Sáng ngời truyền thống “tôn sư trọng đạo”
(LSO) – Thấm nhuần đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “tôn sư trọng đạo”, mỗi dịp ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 đến, các thế hệ học trò lại cùng nhau tri ân thầy cô – những người cần mẫn “gieo mầm” tri thức cho thế hệ tương lai.
Để tri ân những công lao, đóng góp của các thầy cô giáo, năm 1982, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành Quyết định số 167/HĐBT ngày 26/9/1982, lấy ngày 20/11 hằng năm là ngày Nhà giáo Việt Nam nhằm “thể hiện đầy đủ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước ta đối với đội ngũ giáo viên; để nêu rõ vị trí, vai trò quan trọng của đội ngũ giáo viên trong sự nghiệp đào tạo lớp người mới xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa; để phát huy truyền thống của nhân dân ta luôn luôn tôn trọng, quý mến thầy giáo và cô giáo”. Kể từ đó ngày 20/11 đã trở nên quen thuộc với rất nhiều người, nhất là thế hệ học trò. Đây là dịp để cho các thế hệ học sinh tôn vinh những người thầy, người cô đã dạy dỗ mình trong những tháng ngày cắp sách, ngồi trên ghế nhà trường.
Học sinh Trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh tặng hoa tri ân thầy giáo
Trong không khí của cả nước chào mừng kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam, những ngày này, các thế hệ học trò Xứ Lạng cũng thể hiện tình cảm và sự tri ân của mình tới các thầy, cô giáo. Trên những lớp học, tại các giảng đường, tất cả học sinh, sinh viên đều nô nức viết những tấm thiệp, bó những bông hoa, làm những món quà tặng thầy cô để bày tỏ tâm tình yêu mến và lòng biết ơn cô thầy. Em Nguyễn Thu Hằng, học sinh khối 10, Trường THPT Việt Bắc, thành phố Lạng Sơn chia sẻ: Để tri ân các thầy cô, chúng em đã tự tay làm những tấm thiệp và viết những lời chúc tốt đẹp để gửi đến thầy cô, những món quà tuy không có giá trị lớn về vật chất nhưng thể hiện tấm lòng biết ơn của chúng em.
Không chỉ các em học sinh đang còn ngồi trên ghế nhà trường mà có không ít những người đã trưởng thành, công việc bận rộn nhưng những ngày này cũng tìm đến những cô giáo, thầy giáo đã dìu dắt mình để tỏ lòng tri ân. Anh Trịnh Nhật Cường, Phó Giám đốc Công ty Nhiệt điện Na Dương – TKV chia sẻ: Tôi ra trường và đi làm đã nhiều năm, thầy cô giờ cũng đã khác, có thầy, cô nay đã chuyển vị trí công tác đến trường khác hoặc nghỉ hưu, tuy công việc bận rộn nhưng mỗi dịp 20/11 đến là tôi lại liên lạc với các bạn học thời phổ thông để tổ chức đến thăm thầy cô. Cùng với những lời chúc, lời tri ân thì ngày này cũng là dịp để thầy trò cùng ôn lại những kỷ niệm đẹp thuở học trò và kể cho nhau nghe những câu chuyện đẹp trong cuộc sống.
Qua đó có thể thấy trong xã hội ngày nay, người thầy vẫn có một vị trí đặc biệt quan trọng. Mặc dù khoa học kỹ thuật phát triển, nhiều yếu tố hiện đại, tiện ích có thể tham gia vào quá trình giáo dục con người nhưng có lẽ không gì có thể thay thế được vị trí của người thầy. Bởi lẽ, dù là xã hội có phát triển như thế nào đi nữa, người thầy vẫn luôn là biểu tượng cho nhân cách, chuẩn mực đạo đức và là người truyền vào tâm hồn học trò những điều tốt đẹp, gieo mầm thiện để nhân lên những điều thiện trong tâm can mỗi học trò.
Vào những ngày này, cùng với niềm hạnh phúc và tự hào khi đón nhận những tình cảm biết ơn của các thế hệ học trò, các nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục vẫn hướng tình cảm của mình đến những người thầy, cô, để nghĩ về nghề giáo, về trách nhiệm của mình trong việc giáo dục thế hệ trẻ. Thầy Hồ Công Liêm, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Tình thầy trò mỗi thời được thể hiện bằng những hình thức khác nhau, nhưng đều rất trân trọng. Xã hội ngày càng phát triển cũng đặt ra những thách thức mới cho những người làm công tác giáo dục, người thầy không chỉ là người truyền thụ tri thức, kỹ năng mà phải là những tấm gương về đạo đức, lối sống, tự học, tự rèn luyện, tận tụy, nhiệt tình, trách nhiệm với công việc và hết lòng yêu thương học sinh.
Ngày Nhà giáo Việt nam 20/11 hằng năm là dịp để các thế hệ học trò bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc với những người thầy, để mọi ngành, mọi nghề và toàn xã hội chia sẻ niềm vui, tri ân những người đã góp bao công sức và tâm huyết cho sự nghiệp trồng người cao cả.
Ý kiến ()