm cụ thể mà còn trực tiếp livestream trên nền tảng số.
Quan trọng hơn là cần thiết lập kết nối chặt chẽ giữa các không gian văn hóa, bởi chính trong sự tương tác này, mọi ý tưởng được đón nhận, triển khai, tạo thành một vòng tròn thông tin mời gọi các tổ chức, doanh nghiệp vào cuộc.
Các không gian văn hóa cần được nhìn nhận như một thiết chế văn hóa có tác động tích cực tới xã hội, là yếu tố cốt lõi của công nghiệp văn hóa, có vai trò định hình diện mạo văn hóa mới của đất nước thời kỳ hội nhập. Chỉ khi các nguồn lực cho văn hóa được khơi thông mới thật sự tạo đà cho văn hóa phát triển, đóng góp hiệu quả vào chiến lược phát triển văn hóa quốc gia.
Theo nhandan.vn
Ý kiến ()