Sáng tạo, hiệu quả
LSO-Khu tạm giữ và tiêu hủy gia cầm nhập lậu tỉnh Lạng Sơn được đưa vào hoạt động từ tháng 4/2011. Thời gian đầu, mặc dù gặp khó khăn do máy móc, thiết bị làm ảnh hưởng đến chất lượng tiêu hủy gia cầm, nhưng đội ngũ cán bộ, nhân viên đơn vị đã không ngừng nỗ lực, khắc phục khó khăn, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật để vận hành lò tiêu hủy hiệu quả, đáp ứng tốt nhu cầu tiêu hủy gia cầm nhập lậu trên địa bàn.
Cho gia cầm sống vào thùng nhựa, phun khí CO2 sau đó mới tiến hành tiêu hủy |
SÁNG TẠO VẬN HÀNH LÒ TIÊU HỦY
Ngay sau khi đưa vào sử dụng, lò tiêu hủy gia cầm nhập lậu cho hiệu quả không cao. Sau khi đưa vào lò, gia cầm chỉ cháy được lớp bên ngoài, vừa không đáp ứng được yêu cầu, ảnh hưởng đến môi trường, vừa tiêu tốn nhiên liệu. Trước thực tế trên, làm thế nào để tiêu hủy được hoàn toàn gia cầm luôn là điều mà cán bộ, nhân viên đơn vị quan tâm, trăn trở và tập trung tìm giải pháp khắc phục. Trước yêu cầu của công việc, chỉ sau hơn 2 tháng suy nghĩ, nghiên cứu, ông Đỗ Đức Tuấn, cán bộ phụ trách kỹ thuật vận hành lò tiêu hủy đã nảy ra sáng kiến là thiết kế, chế tạo thêm một hệ thống ghi lò, giá I-nốc đặt vào trong lò tiêu hủy. Ông Tuấn cho biết: sau khi có hệ thống ghi lò, gia cầm đưa vào lò tiêu hủy cháy hoàn toàn, đảm bảo vệ sinh môi trường, tiết kiệm nhiên liệu. Từ đó đến nay, Khu tạm giữ và tiêu hủy gia cầm đã đi vào hoạt động ổn định, đáp ứng nhu cầu tiêu hủy một lượng lớn gia cầm nhập lậu và sản phẩm động vật nhập lậu, không có nguồn gốc xuất xứ.
Bên cạnh đó, trong quá trình vận hành lò tiêu hủy, do các chi tiết máy của lò luôn phải làm việc kéo dài trong điều kiện nhiệt độ cao (trên 1.000oC) nên nhiều linh kiện thường xuyên bị hư hỏng. Để khắc phục, cán bộ, nhân viên đơn vị thường xuyên bảo dưỡng, kịp thời khắc phục, sửa chữa, thay thế các hư hỏng như: mô tơ, những chi tiết bằng nhựa bị nứt, vỡ… đảm bảo sẵn sàng tiếp nhận khi có sản phẩm đến tiêu hủy.
TUÂN THỦ NGHIÊM QUY TRÌNH
Xuất phát từ đặc thù công việc, khi gia cầm chết bốc mùi hôi, thối sẽ ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe con người. Ông Lê Huy, Tổ trưởng Khu tạm giữ và tiêu hủy gia cầm nhập lậu cho biết: để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các đơn vị chức năng khi đến bàn giao gia cầm tiêu hủy, đơn vị đã xây dựng kế hoạch cụ thể, phân công cán bộ trực, tiếp nhận tiêu hủy 24/24 giờ, kể cả ngày lễ, thứ 7, chủ nhật. Cùng với đó, đơn vị nghiêm túc thực hiện việc giết mổ nhân đạo đối với gia cầm sống. Đó là, trước khi tiêu hủy, cho gia cầm vào bình nhựa, đậy kín, phun khí CO2 làm cho gia cầm chết ngạt, sau đó mới tiến hành đưa vào lò tiêu hủy. Tất cả các xe chở gia cầm đến tiêu hủy và sau khi đã tiêu hủy đơn vị đều tổ chức phun thuốc tiêu độc khử trùng xe và khu vực xung quanh cơ quan.
Hàng năm, Chi cục Thú y tỉnh đều phối hợp với Trung tâm quan trắc môi trường lấy mẫu đánh giá tác động môi trường 2 đợt, riêng khí thải lấy mẫu xét nghiệm 3 tháng/lần. Kết quả cho thấy các chỉ tiêu chất lượng môi trường đều nằm trong giới hạn cho phép của các quy chuẩn hiện hành về môi trường. Hiện trạng môi trường đất, không khí trong khu vực và vùng lân cận luôn đảm bảo, không có dấu hiệu ô nhiễm.
HIỆU QUẢ VƯỢT TRỘI
So với tiêu hủy thủ công như trước đây, việc đưa lò tiêu hủy gia cầm nhập lậu vào hoạt động mang lại hiệu quả vượt trội. Sản phẩm gia cầm được tiêu hủy hoàn toàn, không gây ô nhiễm môi trường. Vào thời kỳ cao điểm (mùa vụ chăn nuôi), để đáp ứng nhu cầu tiêu hủy một lượng lớn gia cầm nhập lậu nhanh, hiệu quả (có ngày cao điểm tiêu hủy từ 2 – 3 tấn gia cầm nhập lâu), đơn vị đã tiến hành tiêu hủy cả ngày lẫn đêm. Vì vậy, tất cả gia cầm nhập lậu đều được tiêu hủy kịp thời. Chỉ tính từ năm 2013 đến quý I/2015, đơn vị đã tiêu hủy trên 370 vụ. Trong đó, gà, vịt, ngỗng con giống trên 768.000 con; gà thịt thải loại, gà, vịt thương phẩm trên 95.000 kg; sản phẩm động vật như: tràng lợn, nầm lợn, chân gà gần 35.600 kg; chim bồ câu, chim cảnh gần 2.200 con… và một số sản phẩm gia cầm khác.
Với những nỗ lực, cố gắng đó, nhiều năm liền đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Năm 2014, đồng chí Đỗ Đức Tuấn vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện “Dự án phòng chống cúm gia cầm, cúm ở người và dự phòng đại dịch cúm ở Việt Nam, giai đoạn 2011-2014”.
MINH THẢO
Ý kiến ()